Hệ thống bán lẻ vào cuộc cạnh tranh

H.Hương 20/03/2023 07:07

Tập đoàn Central Retail, một “ông lớn” trong ngành bán lẻ của Thái Lan vừa công bố khoản đầu tư 50 tỷ bạt (tương đương 1,45 tỷ USD) để mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027. Việt Nam được dự báo vào top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vì thế các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước đang chớp thời cơ để mở rộng quy mô.

Các nhà bán lẻ nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm trong hệ thống của mình để thu hút khách hàng. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Olivier Langlet - Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng GDP được dự báo là 6,7% vào năm 2023 và 7,2% vào năm 2024. Đây cũng được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi Thái Lan chỉ có mức tăng trung bình là 3,5%. “Chúng tôi đầu tư nguồn lực lớn để nắm bắt cơ hội cũng như mở rộng và củng cố vị thế kinh doanh số 1 trong lĩnh vực đại siêu thị tại Việt Nam” - ông Olivier Langlet nói.

Các đại gia bán lẻ đua mở rộng quy mô

Bên cạnh Central Retail, AEON (tập đoàn bán lẻ Nhật Bản) cũng dự định đẩy mạnh mở rộng tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Ông Tanaka Kosei - Phó Tổng Giám đốc Khối Văn phòng của Aeon Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là nước có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư kinh doanh. Năm nay chúng tôi sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trên các tỉnh thành, phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị”.

Mới đây, ngày 2/2/2023, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát và bãi đỗ xe.

Còn với các DN bán lẻ trong nước thì sao? Năm 2023 này, đại diện WinCommerce cho biết ngoài việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Theo phân tích, sức hút của ngành bán lẻ đến từ nhiều yếu tố. Đó là ngành bán lẻ phục hồi khá nhanh sau đại dịch, khi mà các đường bay trong nước - quốc tế được mở lại. Cùng với đó là thu nhập của người dân ngày càng cải thiện sẽ kích thích nhu cầu mua sắm. Giới chuyên gia nhận định thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh thị phần của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam một cách rõ nét.

Mới đây tại diễn đàn DN Việt Nam 2023, ông Trần Anh Đức, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại, cũng đánh giá, nhiều DN đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các sở Công thương, Bộ Công thương. Về các DN liên doanh, có nhiều DN đã đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990, đến nay, sau 30 năm hoạt động, nhiều DN cần được gia hạn. Những gì mà trưởng nhóm Thương mại và Đầu tư VBF nói cho thấy, cộng đồng DN bán lẻ rất quan tâm thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn khi hệ thống bán lẻ phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Bàn cách để hàng Việt lên kệ siêu thị ngoại

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ rất rõ nét. Nhưng có điều quan trọng hơn là làm sao để nâng được tỷ lệ hàng Việt tại các kênh siêu thị nước ngoài. Chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nói với PV Báo Đại Đoàn Kết: Hiện nay vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng hóa đạt tiêu chuẩn, nhất là hàng Việt, hàng nông sản thực phẩm vào một số siêu thị đó gặp rất nhiều khó khăn.

Còn bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng nhà bán lẻ rất cần đến sự đa dạng hoá sản phẩm trong hệ thống của mình để thu hút khách hàng. Thực tế, với tiêu chuẩn cao nên để vào được hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí nhà bán lẻ đặt ra. Tiêu chí này dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, của cơ quan quản lý nhà nước.

Chính vì thế, nhà bán lẻ phải áp đặt những quy định đó lên các nhà sản xuất. Cụ thể, mẫu mã bao bì sản phẩm phải có sự bắt mắt, các tiêu chí trên bao bì đáp ứng quy định ghi trên nhãn mác. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, hầu hết hàng hóa, nhất là với hàng hóa thực phẩm đều được dán tem QR Code trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong những giải pháp công nghệ tiên phong hiện nay, có khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

Ông Shiotani - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, trước đây, AEON chủ yếu nhập khẩu mặt hàng chuối tươi từ Philippines (sản lượng nhập khẩu 70%) cho hệ thống phân phối của tập đoàn này, do chuối nhập từ Philippines có chất lượng ổn định và duy trì được sản lượng.

Nhưng từ năm 2022, AEON bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam và người tiêu dùng cũng đưa ra nhận định, chuối của Việt Nam có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác.

Theo đại diện AEON, bên cạnh những lý do về chất lượng, giá cả, công ty sản xuất chuối xuất khẩu của Việt Nam có mô hình sản xuất tuần hoàn, ngoài trồng chuối, họ có mô hình nuôi thủy hải sản, gia súc và phân bón quay trở lại bón cho cây chuối... Với mô hình khép kín này, lượng rác thải gần như bằng 0.

“Trong quá khứ, khi nói tới yếu tố hàng nhập khẩu, chúng ta tập trung vào giá cả, chất lượng và chuỗi cung ứng. Nhưng hiện tại và trong tương lai, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của chúng tôi và cả thế giới đã thay đổi. Đó là việc nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững hay không” - ông Shiotani nói.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, các siêu thị lớn luôn chú trọng những yếu tố cạnh tranh về chất lượng, giá cả, nâng cao tay nghề công nhân và giá trị bền vững. Khi mà người tiêu dùng ngày càng hướng tới tiêu dùng xanh, thì các nhà phân phối bán lẻ kỳ vọng các sản phẩm khi mua và bán sẽ được sản xuất từ các nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho người lao động, an toàn và hoạt động đề cao tầm quan trọng phẩm giá người lao động.

Được biết, để gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống siêu thị nước ngoài trong giai đoạn tới, Bộ Công thương đã triển khai Đề án “Thúc đẩy DN tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Bên cạnh việc mở rộng, củng cố hệ thống phân phối hiện có, Bộ Công thương sẽ có giải pháp phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; Khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của các doanh nghiệp phân phối và cộng đồng để hỗ trợ mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tập trung ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ...; Đồng thời, phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng Internet … đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Một thông tin từ Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng, đại lý cung ứng các loại sản phẩm tiêu dùng nhờ lợi thế về chất lượng, giá cả và sự thuận tiện. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại ở các đô thị. Đặc biệt là đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Người mua tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương):

Nỗ lực mở rộng kênh xuất khẩu ra thế giới

Bộ Công thương cùng với các đơn vị chức năng đã làm việc với nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ toàn cầu. Bộ Công thương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều tại siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn. Từ đó, góp phần mở rộng kênh xuất khẩu đưa hàng Việt Nam ra thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ thống bán lẻ vào cuộc cạnh tranh