Nâng cao giá trị hạt gạo không chỉ là vấn đề riêng của Hậu Giang, mà còn là vấn đề của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Khái niệm “chuỗi giá trị hạt gạo” tới nay đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với nhà quản lý, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, mà còn đối với cả người trồng lúa.
Trên cánh đồng bội thu
Ảnh: HAUGIANG ONLINE
Trong chủ trương cánh đồng lớn và liên kết 4 nhà, thì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông được coi là thiết thực nhất, là giải pháp quan trọng nâng cao chuỗi giá trị cho lúa gạo. Chính vì vậy, thời gian qua Hậu Giang đã tập trung xúc tiến thực hiện mạnh mẽ mối quan hệ này.
Thực hiện Quyết định 62 của Chính phủ và Thông tư số 15 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn, các doanh nghiệp nông nghiệp nhận thấy đây là một thời cơ để kinh doanh, thông qua việc củng cố quy mô vùng nguyên liệu truyền thống, bao tiêu ổn định, chủ động nguồn nguyên liệu xuất khẩu..
Vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015 vừa qua, Hậu Giang có hơn 5.100ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Đây chính là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp nông nghiệp tiến hành đầu tư và bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách mạnh mẽ. Nông dân rất phấn khởi khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúc cuối vụ. Việc ký kết này được tiến hành khá chặt chẽ so với trước, người trồng lúa đỡ bị thiệt thòi, nhất là dần thoát khỏi sự khống chế của thương lái nhỏ lẻ. Theo đó, điệp khúc “được mùa rớt giá” dần chấm dứt.
Đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với việc yêu cầu các đơn vị liên quan của ngành cùng các địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tham gia liên kết sản xuất, gắn với công tác tiêu thụ lúa thông qua cánh đồng lớn.
Từ cánh đồng lớn, nhiều thuận lợi và thành quả đến với người trồng lúa cũng như doanh nghiệp nông nghiệp. Theo Cục Trồng trọt, thời gian qua, diện tích các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất lúa gạo với nông dân ngày càng tăng. Theo đó, tỷ lệ thành công các hợp đồng cũng đã tăng lên đáng kể, từ 30% năm 2013 lên 55% vào năm 2014. Một trong những nguyên nhân làm cho mô hình cánh đồng lớn thành công là vai trò quan trọng của các hợp tác xã, khi thay mặt nông dân ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và cung cấp, hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác lúa. Chính vì thế, Hậu Giang đang tích cực triển khai Đề án nâng cao chất lượng của hợp tác xã giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020. Tất cả những điều đó đã tạo nên luồng gió mới trên khắp các cánh đồng lúa Hậu Giang, tạo nên bước chuyển biến tích cực không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.
Không chỉ nhắm tới năng suất, gần đây nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang cũng như toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển dần sang mục tiêu trồng lúa thơm để “đưa nông dân ra biển lớn”. Ví dụ, tại Sóc Trăng, khi chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, lợi nhuận người trồng lúa thu về tăng 50% so với trước. Một trong những dòng lúa thơm được bà con chọn lựa là dòng ST, năng suất tương đối cao và đặc biệt là giá trị hạt gạo mang tính vượt trội.
Trở lại vấn đề tạo ra chuỗi giá trị cho hạt gạo, việc triển khai cánh đồng lớn cũng như mối liên kết “4 nhà”- trong đó liên kết giữa nông dân trồng lúa với doanh nghiệp đã thực sự mang lại hiệu quả. Trong chuỗi giá trị đó, người nông dân giảm bớt thua thiệt, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn hàng. Vấn đề trước mắt là tăng cường hơn nữa diện tích trồng giống lúa thơm đặc sản, giá trị kinh tế cao, như ST và OM, vì giá những giống lúa này có lúc cao hơn 40% lúa thường.