Đã hơn 3 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã cố tìm hiểu nhưng vẫn chưa rõ nhiều thứ về virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Đó là tỷ lệ tử vong, nguồn gốc cho đến thời gian ủ bệnh, cơ chế lây lan… Tất cả đều vẫn chỉ dừng lại ở phỏng đoán và cảnh báo.
Lúc đầu, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng loại virus này xuất phát từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) cuối tháng 12/2019. Sau đó, diễn biến dịch bệnh ngày càng căng thẳng, đồng thời xuất hiện hàng loạt thuyết âm mưu và tin đồn nổi lên, bao gồm: Mỹ hay Trung Quốc chế vũ khí sinh học là SARS-CoV-2; virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán; nhân viên phòng thí nghiệm bán động vật thử nghiệm ra chợ với giá cao; SARS-CoV-2 có nguồn gốc ngoài trái đất. Tất cả càng làm cho câu chuyện thêm bí ẩn. Người ta không ngớt băn khoăn khi nghĩ về cúm, virus sinh ra cúm và vaccine nào trị được những loài vô hình vô sắc ấy.
Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Enshi (tỉnh Hồ Bắc,Trung Quốc).
Câu hỏi thì có, trả lời thì chưa
Trong bức tâm thư công bố ngày 22/2/2020, Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) khẳng định không có chuyện rò rỉ virus do con người tạo ra từ Phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán của viện- theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, cũng trong bức thư đó, Viện xác nhận nhà virus học hàng đầu Shi Zheng-li từng có chuyến thám hiểm hang động ở tỉnh Vân Nam (Tyrung Quốc)và đã phát hiện ra một chủng virus Corona chết người khác, bắt nguồn từ loài dơi, rồi mang về phòng thí nghiệm để nghiên cứu và lưu trữ. Đáng chú ý là, virus do cô Shi phát hiện giống tới 96% so với virus Corona chủng mới. Từ đó, người ta cho rằng SARS-CoV-2 “không do con người tạo ra”, nhưng nguồn gốc chính xác của nó là gì, thì câu trả lời vẫn bỏ ngỏ. Kể cả từ ngày 23/2, sau khi Chính phủ Trung Quốc đồng ý để nhóm chuyên gia WHO đến tâm dịch Vũ Hán điều tra tình hình bệnh sau chuyến thăm 4 tỉnh, thành phố khác (bao gồm cả Bắc Kinh), thì vẫn không có được câu trả lời rõ ràng.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus không ít lần bày tỏ lo ngại trước tình hình số các ca lây nhiễm gia tăng mà không có thông tin dịch tễ rõ ràng. Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng. Trong khi đó, giới chuyên gia lại công bố kết quả nghiên cứu với thời gian ủ bệnh rất khác nhau: 2 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 14 ngày, 24 ngày, thậm chí hơn 30 ngày. Kể cả tỉ lệ tử vong từ người bệnh COVID-19 cũng không thống nhất: Trong báo cáo ngày 22/2, WHO chỉ ước tính tỷ lệ tử vong là 3,07 %. Tuy nhiên những nghiên cứu khác lại cho rằng tỉ lệ tử vong 1%, hay là 3,5%; riêng đối với người trên 80 tuổi có nguy cơ cao nhất với tỷ lệ 14,8%. Cũng cần nhắc lại, các chủng virus Corona gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã được xác định tỷ lệ tử vong lần lượt là 9,5% và 34,5%.
Vậy đâu là con số chính xác về tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong và bao giờ thì người ta tìm ra được vaccine ức chế SARS-CoV-2? Và phải chăng những nỗ lực nghiên cứu của con người về virus cũng như điều chế vaccine cho những chủng loại virus độc hại mới là vô vọng?
Tại một phòng thí nghiệm của cơ quan y tế vùng Baden-Wuerttemberg, Đức.
Cuộc chiến của các nhà khoa học, giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách
Từ lâu, giới khoa học Y học đã từng đặt vấn đề: Đầu tư nghiên cứu các virus nguy hiểm, nên hay không?
Ngay khi dịch Covid-19 được ghi nhận, chủ đề này đã xuất hiện một cách lặng lẽ trên New York Times với thông tin về Predict- một chương trình nghiên cứu do Chính phủ Mĩ rót kinh phí để nhận diện các virus gây bệnh trên động vật nhưng có thể lây nhiễm cho người và dẫn đến một dịch bệnh mới, đã bị quyết định dừng lại sau một thập kỷ hoạt động. Nói là “lặng lẽ” do thông tin kể trên ít người chú ý. Nhưng điều đó có thể bắt đầu cho một loạt những rắc rối tiếp theo.
Dennis Carroll- cựu Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) - cơ quan điều hành Predict đã từ chức sau khi chương trình bị đóng lại. Ông giải thích, một số quan chức liên bang cảm thấy USAID đầu tư cho khoa học tiên tiến như dò tìm các mầm bệnh lạ, các virus nguy hiểm là không phù hợp.
Được biết, các nhóm chuyên gia của Predict đã nghiên cứu nhiều dịch bệnh bí ẩn ở nhiều quốc gia, trong đó có vụ 3.000 con chim hoang dã sống ở một hồ Mông Cổ chết; một vườn thú Campuchia khủng hoảng do các con thú ngã bệnh được cho là từ nguồn thức ăn. Nhóm nghiên cứu cũng tham gia nhận diện những virus từ dơi mà đội bóng đá thiếu nhi Thái Lan có thể bị phơi nhiễm khi bị mắc kẹt trong một hang nước sâu ở quốc gia này.
Theo TS Samuael Stanley thuộc Predict thì tự nhiên chính là “kẻ khủng bố sinh học” tột bậc và chúng ta cần phải đi trước nó một bước bằng việc đầu tư để thực hiện các nghiên cứu nối tiếp không ngừng nghỉ. Chỉ có điều đó mới giúp loài người có thêm nhận thức về virus và nhận diện được các chủng virus mới.
Trên quan điểm đó, việc “đóng cửa” Predict được coi là một mất mát- theo TS Peter Daszak- Chủ tịch EcoHealth Alliance (một tổ chức phi chính phủ- NGO) về sức khỏe toàn cầu và nhận được kinh phí tài trợ của chương trình. “Predict là một cách tiếp cận để “đón đầu” các bệnh dịch, thay vì ngồi chờ chúng xuất hiện và sau đó phát tán. Đấy mới chính là giá đắt”- phát biểu này của TS Peter Dasszak hàm ý đến việc trong 10 năm hoạt động Predict chỉ tiêu tốn của Mĩ 207 triệu USD nhưng đem lại những khám phá có thể dẫn đến nhiều cách mới trong ngăn chặn những lan truyền dịch bệnh trên người do virus gây ra, trong khi chính nước Mỹ phải dành 5 tỷ USD để chống lại dịch Ebola ở Tây Phi.
Nhưng phải chăng chỉ là vấn đề tiền bạc? Câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều.
Trên thực tế, việc có nên đầu tư tiếp cho các nghiên cứu về các virus nguy hiểm là vấn đề trở đi trở lại trong cộng đồng khoa học Mỹ và các nhà hoạch định chính sách. Ngày 17/10/2014, Chính phủ Mỹ loan báo tạm dừng đầu tư cho nghiên cứu mới với mục tiêu khiến các virus hiện hành trở nên độc hại hơn hoặc có thể được lan truyền nhanh hơn, có thể khơi mào thành đại dịch. Tiếp đó, Viện nghiên cứu Y tế Mỹ (NIH) đã hoãn đầu tư cho 21 dự án nghiên cứu, bao gồm cúm mùa và phát triển vaccine.
Một nhà nghiên cứu đang thao tác trong phòng thí nghiệm Mỹ.
Ngay sau đó, xuất hiện những ý kiến trái chiều.
“Tôi nghĩ đây thực sự là tin tốt khi dừng lại việc bỏ tiền vào những dự án nghiên cứu virus nguy hiểm. Không chỉ mất tiền, nguy hiểm mà đáng nói hơn là nó đã hướng các nghiên cứu khoa học về dịch bệnh đi lạc hướng”- Marc Lipsitch, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Harvard tại Boston, Massachusetts, lên tiếng. “Tôi cho rằng chúng ta cần phải cân nhắc trước khi hành động”- Marc nói thêm.
Ngược lại, Arturo Casadevall- một nhà vi trùng học tại Trường Y khoa Albert Einstein ở New York, gọi việc chấm dứt các nghiên cứu về virus nguy hiểm là “một hành động thiếu cân nhắc” vì “thực sự không có bằng chứng cho thấy các thực nghiệm đó lại gây nguy hiểm bởi rất nhiều thực nghiệm diễn ra trong các phòng thí nghiệm được bảo vệ một cách chặt chẽ”.
