Hậu Giang: Tết Bính Thân - Xuân hội tụ

Lê Quốc Khánh - Quốc Trung 12/02/2016 08:34

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 13 đã đúc kết những thành tựu đạt được trong 5 năm 2010-2015, định ra mục tiêu, phương hướng cho giai đoạn 2015-2020. Bước sang năm mới 2016, chuẩn bị đón Tết Bính Thân, trò chuyện cùng ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông cho biết: Tết Bính Thân này là mùa Xuân hội tụ. 

Đường nối Cần Thơ - Vị Thanh.

Tết này, hội tụ của những thành qủa đạt được trong 5 năm qua. Bước sang năm 2016, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, hội tụ của những quyết tâm để đưa Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL đồng thời cũng đánh giá lại và hội tụ thêm những tấm lòng nhân ái cùng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc chăm lo an sinh xã hội. Có thể nói, nhiệm kỳ 2010-2015, Hậu Giang có nhiều bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực y tế, giáo dục đưa kinh tế xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, nông thôn khởi sắc.

Thật vậy, năm 2015, trong bối cảnh tình hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, vốn đầu tư công có nhiều khó khăn cộng với các tác động từ kinh tế thế giới nhưng tỉnh Hậu Giang vẫn hoàn thành 20/20 chỉ tiêu kinh tế xã hội trong đó có 10 chỉ tiêu vượt, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh đạt trên 13%. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu qủa và năng lực cạnh tranh. Như vậy là 5 năm liền, Hậu Giang hoàn thành tất cả 19 chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong đó 14 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa trong đó tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng nhanh góp phần tăng tỉ lệ đô thị hóa từ 21,3% năm 2010 lên 24,7% năm 2015. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân/đầu người năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng, tương đương 1.699 USD, gấp 2,3 lần năm 2010 và bằng 81% mức bình quân của vùng ĐBSCL.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra bốn chương trình hành động là: Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; Cải cách hành chính; Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 đã từng bước giải quyết những khó khăn cho Hậu Giang trên bước đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Là tỉnh thuần nông, do vậy, mục tiêu đầu tiên của Hậu Giang là phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ chương trình này mà Hậu Giang đã trụ vững trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Các khâu trọng yếu là giống, thủy lợi, vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, mô hình liên kết 4 nhà, nước sinh hoạt được ngành nông nghiệp tập trung thực hiện trong đó thủy lợi và cơ giới hóa được quan tâm đầu tư mang lại hiệu qủa rõ rệt trong sản xuất. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) sớm qui hoạch vùng sản xuất thích hợp, xây dựng chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp theo mô hình “bốn cây, bốn con”; đầu tư hệ thống thủy lợi kết hợp với đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; xây dựng đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn giai đoạn 2012 – 2015; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020; xây dựng Chương trình phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nên giá trị tăng thêm bình quân mỗi năm 3,86%. Tỉnh hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như: vùng lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng mía nguyên liệu 10.300 ha, vùng khóm 2.000 ha, vùng cây có múi đặc sản 10.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500 ha; Xây dựng được 5 cánh đồng lớn trên cây lúa với tổng diện tích 1.758 ha. Đến nay, Hậu Giang đã có nhãn hiệu của 10 mặt hàng nông sản tham gia thị trường khá tốt như: Lúa Hậu Giang, mía đường Casuco, cam sành Ngã Bảy, bưởi Năm Roi Phú Thành, chanh không hạt Đông Thạnh, khóm Cầu Đúc, xoài Bảy Ngàn, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang.

Chuẩn bị cho sự hội nhập với kinh tế thế giới, ngành NN-PTNT tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu qủa sản xuất nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung lựa chọn giống cây trống, vật nuôi có chất lượng cao phù hợp với từng vùng sinh thái; ứng dụng biện pháp canh tác theo hướng sinh học, hữu cơ;…. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200 ha đang được đẩy mạnh đầu tư là tiền đề để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang chia sẻ: Các chương trình, đề án đã giúp cho ngành nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng bền vững, gia tăng giá trị trên cùng diện tích canh tác. Sau hơn 10 năm, đến nay, doanh thu bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 87 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 30% qua đó, góp phần gia tăng thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 24 triệu đồng/người/năm, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Trong xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang phấn đấu đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong đó chỉ sau 2 năm thực hiện, cuối năm 2014, xã Đại Thành là xã đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn nông thôn mới và đến tháng 9-2015, thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong vùng được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, Hậu Giang đã có 12 xã trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22,2% tổng số xã trong tỉnh. Điều quan trọng trong xây dựng nông thôn mới chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên. Kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, điện, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn…

5 năm qua (2010-2015), Hậu Giang đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa… với tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 61.560 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, bằng 2,26 lần so với giai đoạn 2006 – 2010 được xem là khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hoạt động thương mại dịch vụ thu hút được nhiều nhà đầu tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng năm 15%/năm. Giao thông vận tải là ngành mũi nhọn, tạo bước đột phá cho kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng giao thông phát triển nhanh. Nếu hồi mới chia tỉnh, từ trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang chỉ có Quốc lộ 61, đường gập ghềnh còn các tuyến đường về các huyện, xã thì ôi thôi nhưng nay có thêm đường nối Cần Thơ – Vị Thanh cùng các tuyến đường Nam sông Hậu đi Sóc Trăng, Bạc Liêu; tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp đi Cà Mau và hàng loạt đường tỉnh như: 925, 926, 927, 928, 928B, 929, 931B,… được đầu tư nâng chất. Các tuyến đường nội ô thành phố Vị Thanh cũng như các thị trấn, thị tứ ở các huyện được chú trọng đầu tư, phá thế độc đạo, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh phát động phong trào làm giao thông nông thôn gắn với thủy lợi nên chỉ tính trong 5 năm qua, đã xây dựng mới hơn 1.800 km đường, nâng cấp trên 600 km, xây dựng 1.300 cây cầu với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Các tuyến đường về về trung tâm xã đều có đường ô tô chạy đến trung tâm, cùng với hệ thống giao thông nông thôn đã kết nối về đến các ấp. Hậu Giang đã tạo điểm nhấn bằng việc hoàn thành bờ kè dọc hai bên sông Xà No vừa làm đẹp cảnh quan đô thị vừa giải quyết tốt vệ sinh môi trường thành phố Vị Thanh.

Cá thát lát – thế mạnh trở thành thương hiệu của Hậu Giang.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục được đặc biệt coi trọng. Trung bình hàng năm có khoảng 15.000 lượt cán bộ được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện dự án hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL, UBND tỉnh xuất ngân sách đào tạo đội ngũ y bác sĩ theo địa chỉ sử dụng nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến dưới trọng tâm là tuyến y tế cơ sở qua đó đến nay đã công nhận 38/74 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 30 trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngành y tế từng bước hoàn chỉnh mạng lưới y tế, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về khám chữa bệnh cho nhân dân. Đã có 61 công trình y tế hoàn thành đưa vào hoạt động, với tổng khối lượng thực hiện khoảng 985 tỷ đồng; còn lại 13 công trình đang triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện… Tỉnh cũng hình thành xây dựng được mạng lưới cơ sở dạy nghề tương đối hoàn chỉnh, có đủ các loại hình cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố; qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như cung cấp lực lượng lao động dồi dào bổ sung vào nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh.

Trong 5 năm qua, Đảng bộ cũng đã huy động được các nguồn lực xã hội chăm lo an sinh xã hội hơn 2.328 tỉ đồng trong đó đóng góp vào qũy “Vì người nghèo” 733,692 tỉ đồng qua đó đã xây dựng 20.587 nhà tình thương, hơn 4.000 nhà tình nghĩa , hỗ trợ cất nhà diện 167 là 7.168 căn với tổng vốn 213 tỉ đồng. Với các chương trình phát triển kinh tế gắn với chăm lo an sinh xã hội, đến cuối 2015, Hậu Giang đã hạ tỉ lệ hộ nghèo từ 26% (2010) còn 6,23%.

Tết Bính Thân này, với quan điểm chỉ đạo chu đáo, chặt chẽ, vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm; không để các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, cán bộ, công nhân viên chức, gia đình hộ nghèo vì nghèo mà không có điều kiện vui xuân, từ nhiều tháng qua, các vị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, sự kiện đảm bảo thiết thực và ý nghĩa để Tết Bính Thân sẽ là tết hội tụ của những tấm lòng thân thiện, nhân ái, vì một Hậu Giang phát triển phồn vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang: Tết Bính Thân - Xuân hội tụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO