Kể từ khi mỏ cát của Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Đại An đi vào hoạt động đầu năm 2019, trong vòng bán kính 200m xung quanh mỏ, đã có 12 hộ dân ở xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) bị mất đất sản xuất do sạt lở. Trong khi người dân cho rằng nguyên nhân là do tàu hút cát cắm vòi vào bờ, thì Chủ tịch xã lại nói, đây là hiện tượng bên lở, bên bồi.
Sạt lở nghiêm trọng
Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Đại An (DN Đại An) được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất vào tháng 7/2018 với diện tích mỏ là gần 14.000m2 chia làm 3 khu vực. Trong đó, điểm khai thác chính và tập kết cát, sỏi tại xã Thành Vinh (huyên Thạch Thành) với diện tích 6.000m2.
Theo phản ánh của người dân có đất canh tác tại thôn Thống Nhất, từ khi doanh nghiệp này khai thác cát, tình trạng sạt lở bờ bãi, mất đất nông nghiệp bắt đầu xuất hiện. Đến nay, sau 3 năm DN Đại An hoạt động, ước tính đã có tới hàng trăm mét vuông đất bãi bồi trôi theo dòng sông.
Nhà bà Trần Thị Quang (52 tuổi, trú thôn Thống Nhất) có 7 sào đất trồng hoa màu (bao gồm cả đất thuê lại của người thân) nhưng chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, “hà bá” đã nuốt mất 2 sào đất khiến bà không khỏi xót xa. “Gia đình tôi chỉ trông chờ vào làm hoa màu ở khu đất này, nhưng mấy năm nay, đất cứ sạt dần xuống sông và không có dấu hiệu dừng lại. Trước đây, khi chưa có mỏ cát thì không có hiện tượng sạt lở, nhưng kể từ khi họ về là đất đai bị sạt lở dần” - bà Quang nói. Theo bà Quang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tàu hút cát đã đặt thẳng vòi hút vào bờ khiến đất bị mất chân, cứ lở ào xuống sông.
Ghi nhận thực tế, chúng tôi chứng kiến hiện trạng bờ sông Bưởi đang sạt lở kéo dài khoảng trên 400m. Tất cả điểm sạt đều xuất hiện trong bán kính khoảng 200m quanh mỏ của DN Đại An. Còn từ khu vực trên trở ra, bờ sông bị sạt rất ít, nhiều nơi không bị ảnh hưởng gì. Hiện tại, phần bờ sông đã tạo thành những taluy dựng đứng, có chiều cao trên 5m, nhiều đoạn tạo thành hàm ếch sâu, cắm vào bờ.
Đối diện bãi bồi thôn Thống Nhất là bờ sông thôn Xuân Long Tiến (xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành). Nơi này nằm đối diện mỏ cát, hiện bắt đầu cũng xuất hiện sạt lở tại nhiều vị trí.
Ảnh hưởng đến việc canh tác hoa màu
Trên mảnh đất cằn cỗi nằm ngay sát mỏ cát của DN Đại An, ông Nguyễn Văn Chín (50 tuổi) đang cầm cuốc làm cỏ ngô. Từ mảnh ruộng 1 sào 2 thước trù phú ban đầu, đến nay, gia đình ông Chín chỉ còn lại hơn phân nửa diện tích ruộng có thể trồng màu. Phần còn lại, do mỗi lần cát bơm lên bãi, nước ngập ra lênh láng đã tràn sang ruộng nhà ông, khiến đất bị cằn cỗi, trồng ngô không thể lên nổi.
“Những ngày mưa, họ vẫn hút cát đều đều. Do họ không làm tường bao nên mỗi lần như thế, nước cát lại chảy sang cánh đồng nhà tôi. Rồi những “núi” cát họ chất lên cao ngất, tràn sang ruộng, khiến hoa màu chết sạch, không thể trồng trọt. Chúng tôi có ý kiến với lãnh đạo mỏ, rồi họ cũng đồng ý đền bù tiền, nhưng đã nhiều tháng trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhà có 4 khẩu, tiền ăn uống, sinh hoạt trông chờ vào việc làm nông, giờ đất đai như thế này, không biết phải làm sao” - ông Chín nghẹn ngào.
Theo ông Bùi Duy Khanh - Trưởng thôn Thống Nhất thì khu vực bị sạt lở đang diễn ra tại phần đất canh tác của 12 hộ dân. Diện tích đất bị sạt lở ước chừng khoảng trên 300m2 thuộc phạm vi canh tác của 12 hộ dân. “Tôi là người đi kiểm đo, thống kê đất ở khu này để giao cho bà con canh tác nên nắm rất rõ. Bà con cho rằng nguyên nhân do thuyền cát thục vòi vào bờ hút, tôi thấy chính xác, không có gì phải bàn cãi. Trước khi mỏ cát về, đất của dân không sao hết, sau khi họ về thì sạt lở nghiêm trọng” - ông Khanh nói.
Tuy nhiên, trái với quan điểm của trưởng thôn, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành lại cho rằng: Việc sạt lở bờ bãi đã diễn ra từ trước, nguyên nhân là do hiện tượng bên lở, bên bồi của dòng chảy chứ không liên quan gì đến mỏ cát?. “Về chuyện sạt lở, DN Đại An cũng đang có giải pháp để khai thác cát không làm ảnh hưởng đến người dân. Sạt lở này là do từ trước, không phải do doanh nghiệp làm” - ông Thịnh phân trần. Còn ông Nguyễn Văn Tư - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thành cho biết: Đối với vấn đề người dân bị sạt lở đất nông nghiệp, hiện Phòng cũng chỉ mới nhận được báo cáo của địa phương.
(Còn nữa)
Người dân thôn Xuân Long Tiến cho biết, từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần bắt gặp tàu hút đưa vòi vào bờ lấy cát. Để ngăn chặn, họ dùng đá, gạch… ném xuống tàu để xua đuổi. Nhưng cứ được một thời gian, tình trạng này lại tiếp diễn. Quá trình ghi nhận sạt lở tại khúc sông này, chúng tôi thấy tàu hút cát vẫn miệt mài đưa những “vòi rồng” cắm sâu xuống lòng sông theo từng tiếng gầm rú của động cơ, cát được ào ào bơm lên tàu.