Trước ngày 30 Tết đến nay đi đâu cũng gặp câu nói cửa miệng “Tết mà”. Chính vì “Tết mà” nên nhiều mặt hàng, dịch vụ đua nhau tăng giá chóng mặt.
Bất kỳ sản phẩm nào, dịch vụ nào cũng có thể tăng giá. Đơn cử, thực phẩm tươi sống, rau củ quả tăng mấy chục ngàn đồng so với ngày thường; các hàng quán bún, phở tăng 10.000 - 15.000 đồng; giá tàu xe tăng; bơm bánh xe, sửa xe, giữ xe tăng giá…
Nhắc đến chuyện tăng giá ngày Tết lại nhớ đến câu chuyện đau lòng, chiều 30 Tết, người bán mai, đào… tại TP HCM thi nhau phá bỏ hàng trăm, hàng ngàn cây cảnh. Người bán cho rằng, không bán rẻ như cho và chấp nhận phá bỏ hoa Tết vào thời điểm cuối nhằm ngăn chặn thói quen chờ mua hoa giá rẻ ở phút cuối của người tiêu dùng. Nhẹ hơn, nhiều điểm bán hoa Tết “khóc ròng” vì ế ẩm, hoa còn dư lại chất đống để ven đường. T
ội cho người bán hoa rất nhiều, song trách người bán hoa cũng không ít. Trách vì khi nhu cầu thị trường tăng cao, hầu hết các chủ cửa hàng tranh thủ “chặt chém”, “hét giá”, “đẩy giá” lên cao ngất với tâm lý, người tiêu dùng rất xông xênh, sẵn sàng chi mạnh trong dịp Tết bất cả mức giá nào.
Vì vậy có những sản phẩm chỉ dao động ở mức 50.000 – 60.000 đồng nhưng giá được đẩy lên ngất ngưởng 150.000 đồng là chuyện bình thường. Tương tự, một chậu hoa mai, đào giá 1 – 2 triệu đồng nhưng có thể hét giá lên đến 3 – 4 triệu đồng.
Về phía người tiêu dùng, ai cũng mong mua được những sản phẩm đúng giá trị thực để trưng hoa đón Tết từ rất sớm. Tuy nhiên, ghé vào chợ hoa nào cũng gặp cảnh “hét giá”, “chặt chém”, cuối cùng đành ngậm ngùi chờ đợi sản phẩm quay về giá trị thật mới mua sắm. Do vậy, chừng nào còn tư duy buôn bán theo kiểu “hét giá”, “chặt chém” không đúng giá trị thật thì người mua phải cân nhắc trước khi móc hầu bao.
Chừng nào còn tư duy buôn bán theo kiểu “hét giá”, “chặt chém” không đúng giá trị thật người bán còn ế ẩm và lại tự phá bỏ sản phẩm. Kinh doanh đòi hỏi phải tôn trọng thị trường, tôn trọng người tiêu dùng, không thể chụp giật.