Nhìn chung, người ta rất lo ngại khi các nghiên cứu virus nguy hiểm khiến nó gia tăng độc lực và lây nhiễm nhanh hơn bằng kỹ thuật di truyền; trong khi việc nghiên cứu virus nguy hiểm lại không song song với nghiên cứu vaccine chế ngự nó. Nói cách khác, rất có thể những nghiên cứu bị rò rỉ, virus độc hại phát tán sẽ gây dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm. “Các thực nghiệm tạo ra các virus được biến đổi có thể dẫn đến việc phát tán những mầm bệnh một cách tình cờ, thường là một nhân viên của phòng thí nghiệm vô tình bị nhiễm rồi bất cẩn ra ngoài”- nói như Richard Ebright- nghiên cứu viên Trường ĐH Rutgers.
Nói tóm lại, dù muốn hay không thì virus vẫn tiến hóa một cách liên tục. Ví dụ, một mẫu cúm A-H5N1 đã được tìm thấy chứa một đột biến mới, và mẫu thứ hai chứa một đột biến hoàn toàn khác biệt, về nguyên tắc một đột biến kép H5N1 có thể xuất hiện trong tự nhiên.Trong thực tế nghiên cứu, các nhà vi trùng học có thể tạo ra các đột biến chưa từng có trong tự nhiên, nhưng không hẳn đã tìm được vaccine “dành cho nó”.
Những nghi ngờ đó được TS Francis Collin- Giám đốc NIH cho là thiếu cơ sở và quá thiều tự tin. TS Francis cho rằng, các nghiên cứu virus nguy hiểm giúp loài người nhận diện, thấu hiểu và phát triển các chiến lược và biện pháp hiệu quả chống lại những mầm bệnh đang tiến hóa một cách nhanh chóng và ẩn chứa mối nguy hiểm cho y tế công cộng. Miễn là chúng ta làm việc một cách an toàn, an ninh và có trách nhiệm.
Đáp lại, GS Marc Lipsipitch lại cho rằng, con người mới chính là tác nhân lan truyền virus kinh khủng, khi mà nó vượt qua cả những lớp ngăn vật lý của một phòng thí nghiệm. “Rủi ro sau sự tình cờ đều là kết quả từ những lỗi lầm của con người”- vị GS này nói, ám chỉ đến hai phòng thí nghiệm được NIH tài trợ đã làm phát tán virus cúm A-H5N1 mà họ đang nghiên cứu ra ngoài môi trường năm 2011, khiến các con chồn sương bị lây nhiễm.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho là phải minh bạch hóa những nghiên cứu về virus nguy hiểm, không dừng lại ở việc phản biện kín của một hội đồng chuyên đánh giá các rủi ro và lợi ích của những thực nghiệm. Đó là ý kiến của TS Christian Hassell- cố vấn khoa học chính của Văn phòng trợ lý đặc trách sẵn sàng và hồi đáp (Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ) được cho là rất quan trọng, nhất là khi dịch Covid-19 đang hoành hành chưa biết lúc nào mới chấm dứt. Dẫu rằng, điều đó sẽ làm “nguội ý chí” của những nhà nghiên cứu vi trùng học nói chung.
Nhưng dẫu thế thì cũng không thể đợi virus nguy hiểm “tự chết”, mà vẫn phải tìm cho được vaccine chế ngự chúng.
Giới khoa học Australia đang nỗ lực nghiên cứu virus Corona.
Khó lường cuộc chạy đua tìm vaccine chống SARS-CoV-2
Trong bối cảnh dịch Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra vẫn hoành hành dữ dội trên toàn thế giới, thì người ta buộc phải vào cuộc chạy đua tìm vaccine phòng ngừa, điều trị. Tuy nhiên, theo giới khoa học, việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19 và vaccine sẽ mất rất nhiều thời gian.
Giữa tháng 3, RFI dẫn nguồn tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin, chính quyền nước này đã cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên một loại vaccine chống SARS-CoV-2. Vaccine này sẽ được Học viện Khoa học Quân y của Quân đội Trung Quốc thử nghiệm trên 108 người tình nguyện, toàn bộ đều khỏe mạnh, trong thời gian 9 tháng rưỡi, từ ngày 16/3 đến ngày 31/12/2020.
