Ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe; gia tăng bệnh tật, tử vong; hạnh phúc gia đình bị phá vỡ; nảy sinh tình trạng bạo lực; tai nạn giao thông nghiêm trọng... đó là những hệ lụy từ việc lạm dụng rượu bia. Tuy đã có nhiều cảnh báo, nhưng đáng tiếc tình hình vẫn chưa thuyên giảm.
Tranh minh họa.
1. Theo bà Trần Thị Trang- Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), rượu bia là một trong 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm do gây tổn thương đến nhiều bộ phận của cơ thể dẫn đến mắc các bệnh: Tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); Tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); Suy giảm miễn dịch và đặc biệt là ung thư (ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và thêm ung thư vú ở phụ nữ…).
Đối với Việt Nam, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu bia là nguyên nhân của 8,3% số trường hợp tử vong. Cùng với đó, sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, rượu pha từ cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc đông người.
Về mặt xã hội, do lạm dụng rượu bia nên cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Đó là tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự… Cụ thể, rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, tập trung ở nam giới trong độ tuổi 15 đến 49.
Đáng chú ý, một thống kê cho thấy, tỷ lệ nam giới ở Việt Nam uống rượu bia rất cao, con số này có xu hướng tăng với cả hai giới. Hơn 77% nam giới nước ta sử dụng rượu bia. Nếu xét riêng tỷ lệ này trong nam giới, chúng ta đứng 29 thế giới, thứ 10 châu Á và thứ hai ở khu vực Đông - Nam Á về sử dụng rượu bia.
Vẫn theo bà Trần Thị Trang, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia đang rất đáng lo ngại. Tỷ lệ vị thành niên/thanh niên có sử dụng rượu, bia tăng gần 10% sau năm năm, từ 51% vào 2003 lên 60% vào 2008. Theo Điều tra sức khỏe học sinh trong trường học năm 2013 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) khá cao. Nhiều học sinh từ lớp 8 - lớp 12 đã uống rượu, bia lần đầu tiên trước 14 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và xã hội đối với giới trẻ nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt. Cần có giải pháp đặc biệt bảo vệ giới trẻ tiếp cận quá sớm với rượu, bia, do não bộ của các em chưa hoàn thiện, dùng rượu, bia quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có một số quy định liên quan, nhưng chủ yếu điều chỉnh đối với sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia. Như vậy, vẫn còn một khoảng trống, thiếu nhiều quy định mang tính phòng ngừa, giảm thiểu các tác hại của rượu bia. Từ đó, theo GS.TS Phan Thị Kim (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), cần kiểm soát tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Trong đó, kiểm soát gắn liền với kiểm soát chất lượng - sản xuất - tiêu thụ; đi cùng với việc thường xuyên giáo dục phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về tác hại của việc sử dung rượu bia không kiểm soát, thay đổi nhận thức về sử dụng rượu bia.
2. Một vấn đề rất đáng quan tâm là tỷ lệ đáng kể hộ nghèo và cận nghèo ở nước ta đang chịu gánh nặng kép liên quan đến rượu bia với 8,1% hộ, đồng thời có người sử dụng rượu ở mức nguy hại và có thành viên bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu bia. Điều đó đe dọa tính bền vững của các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, địa phương và từng hộ gia đình.
Theo ngành Y tế, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người (trên 15 tuổi) đã tăng từ 3,8 lít/người/năm trong giai đoạn 2003 - 2005 lên tới 6,6 lít/người/năm giai đoạn 2008 -2010, tức là đã tăng tới 74%. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên nguy cơ tác hại do sử dụng bia đang ngày càng gia tăng. Việt Nam là quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn tăng nhanh qua các năm trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể (từ 6,1 lít/người/năm giai đoạn 2003-2005 tăng lên 6,2 lít giai đoạn 2008-2010).
Với khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong khi thu nhập của người dân còn thấp thì vẫn tồn tại khá lớn số người uống rượu bia; là một trong những tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các thành viên và gia đình. Theo bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh (Viện Chiến lược chính sách Y tế), có 8,1% hộ đồng thời có người sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và có thành viên bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu bia; gần 10% hộ đồng thời có người sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và bị tai nạn/chấn thương/tổn thất tài sản liên quan đến rượu bia. Tình trạng này, theo bà Hạnh, là rất cần cảnh báo đối với người dân ở các khu vực nghèo, là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển bền vững, đang góp phần gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Tương tự, theo TS Nguyễn Huy Quang (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế), nghiêm trọng hơn, phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người chung quanh, đặc biệt là người trong gia đình. Trong đó, 50% phụ nữ cho biết người uống rượu bia nhiều gây các ảnh hưởng bất lợi nhiều nhất đến bản thân họ là người thân trong gia đình. Đồng thời, hậu quả do sử dụng rượu, bia trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất đáng báo động, hậu quả ở mức có hại là người thân trong gia đình cao gấp 3,4 lần so với bình quân chung.
Như vậy, có thể khẳng định tác hại của việc lạm dụng rượu bia là rất lớn, cần có giải pháp triệt để, tuy nhiên đầu tiên vẫn là phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.