Hiến tặng

Bắc Phong 29/10/2015 08:00

Sáng 27/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013. Bà Bộ trưởng cũng cho biết, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng xung phong hiến tạng. Việc thiếu tạng để thay cho người bị bệnh nguy nan đã diễn ra từ lâu. Nhưng người tự nguyện hiến tạng rất ít. Vì sao?

Hiến tặng

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM.

Nói về việc hiến tạng sau khi chết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thổ lộ: Tôi chẳng hề e sợ việc xung phong hiến tạng vì mình theo duy vật biện chứng. Gia đình tôi cũng rất ủng hộ. Việc này là hết sức cần thiết và người dân nên tham gia hành động rất có ý nghĩa này. Vì khi bệnh nhân chết não thì chắc chắn sẽ chết mà đem chôn hay thiêu thì đều trở về cát bụi. Với tạng được hiến sẽ có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống.

Theo bà Bộ trưởng, đúng là khi hiến tạng người nhà có thể buồn nhưng cần thấy rằng “lúc đó mắt người thân vẫn nhìn thấy mọi điều, tim vẫn đập và chính họ cũng sẽ vui khi có cảm giác người thân vẫn còn sống”. Thầy thuốc là cầu nối cũng sẽ hạnh phúc khi giúp được bệnh nhân. Và người hạnh phúc nhất chính là bệnh nhân được ghép tạng. “Kết quả có tới 4 người hạnh phúc”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Câu chuyện ghép tạng và thiếu tạng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn mang tính toàn cầu. Chính vì thế mới có những đường dây buôn bán tạng (kể cả máu) xuyên quốc gia. Do cuộc sống đòi hỏi, có cấm đi chăng nữa thì việc buôn bán tạng vẫn diễn ra. Nhưng, quan trọng hơn, vấn đề ở đây là không phải buôn bán tạng, mà là hiến tạng. Xét về phương diện “chơi chữ”, việc hiến tạng có thể hiểu là “hiến tặng”.

Theo một thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Nhưng nguồn tạng trông chờ để ghép là rất hiếm. Theo giới chuyên gia, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh.

Việc hiến tạng có thể là tự nguyện, mặt khác cũng phải theo pháp luật. Theo GS.TS Trần Ngọc Sinh- Chủ tịch Hội Niệu thận học TP HCM, quy định của Luật Hiến mô - tạng, việc xác định người “chết não” là sau 24 giờ được đơn vị điều phối và các bác sĩ chuyên môn thống nhất là não “không còn phục hồi”.

Nhưng để thuyết phục được gia đình đồng ý hiến tạng là rất khó khăn, cho dù trước đó người trong cuộc đã tự nguyện hiến tạng (có giấy tờ). Khi người nào đó mất đi, rất có thể thân nhân sẽ không đồng ý cho lấy tạng, dù là mục đích nhân đạo. Khi đó, cũng đành bó tay vì pháp luật không quy định.

Một lý do nữa khiến người ta không chủ động hiến tạng là vì quan niệm cũ đã in hằn. Đó là sự không toàn thây sau khi chết. Người ta không muốn sau khi chết bị lấy đi một bộ phận nào đó của cơ thể.

Đã thế, theo GS Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người- không ít người hy vọng người chết não vẫn có khả năng sống nên thường trì hoãn hoặc không đồng ý hiến tạng. Nhưng, thực tế trên thế giới chưa có trường hợp nào chết não mà tỉnh lại- theo GS Sơn.

Cũng cần biết rằng, chi phí một ca ghép tạng ở Việt Nam là từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, trong khi đó ở nước ngoài phải từ 4 đến 5 tỉ đồng. Nhưng lượng tạng để ghép là rất ít so với nhu cầu. Hiện cả nước có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng.

Quan niệm “toàn thây” không sai, không xấu nhưng về mặt duy vật biện chứng cũng đã đến lúc phải xem lại. Thế giới hiện vẫn tồn tại nhiều nghi thức đối với người đã mất, ví dụ như địa táng (chôn), thiên táng (treo quan tài lên cây, để quan tài trên mặt đất), thủy táng (đưa thi thể xuống sông, biển), hỏa táng (thiêu xác)... nhưng xét cho cùng, khi y học phát triển có thể ghép tạng để cứu sống hoặc kéo dài cuộc sống con người, thì việc hiến tạng là văn minh và rất nhân đạo.

Ở nước ta, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép tạng. Con số thống kê đến tháng 6/2014, cả nước mới có trên dưới 1.000 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tụy và hơn 1.400 ca ghép giác mạc. Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép tạng rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép; khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc... chưa kể đến hàng trăm người chờ ghép tim, phổi...

Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Cơ sở pháp lý đã có, nhưng vấn đề tâm lý mới thực sự quan trọng. Chính vì thế, thái độ của người đứng đầu ngành Y tế- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng như Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim tình nguyện hiến tạng sau khi mất chính là việc khơi thông tâm lý cho mọi người, với đích đến: Hãy làm điều gì có ích cho con người kể cả khi đã chết đi rồi. Mình chết đi nhưng vẫn đem lại cơ hội cứu sống biết bao người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến tặng