Trước đây, Hồ Tây của Hà Nội có tới 8 đơn vị cùng quản lý. Tuy nhiên, với Quyết định số 178 của UBND thành phố Hà Nội thành lập Ban Quản lý Hồ Tây - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ, từ nay hồ nước đặc biệt rộng tới 527ha, chu vi quanh hồ 19km, đã “quy về một mối”.
Cùng với Hồ Gươm, Hồ Tây là hồ nước danh giá và cũng là khu vực giá nhà đất đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Xung quanh hồ có 22 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng (trong tổng số 71 di tích); trong đó có chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ... Bên Hồ Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa, như nghề làm giấy dó ở An Thái Bưởi, làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An...
Nhiều năm qua, việc bảo tồn, giữ gìn và khai thác thế mạnh Hồ Tây luôn là vấn đề được đặt ra với Hà Nội. Và cũng rất nhiều năm dư luận lo ngại Hồ Tây bị xâm hại, khai thác một cách vô tổ chức. Có những ngày cá chết nổi trắng mặt nước, tấp vào bờ, ai cũng xót xa. Còn trên hồ, nhiều loại thuyền to nhỏ phục vụ ăn uống, xả thẳng xuống hồ.
Sở dĩ có tình trạng đó là do tình trạng “cha chung không ai khóc” khi mà có tới 8 đơn vị cùng có chức năng quản lý. Cũng có nghĩa là cả 8 đơn vị cùng được hưởng lợi.
8 đơn vị cùng phối hợp quản lý Hồ Tây bao gồm các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng đó là quận Tây Hồ và các phường xung quanh.
Việc có quá nhiều đơn vị chuyên ngành cùng chính quyền địa phương tham gia quản lý Hồ Tây là dẫn chứng cho những bất cập trong phân cấp quản lý nhà nước. Không có một đầu mối quản lý đã gây khó khăn trong việc khai thác các giá trị, lợi thế của Hồ Tây, cũng như tạo ra sự chồng chéo, cồng kềnh không cần thiết. Từ đó dẫn đến những bất cập trong quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác và cản trở trong việc phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận.
Nhiều cơ quan, đơn vị cùng quản lý tưởng sẽ chắc nhưng hóa ra lại lỏng lẻo. Vì rằng “anh này nhìn anh kia”, ngay cả đến việc quy hoạch cũng rất nhiêu khê vì ai cũng có ý kiến của riêng mình, vì thế rất khó dẫn đến thống nhất chung. Trong lúc các nơi còn đang bàn bạc thì những thế mạnh của Hồ Tây tiếp tục bị phung phí, mặt nước Hồ Tây và đất đai vùng phụ cận tiếp tục bị sử dụng một cách manh mún, nhỏ lẻ.
Là một khu vực có địa thế đẹp nhất Thủ đô, nhưng tới nay những công trình xứng tầm hầu như vắng bóng. Sức mạnh của thành phố đã không được thể hiện ở đây. Mỗi khi đi qua Hồ Tây, người ta lại lấy làm tiếc, nhất là khi nhớ tới những áng văn chương, những bài hát ngợi ca khung cảnh Tây Hồ. “Đây Nghi Tàm, kia Trúc Bạch hồn se trong vuông lụa xưa non”... Và còn đâu những bầy sâm cầm vỗ cánh trong màn sương mù lãng đãng như khói tỏa mặt hồ.
Phát biểu tại một buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh không thể để tồn tại việc “cha chung không ai khóc” trong việc quản lý Hồ Tây.
Phân cấp quản lý không rõ ràng, không đúng và không trúng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó. Không chỉ “cha chung không ai khóc” mà còn là tư tưởng “chia phần”, “quyền anh - quyền tôi”. Vì thế, việc UBND thành phố Hà Nội quyết định giao việc quản lý Hồ Tây về cho UBND quận Tây Hồ nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Đây cũng chính là biểu hiện sinh động trong việc cải cách thủ tục chính, thu gọn đầu mối - một chủ trương lớn của Chính phủ. Tuy rằng, điều đó với Hà Nội, là chậm trễ.
Tất nhiên, việc hiện thực hóa chủ trương, phát huy sức mạnh, tạo ra đột phá trong phát triển lại là câu chuyện khác. Riêng với Hồ Tây và vùng phụ cận, để phát triển xứng tầm đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư lớn. Vì rằng, chỉ với việc sửa chữa những tồn tại dai dẳng cũng không phải dễ dàng.
Lâu nay, câu chuyện “một cửa, một dấu” dù đã triển khai nhưng vẫn là chuyện thời sự. Bởi sức ỳ rất lớn. Thu gọn đầu mối không chỉ là chuyện giảm thủ tục hành chính phiền hà mà còn là việc rõ trách nhiệm. Với ý nghĩa ấy, tin rằng Hồ Tây sẽ bứt phá trong thời gian tới và cũng sẽ là mô hình tốt để áp dụng cho những lĩnh vực khác của Hà Nội.