Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, các nhà quản lý giáo dục cần giảm chỉ tiêu, các thầy cô mới được giảm áp lực trong dạy học và từ đó sẽ giảm áp lực đến các học sinh.
Tại Tọa đàm "Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua? sáng 7/4, lý giải về những áp lực dẫn đến căn bệnh trầm cảm ở tuổi học đường?, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ rất sát vấn đề.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: "Tôi làm ở báo Hoa Học Trò nhận được rất nhiều phản án từ các con. Các con gặp rất nhiều áp lực, các con đều tìm đến chia sẻ tâm sự những nỗi buồn, bức xúc. Rất nhiều áp lực chúng tôi nhìn thấy, trong khi cha mẹ lại nhìn nhận áp lực đó là trẻ con, thời bằng mày bố mẹ cũng thế, việc gì đâu.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, thực ra lứa tuổi mới lớn khi nào cũng đau đớn vì quá nhiều áp lực, chúng tôi có chuỗi phóng sự “Ba mẹ ơi, chúng con không phải là cái thớt” là nói áp lực của gia đình. Rồi áp lực thầy cô về thành tích cũng trút vào trẻ con.
Chuyện ở trong lớp, một em chưa đóng tiền học phí cũng thành áp lực, rất nhiều lá thư tâm sự từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi là chuyện bình thường, áp lực các con lớn hơn rất nhiều. Rất nhiều lá thư tâm sự các con đều là từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi chuyện đó là bình thường. Thật sự các con hoàn toàn cô độc và người lớn chúng ta hay bỏ qua.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, rõ ràng các con gặp áp lực cực kì nhiều. Nếu như thế hệ 6x, 7x, 8x còn có các tờ báo đề viết thư tâm sự thì các con bây giờ không có. Như GS. Lân Dũng đã nói, các con bây giờ sách còn không đọc chứ đừng nói là đọc báo. Rất nhiều tờ báo trong đó có cả Hoa Học Trò của chúng tôi đã phải giảm bớt số lượng phát hành, thậm chí một số tờ báo đã phải đã đóng cửa. Các trường học bây giờ cũng không còn ngân sách để các con đọc báo. Thay vì có nơi để viết thư bày tỏ, tâm sự như trước khi, bây giờ mọi thứ của các con bị đẩy lên mạng xã hội trong khi đây là môi trường cực kì nguy hiểm.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: "Cậu con lớn nhà tôi năm nay lên lớp 10 đã quyết định khoá TikTok, trước đó đã khoá Facebook do có quá nhiều tiêu cực. Bản thân tôi khi tiếp xúc với mạng xã hội cũng vô cùng hốt hoảng khi đây là môi trường quá toxic (độc hại). Nhưng đáng nói là chính cha mẹ chúng ta cũng đang tham gia vào các cuộc tranh luận, miệt thị này…trên mạng. Theo tôi, các con có nơi để than phiền, tâm sự, thậm chí chửi bậy, nổi loạn còn hơn là im lặng để rồi “Bố đọc thư của con đi…”.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, trong cuộc sống thì áp lực đến từ khắp mọi nơi. Trong khi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy. Tôi đồng ý với ý kiến anh Đinh Đoàn, kinh tế điều chỉnh các mục tiêu trong khi giáo dục không điều chỉnh. Hà Nội, vừa qua nếu không có sự phản ứng gay gắt của phụ huynh học sinh thì học sinh vào lớp 10 có thể vẫn phải thi 4 môn.
Tôi không hiểu tại sao các nhà quản lý giáo dục lại khăng khăng muốn hoàn thành những mục tiêu như thế. Các bạn học sinh quay lại trường trong tình cảnh chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học nên chịu không ít áp lực và gặp không ít khó khăn, ví dụ như học sinh lớp 1 chưa biết viết.
Chúng ta hãy đón các con đến trường như một bữa tiệc tựu trường. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần giảm chỉ tiêu, các thầy cô mới được giảm áp lực trong dạy học và từ đó sẽ giảm áp lực đến các học sinh.