Là chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nhiều năm liền, ông Chu Văn Đông đã có những hoạt động tích cực trong các phong trào của địa phương, giúp đỡ người dân thoát nghèo.
Ông Chu Văn Đông - người thứ 2 (từ phải qua) tại
Hội nghị biểu dương cán bộ Mặt trận tiêu biểu của tỉnh Bình Dương.
Ông quan niệm, công tác Mặt trận muốn hiệu quả ngoài việc phối kết hợp hài hòa với các tổ chức thành viên khác bản thân người cán bộ phải nhiệt thành, tận tâm và hết lòng vì mọi người.
Tân Lập là một vùng thuần nông, khu vực có nhiều hộ nghèo sinh sống với khoảng 90 hộ. Với vai trò của Chủ tịch Mặt trận xã, ông Đông luôn biết kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân… vận động thành lập quỹ xóa đói giảm nghèo cho bà con trong vùng. Với mỗi hoàn cảnh, mỗi người ông đều có cách giúp đỡ khác nhau để người nghèo có thể sớm ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể, với những người dân khó khăn không có nhà ở hoặc nhà cửa hư hỏng, ông cùng đoàn thể vận động các tấm lòng hảo tâm, người góp công, người góp của xây và sửa nhà cho họ.
Ngoài ra, quan niệm giúp người nghèo cái cần chứ không phải con cá nên ông đã mời những hộ nghèo đến dự những lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ mới như: kỹ thuật trồng cao su, kỹ thuật nuôi gà… để cho họ được học hỏi, tiếp thu kiến thức, tự tổ chức sản xuất để từng bước tạo thu nhập cho gia đình.
Sau một thời gian, được sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật cùng sự động viên, khuyến khích từ Mặt trận và các tổ chức thành viên, đến nay xã Tân Lập đã không còn hộ nghèo, không còn nhà tạm, nhà tranh.
“Việc xóa được hộ nghèo mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Ngoài việc giúp người dân ổn định cuộc sống thì tình hình an ninh trật tự được tăng cường; người dân không phải vay lãi ở bên ngoài để có tiền làm ăn nên tránh những hệ lụy từ việc vay lãi. Đồng thời còn mang lại cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, mang lại niềm tin yêu và sự lạc quan vào cuộc sống cho bà con”- ông Đông tâm sự.
Nói về những thành tích của mình, ông Đông khiêm tốn bảo đó là nhờ vào cộng đồng, nhờ sự phối hợp của các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… đã hỗ trợ, giúp đỡ. Còn về phần mình, ông chỉ nhận là người góp phần nhỏ vào những thành tích ấy mà thôi.
Kể về chuyện giúp người dân thoát nghèo, ông Đông nói: “Trong xóm tôi có một trường hợp nhà nghèo nhưng người chồng vẫn nhậu tối ngày bỏ mặc vợ con nheo nhóc. Khi chúng tôi đến vận động thì anh chồng không thích mà còn tỏ thái độ khó chịu. Không đầu hàng, với phương châm mưa dầm thấm lâu, qua một thời gian chúng tôi kiên trì vận động, hỗ trợ gia đình vốn để làm ăn. Đến nay anh này đã bỏ nhậu, gia đình có 3 ha cao su, kinh tế khá giả. Giờ thì cuộc sống của gia đình họ đã thực sự bình yên trở lại”.
Rồi có trường hợp cháu Thúy, nhà nghèo, không có điều kiện làm ăn. Chúng tôi hỗ trợ vốn để cháu mua hai con bò. Sau một thời gian, gia đình cũng làm ăn khá lên, mua đất trồng cao su, xây nhà cửa.
Ngoài những việc làm trên, ông Đông còn phối hợp với các tổ chức thành viên khác tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức các cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
“Khi tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, chúng tôi thường chọn những vấn đề liên quan thiết thực đến cuộc sống để người dân dễ hiểu, dễ nắm bắt. Nói những điều ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trúng để người dân làm theo.
Ngoài ra, có được những thành tích trên những người làm cán bộ như chúng tôi phải thường xuyên tiếp xúc với người dân dưới mọi hình thức, từ đó mới hiểu, nắm bắt được tâm tư, đời sống của họ để chia sẻ và tìm cách hỗ trợ phù hợp.
Đặc biệt, những định hướng, chủ trương, kế hoạch chung của cấp trên khi triển khai xuống cơ sở thì mình phải sáng tạo, vận dụng phù hợp với thực tế mới đạt hiệu quả” - ông Chu Văn Đông chia sẻ.