Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hệ thống thủy lợi ở Bông Krang đầu tư hàng chục tỷ đồng bỏ hoang lỗi do khảo sát, thiết kế.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, hệ thống thủy lợi ở xã Bông Krang (huyện Lắk, Đắk Lắk) được Nhà nước đầu tư đến nay trên 20 tỷ đồng nhằm phục vụ cho bà con sản xuất 150 ha lúa nước tại cánh đồng xã Bông Krang. Thế nhưng gần chục năm nay, bà con vẫn không có nước để sản xuất, gần trăm ha ruộng bị bỏ hoang.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chi Cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân ngừng hoạt động do nhu cầu sử dụng nước lớn; lòng hồ bị bồi lắng nhiều; dung tích chứa của hồ hạn chế; do tác động của biến đổi khí hậu nên vào mùa khô mực nước hồ thấp không thể chảy vào hệ thống kênh dẫn.
Điều đáng nói, sau khi huyện Lắk tiếp tục đầu tư 9,4 tỷ đồng (số tiền 9,4 tỷ đồng vẫn nằm trong tổng mức đầu tư đến nay hơn 20 tỷ đồng, PV) để kiên cố hóa các hệ thống kênh tưới; vận hành trạm bơm Buôn Mă trở lại thì công trình cũng chỉ hoạt động được 2 năm, sau đó thì lại ngừng hoạt động, cũng với lý do mực nước hồ Lắk xuống thấp, kênh dẫn không còn nước để bơm.
Hồ Lắk chưa bao giờ hết nước
Tìm hiểu về hồ Lắk, phóng viên được ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho hay: từ trước tới nay dù có biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài nhưng nước ở hồ Lắk chưa bao giờ hết. Địa hình huyện Lắk “lòng chảo” nên mùa mưa, lượng nước từ các lưu vực đổ về nhiều. Có thời điểm trên địa bàn huyện Lắk không mưa nhưng ở tỉnh Khánh Hòa mưa thì huyện Lắk vẫn bị ngập lụt ở các vùng Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng, do nước sông Krông Ana tràn vào. Năm nay thời tiết diễn biến khắc nghiệt, mực nước hồ có giảm nhưng hồ Lắk vẫn chưa hết nước.
Cụ thể: Vụ đông xuân này, 4 xã (Đắk Liêng, thị trấn Liên Sơn, xã Yang Tao, xã Bông Krang) vẫn đang sử dụng nguồn nước hồ Lắk để sản xuất nông nghiệp. Những diện tích cánh tác nằm trong kế hoạch vẫn đảm bảo nguồn nước đến cuối vụ. Ngoài ra, 134 máy bơm xăng, dầu loại nhỏ cũng đang sử dụng nguồn nước từ hồ Lắk để tưới cho cây trồng.
Hệ thống thủy lợi Bông Krang đắp chiếu: Lỗi do khảo sát, thiết kế, thi công
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đặt vấn đề, có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao trước đây còn là kênh đất bà con vẫn sản xuất được 2 vụ/ năm, nhưng kể từ khi hệ thống thủy lợi trạm bơm Buôn Mă kiên cố hóa thì bà con lại không có nước để sản xuất? nếu nói nước hồ cạn, do bồi lắng vậy tại sao trạm bơm ở xã Yang Tao và trạm bơm Dơng Kriêng ở thị trấn Liên Sơn vẫn bơm nước hồ Lắk về tưới đảm bảo 100% diện tích cây trồng vụ Đông Xuân? Và tại sao công trình sau khi đầu tư kiên cố hóa không nghiên cứu, khảo sát, thiết kế thi công để mang lại hiệu quả đầu tư mà lại tiếp tục ngừng hoạt động với lý do như công trình trước.
Ông Đào Quang Lượng, Giám đốc BQLDA huyện Lắk lý giải: Thời điểm đó tôi chưa về Ban, “nhưng nguyên nhân chính dẫn đến công trình không hoạt động, thực tế không phải chỉ do bồi lắng, mực nước hồ cạn, cái chính nằm trong quá trình khảo sát thiết kế. Chủ đầu tư, đơn vị khảo sát, tư vấn thiết kế phải có trách nhiệm tới cùng”, ông Đào Quang Lượng nói.
Để không sa mạc hóa cánh đồng, năm 2022-2023, Ban đã tham mưu cho huyện Lắk bố trí 7,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG của tỉnh và huyện để tiếp tục đầu tư kéo dài hệ thống kênh của trạm bơm Buôn Cuôr (xã Yang Tao, huyện Lắk) đoạn cuối, giáp cánh đồng Buôn Mă để giúp cho bà con sản xuất được khoảng 60 ha lúa trên cánh đồng xã Bông Krang.
Tới đây, BQLDA huyện sẽ tham mưu cho huyện thuê đơn vị tư vấn về khảo sát lại trạm bơm Buôn Mạ, sau đó báo cáo lại huyện và trình cấp trên. “Công trình này rất phức tạp vì có cả tỉnh đầu tư; bà con nhân dân đã phát biểu ý kiến hết rồi, thực sự là nhìn cánh đồng hóa sa mạc chúng tôi rất lo lắng.
Khi được hỏi những đơn vị trước đây khảo sát, thiết kế, thi công mà không mang lại hiệu quả đầu tư, trong thời gian tới, nếu công trình tiếp tục được nhà nước quan tâm đầu tư sửa chữa thì BQLDA huyện có trưng dụng lại các đơn vị đó không?
“Về quan điểm chắc chắn chúng tôi sẽ loại các đơn vị này, và sẽ tìm nhà nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, thi công có đủ năng lực hơn để tránh lãnh phí nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước”, ông Đào Quang Lượng khẳng định.