Việc phá dỡ tòa nhà 61 Trần Phú được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở đoạn giao phố Trần Phú - Lê Trực - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội) khiến nhiều người yêu di sản tiếc nuối. Nhiều chuyên gia cho rằng trong quá trình phát triển đô thị, dù thế nào cũng phải trân trọng quá khứ.
Nhiều tiếc nuối
Tòa nhà 61 Trần Phú vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn, được xây dựng trên khu đất trên rộng hơn 9.000m2. Đây là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện. Điều đáng nói, khu nhà bị phá dỡ để xây dựng công trình đa chức năng, được nhiều chuyên gia cho là không phù hợp bởi công trình nằm gần Quảng trường Ba Đình.
Trong khi đó khu trung tâm chính trị Ba Đình là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, có điều kiện phục vụ mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị. Biết tin tòa nhà bị phá dỡ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội tạm dừng thi công, rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình. Ngày 6/4 vừa qua lãnh đạo TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc, yêu cầu tạm dừng phá dỡ công trình.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu công trình đã bị phá dỡ gần hết, hiện chỉ còn phần nhà ở mặt đường Hùng Vương, bức tường và bức phù điêu mặt đường Nguyễn Thái Học cắt Lê Trực. Bà Hoàng Thị Uyên, người dân ở phố Lê Trực, chia sẻ: “Phá dỡ công trình đẹp và có giá trị lịch sử thật tiếc. Thời chiến tranh, bên trong còn có các ụ đất, có hầm trú ẩn. Trong thời kỳ không quân đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, ngày 19/5/1967, một chiếc máy bay F-111 bị bắn cháy đã rơi ở phố Lê Trực. Để ghi nhớ chiến công này, Hà Nội cho đắp bức phù điêu trên tường của dãy nhà”.
Theo KTS Trần Huy Ánh, chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội nhanh nhưng bị động, quyết liệt nhưng… chậm mất rồi. “Công trình có giấy phép phá dỡ nhưng không thông báo phá để làm gì. Các kiến trúc sư am hiểu về Hà Nội cũng không được tham vấn. Ở đây, chúng ta có thể thấy ngành văn hóa không quyết liệt bảo vệ và không bảo vệ được di tích cũng như di sản của Thủ đô. Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cũng không đánh giá đúng giá trị di sản. Qua dự án nổi cộm này, chúng ta ai cũng có thể đặt câu hỏi, vai trò của người kiểm định, thẩm định dự án là ở đâu?”, KTS Trần Huy Ánh đặt vấn đề.
Còn KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Hà Nội đang xây dựng thành phố thông minh, phát triển đô thị, có thể thu được nhiều tỷ đồng tiền thuế, nhưng Hà Nội đang mất những công trình mang tính ký ức. Hà Nội là thành phố nghìn năm văn hiến, thành phố lịch sử. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, một đô thị có lịch sử là đô thị có quá khứ. Chúng ta hãy trân trọng quá khứ”.
KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, khi phá bỏ nhà cũ, làm nhà mới thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng để công trình mới phải hài hòa với cảnh quan, kiến trúc xung quanh. Theo Luật Kiến trúc năm 2019, những công trình kiến trúc như thế phải được thi tuyển và đưa ra triển lãm lấy ý kiến của cộng đồng. Thêm nữa, thành phố chủ trương di dời các trường đại học, cơ sở giáo dục, nhà máy ở trung tâm ra ngoại thành, quỹ đất này dành để xây dựng không gian công cộng, tránh áp lực lên hạ tầng nội đô. Vậy mà giờ đây lại xây cao ốc ngay giữa trung tâm?
Còn PGS.TS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, chuyên gia Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bất ngờ khi thấy công trình 61 Trần Phú bị phá dỡ để chuẩn bị xây dựng một công trình thương mại 11 tầng với 6 tầng hầm hiện đại ngay trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình, chỉ cách Lăng Bác mấy trăm mét.