Cũng thời điểm đó, tại Mỹ, Viện Quốc gia các bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) thông báo bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine tại thành phố Seattle. Vaccine này được thử nghiệm với sự phối hợp của tập đoàn công nghệ sinh học Modena trên 45 người tình nguyện, tuổi từ 18 đến 55, trong khoảng thời gian 6 tuần.
Trong cuộc chạy đua này, không chỉ có hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, mà các nước châu Âu cũng tích cực tham gia. Tại Pháp, Viện Pasteur đã bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine trên chuột, từ ngày 11/3. Các cuộc thử nghiệm dự kiến kéo dài một tháng, hoặc một tháng rưỡi. Tuy nhiên, nếu thành công và để có thể sử dụng vaccine rộng rãi, cũng phải chờ đến năm 2021. Còn Viện bào chế CureVac của Đức cũng hy vọng từ nay đến tháng 7 sẽ được cấp phép thử nghiệm một loại vaccine chống SARS-CoV-2 trên người.
Vẫn theo RFI, hiện có khoảng 30 dự án vaccine đang chạy đua ở các nước trên thế giới và cuộc chiến tìm vaccine chống SARS-CoV-2 đã trở nên khẩn trương hơn rất nhiều. Trong khi đó, trên Tạp chí Khoa học Nature, chuyên gia Trung Quốc Khương Thế Ba- GS virus học tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) nhấn mạnh rằng, tuy rất cấp bách song việc nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống SARS-CoV-2 không thể được tiến hành một cách vội vã mà phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn của những loại thuốc này.
Theo các chuyên gia y tế, vào mỗi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, vaccine phải được thử nghiệm trên động vật, rồi trên người. Tổng cộng phải mất từ 6 đến 36 tháng để sản xuất, đóng gói. Còn Cơ quan y tế của Mỹ nhìn nhận rằng cuộc thử nghiệm phải trải qua rất nhiều giai đoạn để có thể xác định vaccine có hiệu quả và an toàn hay không. Họ dự báo là nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cũng phải mất đến một năm rưỡi. Các chuyên gia của WHO dự báo rằng phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vaccine để bán ra thị trường.
Một trong những khía cạnh hiện chưa rõ đã gây khó khăn cho việc tìm thuốc điều trị là SARS-CoV-2 có thể sống bao lâu bên ngoài cơ thể con người. Trong khi đó các chủng virus corona khả năng phục hồi mạnh mẽ ở những nơi chúng có thể tồn tại, nghĩa là tốc độ lây lan là không thể lường hết. Neeltje van Doremalen- một nhà vi khuẩn học tại NIH và đồng nghiệp của bà ở Hamilton (bang Montana, Mỹ) đã làm một số thử nghiệm để xem SARS-CoV-2 có thể sống bao lâu ở các bề mặt khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra rằng virus có thể tồn tại ở các giọt nước lơ lửng trong không khí tới 3 tiếng sau khi bắn ra từ một cơn ho. Những hạt nước li ti, từ 1-5 micrometres, bé hơn 30 lần bề ngang sợi tóc - có thể tồn tại vài giờ trong không khí tĩnh. Điều này có nghĩa là virus lưu chuyển trong hệ thống điều hòa không khí không được lọc sẽ tồn tại vài giờ. Nhưng vài giờ là bao nhiêu? Đó mới là vấn đề quan trọng.
Thật đáng tiếc là trong khi cuộc chạy đua rất gấp gáp thì người ta vẫn không tìm được tiếng nói chung, nhất là khi có thông tin Mỹ muốn sở hữu độc quyền vaccine chống Covid-19. Đó là việc phía Mỹ tìm cách tiếp cận một loại vaccine tiềm năng thuộc sở hữu của Công ty CureVac (Đức). Một bài báo trên trang nhất của báo Đức Welt am Sonntag với tựa đề: “Nước Đức không phải để bán”, nói về việc họ không “chuyển giao” kết quả nghiên cứu cho Mỹ cho dù cái giá đưa ra là 1 tỷ USD, nếu kết quả nghiên cứu chỉ được dành cho Mỹ.
Bài báo đã làm gia tăng thái độ giận dữ tại Berlin. Erwin Rueddel- một nhà lập pháp bảo thủ tại Ủy ban Y tế thuộc Quốc hội Đức, nói: “Trong lúc này, sự hợp tác quốc tế mới là quan trọng, chứ không phải là lợi ích của riêng một quốc gia nào”. Còn nhà đầu tư chính của CureVac Dietmar Hopp nói ông không bán và muốn CureVac phát triển một vaccine phòng SARS-CoV-2 để “cứu giúp người dân không chỉ trong khu vực mà trên khắp thế giới”.
Trong khi đó, một thông tin được cho là “lóe sáng” khi nhóm 10 nhà khoa học đến từ Trung tâm Y tế Erasmus và Đại học Utrecht (Hà Lan) đã tìm ra kháng thể ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. “Chúng tôi đang nói về loại kháng thể đủ sức vô hiệu hoá SARS-CoV-2”- Frank Grosveld. GS sinh học tế bào của Trung tâm Erasmus khẳng định. Cũng theo nhóm nghiên cứu, loại kháng thể này bên cạnh khả năng chặn đứng virus lây lan, còn thúc đẩy tiềm năng phòng ngừa, chữa trị triệt để Covid-19 hay các loại dịch bệnh khác gây ra bởi virus mà loài người có thể đối mặt trong tương lai.
Nghiên cứu nói trên có thể không dẫn tới điều chế vaccine, nhưng được xem là tiền đề tìm ra loại thuốc mới điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Loại thuốc này có thể điều chế nhanh hơn so với vaccine, nhưng tốn nhiều tiền của để sản xuất hơn và mất nhiều tháng thử nghiệm.
Như vậy, cho dù cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang hết sức khốc liệt thì nói như Reuters “loài người hãy hy vọng!”
Cyrus Poonawalla là ai?
Tỷ phú Cyrus Poonawalla là người đứng đằng sau Viện Huyết thanh Ấn Độ - một “đế chế vaccine”, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới đã ký một thỏa thuận liên doanh với Công ty dược phẩm Mỹ Codagenix nhằm sản xuất thuốc điều trị bệnh Covid-19. Với khối tài sản ước tính 9,8 tỷ USD, tỷ phú Cyrus Poonawalla, 78 tuổi, hy vọng Viện của ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất vaccine Covid-19 với quy mô lớn một khi loại vaccine này được công nhận hiệu quả và an toàn cho con người. Khi mà cả thế giới đang tranh giành nhau để tìm ra phương thức điều trị hiệu quả SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, ông Cyrus Poonawalla cho rằng đây là một cơ hội kinh doanh rất lớn. Theo ông J. Robert Coleman, giám đốc điều hành của Codagenix, “với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Viện huyết thanh Ấn Độ, chúng tôi sẽ có thể nhanh chóng đưa ra thị trường loại vaccine phòng chống SARS-CoV-2”. Còn tỷ phú Cyrus Poonawalla chia sẻ mục tiêu là “trong vòng 6 tháng, chúng tôi có thể thử nghiệm loại vaccine này trên người”.
Là con trai của một người lai giống ngựa đua, tỷ phú Cyrus Poonawalla thành lập SII vào năm 1966 tại thời điểm Ấn Độ buộc phải nhập khẩu vaccine với giá cao từ các nhà sản xuất thuốc phương Tây để phòng dịch bệnh cho trẻ em nước này. Cyrus Poonawalla, một nhân vật nổi tiếng với lối sống xa hoa và bộ sưu tập xe cổ khổng lồ sản xuất từ những năm 1930, đã xây dựng một doanh nghiệp sản xuất vaccine vô cùng thành công. Không chỉ cung cấp vaccine cho thị trường Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ còn ký hợp đồng cung cấp vaccine cho Tổ chức Y tế thế giới và hàng trăm quốc gia khác. Khoảng 65% trẻ em trên thế giới đã từng sử dụng vaccine do họ sản xuất.
Tỷ phú Cyrus Poonawalla đã nhận được giải thưởng thành tựu trọn đời từ tỷ phú Bill Gates vì những đóng góp của ông cho lĩnh vực y tế thế giới. Tháng 6/2019, ông được Đại học Oxford, Anh trao bằng Tiến sĩ Khoa học danh dự.
(Nguồn tham khảo: Scientific American, Science, Nature)
Trần Hoàng Tú