2 tháng trước, Radha Gobindo Pramanik và vợ của mình còn tổ chức một buổi tiệc nhỏ mừng cô con gái thông báo mang bầu đứa cháu mà họ mong chờ từ lâu. Nhưng rồi chỉ trong vòng vài ngày, người vợ Pramanik, cô con gái và cả đứa cháu còn chưa được sinh ra đều qua đời, trong làn sóng dịch bệnh tàn phá đất nước Ấn Độ.
Tất cả những người tôi yêu thương nhất đều đã rời bỏ tôi. Giờ đây tôi bị bỏ lại một mình trên thế giới này - người đàn ông 71 tuổi nghẹn ngào nói trong một đêm nóng bức ở thành phố Lucknow. Ông Pramanik cũng vô cùng tiếc nuối về những ngày cuối cùng của gia đình ông.
Ông Pramanik ước rằng ông đã để ý đến triệu chứng ho, sốt không liên tục của vợ mình; ước rằng ông đã không tổ chức buổi tiệc cho cô con gái Navanita. Họ đã quá vui mừng khi cô con gái mang thai sau 9 năm chờ đợi và đã có phần lơ là các biện pháp phòng dịch ở thời điểm mà không ai có thể an toàn trước dịch Covid-19. Một vài người bạn đã khuyên vợ ông xét nghiệm Covid-19, nhưng bà đã không nghe theo.
Nhưng, đó không phải là trường hợp hiếm gặp ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân này. Ruby Srivastava mất cả gia đình chỉ trong vòng 1 tuần hồi tháng 4 vừa qua. Đầu tiên là mẹ cô, rồi đến cha cô, cả hai người đều qua đời vì mắc Covid-19. Sau đó, em trai cô qua đời trong một tai nạn giao thông. Cuối cùng là bà của cô cũng qua đời vì quá đau lòng.
“21 tuổi đời, tôi đã phải trơ trọi trên thế gian này với nỗi đau không không thể nào nguôi ngoai” - Srivastava nói và tự hỏi liệu mọi chuyện có khác đi không nếu như cha mẹ của cô có được điều trị tốt hơn ở các bệnh viện công mà gia đình đã đưa tới trước khi quyết định họ sẽ tự chăm sóc ở nhà.
Bão Covid-19 tàn phá Ấn Độ, nhất là với biến thể Delta và giờ đây lại thêm Delta Plus. Người ta nói rằng, dịch bệnh ở Ấn Độ đã dịu bớt, nhưng với Srivastava thì cơn bão trong lòng cô vẫn thổi mãi.
Theo giới chuyên gia y tế, một phiên bản mới đột biến của biến thể Delta (được gọi là Delta Plus) cho thấy có một số đặc tính đáng lo ngại. Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể chiếm tới 90% ca mắc Covid-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 8/2021.
Paris, thủ đô của nước Pháp hy vọng sẽ đón du khách trong hai tháng hè sau nhiều tháng đóng cửa biên giới, thì giấc mơ đó đang dần lùi xa hơn không chỉ vì biến thể Delta mà còn cả Delta Plus. Phát ngôn viên Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal cảnh báo có từ 9 đến 10% bệnh nhân Covid-19 tại Pháp nhiễm biến thể Delta. Tỷ lệ này tăng rất nhanh vì so với đúng một tuần trước đó chỉ chiếm từ 2 đến 4%. Riêng tại vùng Landes, miền Tây Nam nước Pháp, có tới 70% trường hợp nhiễm biến thể Delta.
Giáo sư Florence Débarre, thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia của Pháp (CNRS) nhận định, biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao hơn so với những gì quan sát được tới nay sẽ chiếm vị trí áp đảo trong số các bệnh nhân mắc Covid-19.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện biến thể Delta đã xuất hiện ở ít nhất 90 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng trong những cộng đồng chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước, như: Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh.
Theo ECDC, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. ECDC dự đoán, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8. ECDC cảnh báo, biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Các chuyên gia y tế châu Âu nhận định, trong trường hợp biến thể Delta và Delta Plus lây lan mạnh, hậu quả rõ rệt nhất là số bệnh nhân Covid-19 tăng trở lại và sẽ đẩy các y tá, bác sĩ vào một chu kỳ căng thẳng mới, đồng thời kéo theo nguy cơ các bệnh viện bị quá tải. Bên cạnh đó, một phần các hoạt động kinh tế, sinh hoạt trong xã hội ở châu Âu vừa mở cửa trở lại sau hơn một năm rưỡi chống chọi với nhiều đợt dịch sẽ lại bị phong tỏa.
Tuy nhiên, tình trạng không đến nỗi đen tối nếu biến thể Delta có tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức là 1 ca dương tính lây cho chưa đầy 1 người khác, theo Tiến sĩ Samuel Alizon, Giám đốc CNRS. Chìa khóa cho phép kiểm soát dây chuyền lây nhiễm, theo ông Samuel Alizon, đó là tiêm đủ 2 liều vaccine để chống chọi với biến thể Delta.
Không ít nhà khoa học cảnh báo, biến thể của virus SARS-CoV-2 mới nhất mang tên Delta Plus được cho là phiên bản của biến thể Delta, tỏ ra nguy hiểm hơn. Nếu như biến thể Delta đã trở thành từ khóa phổ biến toàn cầu, thì nay lại có thêm “kẻ song sinh Delta Plus”. Giới y tế Ấn Độ đã gọi Delta Plus là một “biến thể đáng lo ngại” bởi nó dễ lây lan hơn.
Tại Anh, trang Public Health England thông báo rằng, nước này đã ghi nhận gần 40 trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus. Chưa dừng lại, nó đã xuất hiện ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy, biến thể Delta Plus là gì? Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến và biến đổi. Delta Plus là phiên bản đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Biến thể mới này mang một dạng đột biến protein được gọi là K417N. Đáng chú ý, K417N cũng được tìm thấy trong biến thể Beta, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi.
Bà Sally Cutler, nhà vi sinh vật học Đại học London, chia sẻ: “Đột biến K417N của biến thể Beta được cho là sẽ giúp virus né tránh các kháng thể trung hòa, một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch giúp cơ thể con người phòng thủ trước sự tấn công của virus. Điều này có nghĩa là nó có thể làm cho vaccine và thuốc kháng thể hoạt động kém hiệu quả hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ tái nhiễm”.
WHO cũng đã bày tỏ mối quan tâm tới Delta Plus. Trong một tuyên bố, WHO cho biết đang theo dõi biến thể này và áp dụng phương thức tương tự như với các biến thể trước đó. Tương tự, TS Chandrakant Lahariya, một bác sĩ và nhà dịch tễ học, chuyên gia về vaccine tại New Delhi cho rằng, nên cảnh giác với tiến triển của Delta Plus nhưng “không có lý do gì để hoảng sợ”.
Tuy nhiên, TS Lahariya vẫn khuyến khích người dân các quốc gia nên tuân theo các biện pháp phòng dịch và thực hiện tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Trong đó hai loại vaccine Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca có hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh diễn biến nặng từ biến thể Delta.
Hiện các chuyên gia y tế đều coi Delta là biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất trên thế giới. Tại Anh, 98% các ca mắc Covid-19 mới đều là do biến thể Delta gây ra. Tại Bồ Đào Nha, con số này là 96%. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.