Năm 2022 nhiều chính sách hỗ trợ về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sẽ được triển khai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để người lao động yên tâm lao động, sản xuất cần có chiến lược phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới “công nghiệp - đô thị - dịch vụ”. Mô hình này sẽ giải quyết một cách đồng bộ ba hoạt động cơ bản của con người là sống, làm việc và nghỉ ngơi, giải trí.
Nhiều chính sách hỗ trợ vốn
Ngày 20/1/2022, Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2015/TT-NHNN chính thức có hiệu lực với nhiều điều chỉnh liên quan đến chính sách vay vốn để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xã hội. Theo đó, khách hàng được vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở với thời hạn theo thỏa thuận với ngân hàng, nhưng tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trước đây, tại Thông tư 25/2015/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ quy định thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm, không quy định thời hạn vay tối đa.
Về lãi suất cho vay, Thông tư 20 cũng làm rõ quy định, không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ, thay vì chỉ quy định không quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
Cùng thời điểm với Thông tư 20/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đồng thời ban hành Quyết định 1956/QĐ-NHNN, trong đó ấn định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà theo Thông tư 11/2013 là 4,8%/năm. Mức lãi suất này vẫn được giữ ổn định như năm 2021, nhưng giảm 0,2% so với năm 2019 và năm 2020. Theo Thông tư 11/2013, đối tượng được vay vốn từ các ngân hàng thương mại và hưởng mức lãi suất như trên là cán bộ, công chức, viên chức và người thu nhập thấp cần vay vốn để mua nhà ở xã hội; thuê, mua ở nhà thương mại diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở; khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỷ đồng…
Cùng với chính sách trợ vốn từ nhà nước, hiện nhiều địa phương cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đơn cử TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, 2022. Theo đó dự kiến vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 566.983 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là khoảng 239.748 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân là khoảng 289.542 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội tối thiểu là khoảng 37.693 tỷ đồng. Tương tự tại Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên…cũng đã ban hành các chính sách về hỗ trợ đất, vốn để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Đây là những tín hiệu tích cực giúp hiện thực hóa ước mơ an cư của người lao động.
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế
Đón nhận thông tin hỗ trợ về cơ chế, anh Nguyễn Ngọc Khuê, công nhân Thép Việt Đức, KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chia sẻ, đây sẽ là tin vui cho hàng triệu lao động bởi với mức thu nhập như hiện nay để sở hữu một căn hộ với công nhân là vô cùng khó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cùng với chính sách hỗ trợ để người lao động dễ dàng tiếp cận được với nhà giá rẻ cần bỏ điều khoản đặt cọc trước số tiền mấy trăm triệu đồng. Bởi khoản tiền này không phải người lao động nào cũng có khả năng tích góp được. Cùng với đó thay vì cơ chế trả góp thì trừ dần vào lương hàng tháng.
Hiện nay, để khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Tuy nhiên, nhiều DN bất động sản cho biết, các gói hỗ trợ mới giải quyết được một vấn đề là vốn, trong khi vấn đề quan trọng hơn là cơ chế pháp lý thì vẫn còn nhiều bất cập, gây cản trở đầu tư. Thực tế tại TPHCM dù đã quyết tâm và lên kế hoạch dành quỹ đất lớn cùng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư nhưng phản ánh từ các DN cho thấy, chưa thể triển khai nhà ở giá rẻ tại TPHCM bởi các rào cản như khó tiếp cận được quỹ đất sạch; thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công xây dựng rất lâu (từ 2 năm đến 4 năm); thủ tục phê duyệt dự án nhà ở diện tích nhỏ rất phức tạp.
Đánh giá việc triển khai xây nhà ở cho công nhân, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phải sớm xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động, có an cư mới không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi nhân lực như vừa qua. DN sẵn sàng làm việc này nhưng cần cơ chế, chính sách của nhà nước, các điều kiện ưu đãi để tạo dựng chỗ ở ổn định, tạo an tâm lâu dài cho người lao động.
Bàn về giải pháp tháo gỡ “nút thắt” xây nhà ở cho công nhân, PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, cần tập trung phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới “công nghiệp - đô thị - dịch vụ”, trong đó khu công nghiệp là chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ là chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển...). Mô hình khu công nghiệp thế hệ mới này sẽ giải quyết một cách đồng bộ ba hoạt động cơ bản của con người là sống, làm việc và nghỉ ngơi, giải trí.