Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), tính đến nay, cả nước mới chỉ có 212 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75% với 102 hệ thống đã được lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động theo quy định; 19 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 615 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Bất cập xả thải
Trong thực tế việc quy hoạch các KCN hiện nay phân bố không đều. Ví dụ riêng tại khu vực Đông Nam Bộ đã có 95 KCN đang hoạt động, chiếm 33% tổng số KCN đang hoạt động trên cả nước; gây ra áp lực môi trường lớn cho khu vực này, đặc biệt là lưu vực sông Đồng Nai, Thị Vải.
Hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tập trung tại một số KCN không hiệu quả do chủ đầu tư không tính đến tiến độ thu hút đầu tư, dẫn đến lượng nước thải thu gom quá ít, không đủ để vận hành thường xuỵên hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, một số KCN không vận hành hệ thống xử lý nước thải do các cơ sở không thực hiện việc đấu nối.
Việc đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động tại KCN còn nhiều hạn chế, không theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tính đến đến nay mới chỉ có 102 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (chiếm tỷ lệ 48%).
Hầu hết các KCN chưa lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Vị trí của các cơ sở nằm trong các KCN được sắp xếp chưa tính đến yếu tố phòng ngừa và ứng phó khi sự cố môi trường.
Ở nhiều nơi, vẫn tồn tại tình trạng cơ sở sản xuất hoặc sử dụng hóa chất nguy hại khối lượng lớn nằm cạnh các cơ sở khác có số lượng lớn công nhân viên ví dụ như: may mặc, da giày,... dẫn đến nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sự cố xảy ra.
Một số KCN tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung được đầu tư hoàn toàn từ ngân sách nhà nước vốn rất hạn chế, trong khi công tác xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN ở các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa được chú trọng.
Giải pháp phải đồng bộ và quyết liệt
Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể các tác động môi trường đối với các dự án thành lập mới hoặc mở rộng KCN.
Chỉ cho phép các KCN xây dựng mới đi vào hoạt động sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào KCN hoặc thực hiện thủ tục mở rộng tại các KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Yêu cầu các KCN đã đi vào hoạt động phải hoàn thành việc xây dựng, vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN trong việc xây dựng, vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KKT, KCN, CCN; giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kể, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường KKT, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt, cần thiết phải xây dựng được cơ chế tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác giám sát hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN.