Xã hội

Hiến nguồn sáng cho đời

Đình Minh 14/07/2024 13:45

Kể từ ca hiến giác mạc đầu tiên tại Ninh Bình vào năm 2007, đến nay, phong trào này đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nghĩa cử cao đẹp được nhân rộng ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Từ nguồn giác mạc của 474 trường hợp ở Ninh Bình, đã mang lại nguồn ánh sáng quý giá, hồi sinh nhiều khát vọng cho những người mắc bệnh lý về giác mạc.

anh-1...jpg
Bà Đoàn Thị Nhiệm với bằng khen của Bộ Y tế vì vận động nhiều người trong gia đình hiến giác mạc. Ảnh: Đình Minh

Người Việt Nam đầu tiên hiến giác mạc

Theo thống kê từ Bộ Y tế, đến cuối tháng 6/2024, cả nước có 971 người hiến giác mạc, trong đó, Ninh Bình là tỉnh đóng góp nhiều nhất với 474 ca hiến. Huyện Kim Sơn là địa phương đi đầu với 433 người hiến.

Khởi đầu từ tháng 4/2007 với sự kiện cụ Nguyễn Thị Hoa (hưởng thọ 69 tuổi, trú xã Cồn Thoi) hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đến nay, phong trào này đã lan rộng ra toàn tỉnh Ninh Bình.

Gần giữa tháng 7/2024, tôi tìm tới nhà ông Mai Văn Vinh (70 tuổi, con trai cụ Hoa) ở xã Cồn Thoi, nơi trước đây cụ Hoa sinh sống. Ông Vinh kể rằng: Bố ông mất năm 1976 vì bệnh hiểm nghèo, một mình cụ Hoa chèo chống nuôi 8 người con ăn học. Trước khi mất, cụ có di huấn để lại rằng, khi qua đời, sẽ hiến tặng giác mạc của mình cho Bệnh viện Mắt Trung ương để cứu giúp cho người không may gặp cảnh mù lòa.

Theo ông Vinh, nguyên nhân khiến cụ quyết tâm làm như vậy bắt đầu từ một câu chuyện tình cờ. Thuở nhỏ, ông Vinh có chơi với một người bạn, thời điểm năm 2007, người đó đang sống ở Đắk Lắk, có vợ là chị Nguyễn Thị Khuy bị mù mắt trái do bệnh lý giác mạc. Qua thăm hỏi, ông Vinh biết được cuộc sống khổ cực của gia đình bạn khi chị Khuy lâm vào cảnh mù lòa, nhiều lần ra Bệnh viện Mắt Trung ương để thăm khám, điều trị nhưng vì không có giác mạc để thay nên không mổ được.

Lấn cấn mãi, người bạn mới nhờ ông Vinh thuyết phục những bà cụ ốm nặng trong làng trước khi mất để lại giác mạc cho vợ. Đúng vào thời điểm đó, cụ Hoa, mẹ ông Vinh cũng đang ốm nặng, tiên liệu khó qua khỏi. Thoạt đầu, khi nghe câu chuyện của bạn, ông Vinh sợ run người vì nghĩ phải khoét mắt để thay thế mới chữa lành được. Là bởi, ông Vinh cũng mới chỉ nghe tới chuyện hiến máu, hiến thận chứ chưa từng biết một ca nào hiến giác mạc trên đời.

“Tôi rất sợ vì nghĩ phải khoét mắt mẹ ra để lắp cho vợ của bạn. Nhưng rồi, trước những khó khăn mà gia đình bạn ấy đang phải gánh chịu nên dù day dứt, tôi vẫn đồng ý để mẹ hiến giác mạc”, ông Vinh nhớ lại.

Sau khi tìm hiểu các tài liệu, ông Vinh đã hiểu ra rằng các bác sĩ chỉ lấy đi một màng mỏng trong suốt trên đôi mắt của người hiến chứ không cần khoét mắt. Tuy vậy, vì là người đầu tiên trong cả nước làm chuyện này nên dù hiểu, ông Vinh vẫn không dám nói với anh chị em trong gia đình.

Trước sự giằng xé trong lòng, ông Vinh đến gặp Cha Antôn Đoàn Minh Hải, linh mục Chính xứ Cồn Thoi và được linh mục xuống tận nhà thuyết phục, sau đó thì mọi người trong gia đình đã đồng thuận.

Khi bà Hoa mất, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã về lấy giác mạc, mọi chuyện diễn ra thuận lợi, giúp chị Nguyễn Thị Khuy ở Đắk Lắk và chị Lê Thị Tuyết ở Thanh Hóa nhìn thấy lại ánh sáng từ đôi giác mạc của cụ Hoa. Trước di ảnh của cụ, chị Khuy xin với mọi người trong gia đình được làm con nuôi, được làm anh em trong nhà để thờ phụng ân đức lớn lớn lao ấy.

Song, tại thời điểm đó, nhiều thông tin trong xã lại cho rằng gia đình ông Vinh bán giác mạc của mẹ để lấy tiền khiến ông Vinh đau lòng. Phải đến 2 năm sau, khi các cấp chính quyền, đoàn thể và Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành tuyên truyền, vận động đến tận thôn, xóm về nghĩa cử cao đẹp khi hiến tặng giác mạc, nhiều người mới dần hiểu ra. Khi đó, gia đình ông Vinh mới được “minh oan” và trở thành gia đình kiểu mẫu, khởi nguồn cho phong trào hiến giác mạc ở Ninh Bình.

Thấy lại nguồn sáng

Gia đình bà Đoàn Thị Nhiệm (75 tuổi, trú xóm 5A, xã Cồn Thoi) khá nổi tiếng ở địa phương với "thành tích" nổi bật là có nhiều người đã hiến giác mạc thành công, trong đó, có thể kể đến ông Đinh Văn Thương - chồng bà, người hiến giác mạc năm 2009; ông Đinh Văn Dương - em trai ông Thương; anh Đinh Văn Quảng - con trai bà Nhiệm; bố mẹ bà Nhiệm - 2 người đã hiến giác mạc năm 2010; 2 em trai của bà Nhiệm, cũng hiến giác mạc sau khi mất… Ngay chính bản thân bà, cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc từ năm 2010.

“Quan niệm của nhiều người cho rằng, khi chết phải toàn thây, nếu lấy giác mạc trong mắt thì sẽ không thấy đường lối dưới địa phủ, vì vậy, họ rất kiêng kỵ trong việc hiến tặng.

Nhưng đối với người Công giáo chúng tôi, khi chết đi, con người chỉ còn thể xác và linh hồn. Nếu lấy đi giác mạc, cũng chỉ là lấy đi một phần thể xác, không quá nghiêm trọng như suy nghĩ của nhiều người. Hơn nữa, việc cho đi là phúc đức, hiến giác mạc cũng là làm việc thiện để chuộc lại những lỗi lầm mình đã mắc phải”, bà Nhiệm tâm sự.

Ngoài sự tham gia tích cực của cộng đồng giáo dân, các đảng viên, người dân ưu tú tại xã Cồn Thoi cũng tham gia tích cực trong việc đăng ký, hiến tặng giác mạc. Bà Trần Thị Tám (60 tuổi, trú xóm 5, xã Cồn Thoi) - vợ ông Mai Quang Thiều cho biết: Ông Thiều là đảng viên có 30 năm tuổi Đảng. Vào tháng 12/2023, sau khi ông mất ở tuổi 62, Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận giác mạc của ông.

“Sau khi bị bệnh, phải nằm liệt giường, ông ấy đã chủ động gọi cho phía Hội Chữ thập đỏ để xin hiến giác mạc. Ông ấy nói, rất xót xa khi thấy những người bị bệnh về mắt, họ sống rất khổ sở và mong một ngày sẽ có giác mạc mới để nhìn thấy vạn vận, nhìn thấy người thân”, bà Tám bộc bạch.

Tại lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc diễn ra đầu năm 2024 tại Ninh Bình, chị Tô Thị Thắm (trú huyện Yên Khánh) đã ôm chầm lấy con gái của người đàn ông đã hiến giác mạc cho mình.

Theo chị Thắm, chị bị bệnh giác mạc khi 12 tuổi, gần như không nhìn thấy gì. Bị bệnh, chị buộc phải nghỉ học, co mình lại vì tự ti, hầu như cả năm chị không ra khỏi cổng nhà. Sau khi được ghép 2 giác mạc vào năm 2019 và 2020, ánh sáng đã trở lại, khiến chị vỡ òa trong sung sướng.

“Khi bác sĩ gỡ băng mắt, đập vào mắt là số hiệu giường của phòng bệnh, rõ nét, tôi vỡ òa. Tôi thậm chí không dám tin mình nhìn lại được sau từng ấy năm. Rồi đến năm 2020, tôi được ghép giác mạc mắt còn lại. Cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn...", chị Thắm chia sẻ.

Ông Trần Thanh Quang - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Cồn Thoi cho biết: Xã có trên 90% dân số là người Công giáo, tập trung tại 2 giáo xứ chính là Cồn Thoi và Hợp Thành. Từ khi phát động phong trào hiến giác mạc tới nay, toàn xã có 151 người hiến tặng, trong đó, có 2 đảng viên, 1 quần chúng nhân dân, còn lại đều là các giáo dân.

“Trong phong trào này, cán bộ Mặt trận cơ sở đã tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để vận động, tuyên truyền người dân về ý nghĩa của việc hiến tặng giác mạc. Nhờ đó, Cồn Thoi vinh dự là xã có nhiều ca hiến giác mạc nhất tại huyện Kim Sơn, trong đó, Giáo xứ Cồn Thoi là nơi đóng góp nhiều ca hiến nhất”, ông Quang nói.

Ông Mai Xuân Trường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn cho biết: Đến hết tháng 6/2024, toàn huyện có 12.188 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó, đa phần là các giáo dân. Đến nay, huyện đã có 433 người hiến giác mạc thành công, trở thành huyện dẫn đầu trong cả nước trong phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc.

Trong khi đó, ông Bùi Trọng Kỳ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết: Tới nay, toàn tỉnh có và hơn 15.000 người đăng ký hiến mô tạng (giác mạc là một phần trong mô tạng - PV), là địa phương có nhiều người hiến giác mạc nhất cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến nguồn sáng cho đời