Bà Lan nêu vấn đề: “Về góc độ quy hoạch, cần thiết phải hạn chế tối đa các công trình có khối tích lớn lấn át không gian trong Trung tâm chính trị Ba Đình. Tôi ủng hộ việc Hà Nội quy hoạch di dời các cơ sở công nghiệp trong trung tâm ra ngoài nhằm tái thiết một môi trường tốt hơn cho Hà Nội, tuy nhiên hầu hết các cở sở công nghiệp di dời đã và đang bị thay thế là những công trình thương mại, đô thị nghẹt thở vào trung tâm, đây là những sai lầm nghiêm trọng. Dự án 61 Trần Phú cũng tiếp tục theo kiểu này. Có thể công trình nhà xưởng 61 Trần Phú không có kiến trúc đặc biệt, hay chưa nằm trong danh sách công trình bảo tồn, nhưng nó có những giá trị không gian văn hóa, lịch sử, nơi vị trí đó cần được tôn trọng”.
Bà Lan cũng mong các cơ quan chức năng xem lại Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, phải rà soát từng ngôi nhà, từng vỉa hè, viên đá, từng cái cây, thảm cỏ, và phải giữ gìn những giá trị đặc biệt của khu vực thiêng liêng của cả nước, không chỉ của riêng Hà Nội.
Di sản đô thị bị xâm hại
Đây không phải lần đầu công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử ở Thủ đô bị phá dỡ để “nhường chỗ” cho công trình khác. Trước đó, dự án đường vành đai 2 đoạn cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng đi vào triển khai đã phải phá dỡ biệt thự số 10, ngõ 128C Đại La. Đây là căn biệt thự thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai, nơi phát thanh viên Ngân Thanh - phát thanh viên nữ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam - đã đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, được dùng làm mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Hồi tháng 4/2021 căn biệt thự tại số 78 Nguyễn Du cũng bị phá dỡ. Được biết, biệt thự 78 Nguyễn Du theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội được xếp vào biệt thự nhóm 3, nhường chỗ cho một dự án xây dựng trụ sở ngân hàng, cao 8 tầng. Tại tổ hợp biệt thự cải tạo thành quán ăn tại số 51, 51A, 55 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) các công trình đều được cơi nới dàn thép tạo mái che sân cho nhà hàng. Bên trong, nhiều ô cửa sửa chữa thay thế, có những mảng tường khoét trơ phần gạch để… trang trí. Điều đáng nói, những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ, trùng tu nhà cổ, biệt thự kiến trúc Pháp cổ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhìn rộng hơn, các di sản đô thị tại TPHCM, Đà Lạt, Hội An… cũng đứng trước thách thức bảo tồn. Nhiều di sản đã bị phá dỡ, lấn chiếm trong quá trình đô thị hóa. Đây là vấn đề nhức nhối, đau xót. PGS.TS Hà Đình Đức (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng, Trạm phát sóng Bạch Mai bị đập phá chính là một điều vô cùng đáng buồn. Sự việc cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong công tác quy hoạch và bảo tồn các công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa.
Tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia xây dựng, kiến trúc đã nhấn mạnh đến giá trị của quỹ nhà biệt thự kiểu Pháp, công trình kiến trúc kiểu Pháp tại Hà Nội và coi đây là mảng quan trọng trong quỹ di sản kiến trúc Hà Nội; là mô hình đặc trưng mà không phải đô thị nào cũng có, làm phong phú thêm cảnh quan, diện mạo đô thị và cũng có giá trị lớn về mặt kinh tế khi nhìn nhận dưới góc độ quỹ bất động sản.
Thế nhưng, dường như năm nào cũng có những công trình bị xâm phạm hoặc bị phá dỡ. Điều đó càng chứng tỏ thành phố chưa có cơ chế đủ mạnh để bảo tồn, khai thác hiệu quả quỹ biệt thự, nhiều biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, bị phá đi để xây dựng thành cao ốc. KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, phải ngăn chặn triệt để lợi ích nhóm trong các dự án này. Đồng thời, TP Hà Nội phải có các giải pháp hữu hiệu để gìn giữ vẻ đẹp, kiến trúc, di sản đô thị. Từ đó có phương án ứng xử phù hợp, nếu không thì nhiều di sản sẽ mất đi. Và chẳng bao lâu nữa, sẽ không còn những di sản vô giá được trao truyền qua nhiều thế hệ, mà một khi đã mất đi là không cách nào có thể lấy lại.
Tòa nhà 61 Trần Phú đã bị phá dỡ gần hết, nhiều chuyên gia kiến nghị phần nào chưa bị phá dỡ thì phải bảo tồn. Các cơ quan chức năng, các chủ dự án cần sự lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu để phát triển đô thị một cách bền vững đi đôi với bảo tồn ký ức đô thị. Đó là di sản của cả cộng đồng.