Sau 2 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có nhiều điểm sáng. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã biết chớp thời cơ từ Hiệp định này bất chấp dịch Covid-19 hoành hành. Xuất khẩu các ngành hàng chủ lực ghi nhận những con số ấn tượng.
Nhiều ngành gặt hái “trái ngọt”
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tính đến thời điểm này, EVFTA đã được thực thi hơn 2 năm. Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song cộng đồng doanh nghiệp (DN) của cả Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định mang lại. Tận dụng tốt EVFTA, ngành thủy sản đã và đang ghi nhận những con số xuất khẩu khả quan trong 2 năm qua, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dù chưa có con số thống kê chính xác về kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sau 2 năm thực thi EVFTA, song ngành thủy sản vẫn hoàn toàn tự tin vào năng lực xuất khẩu sang thị trường EU, bởi các hoạt động của DN thủy sản thực sự có nhiều thuận lợi từ Hiệp định quan trọng này. Đơn cử với con tôm, số liệu thống kê cho biết, xuất khẩu sang EU 9 tháng tăng 40% đạt trên 570 triệu USD. Đáng chú ý, trong khối EU, top 3 thị trường gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng 58 - 91% nhập khẩu tôm Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay.
Với ngành hàng dệt may, “trái ngọt” của EVFTA đến với các DN may mặc dù không được như những ngành xuất khẩu khác, nhưng cũng có nhiều điểm sáng. Nếu như trong năm đầu tiên hiệp định EVFTA có hiệu lực, dưới tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU giảm, trong đó có dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) thì sang năm thứ 2 thực thi hiệp định này, xuất khẩu hàng dệt may sang EU đã tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, và tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định EVFTA cũng tăng cao hơn nhiều so với năm đầu thực thi (năm đầu tiên thực thi EVFTA, hàng dệt may sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt 15,17%).
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may sang Liên minh châu Âu trong 8 tháng đầu năm nay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực, tạo ra thị trường rộng mở, có tính toàn diện, đồng thời thúc đẩy ngành dệt may nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh tự động hoá, quản trị số… để đáp ứng quy tắc xuất xứ “hai công đoạn” hết sức chặt chẽ của Hiệp định.
Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 Thân Đức Việt cũng nhấn mạnh về những điểm lợi mà các DN dệt may nhận được từ EVFTA. “EVFTA đã có hiệu lực hai năm và tác động rất tích cực đến các DN có sản phẩm xuất khẩu như May 10. Hiệp định mở ra cơ hội lớn để May 10 tăng thêm những thị phần và những khách hàng mới” - ông Việt cho biết.
Với ngành nông sản xuất khẩu, bức tranh thực thi EVFTA cũng đậm gam màu sáng. Nhiều DN xuất khẩu nông sản cho hay, các nước EU đã tăng lượng mua hàng hóa của Việt Nam lên rất nhiều, điều này giúp mức độ phổ biến hàng hóa của DN Việt tại EU ngày càng cao, người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng Việt. Con số thống kê của Bộ Công Thương cho biết, hiện có khoảng 90% sản lượng nông sản như cà phê, tiêu của công ty xuất khẩu qua các đối tác thương mại như Hà Lan, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Đức… với sản lượng ngày càng tăng.
Tiếp tục tận dụng thời cơ
Nhận định về xuất khẩu hàng hóa từ EVFTA, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, EVFTA đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Trong 2 năm thực thi Hiệp định, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU. Thể hiện ở tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020-7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tăng trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA đã tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. “Đặc biệt, EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo, giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa...”, bà Trang nói.
Mới đây nhất, cập nhật số liệu khảo sát trong hai năm thực thi EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI tỏ vẻ khá lạc quan khi nêu rõ: Tỷ lệ các DN Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA rất khả quan, với gần 41% DN cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA. “Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất-nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận”, bà Thu Trang cho hay.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng chỉ ra một số hạn chế. Để tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của DN cho từng sản phẩm vào thị trường EU, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, sự chủ động trong nhận thức và hành động của DN là điều kiện cần và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ, để DN có thể hiện thực hóa các lợi ích từ EVFTA hay các FTA nói chung.
“Định vị thương hiệu và xúc tiến thương mại là điều các DN cần quan tâm trong thời điểm hiện nay. Các DN cần chủ động nắm bắt thông tin về cơ hội cắt giảm thuế quan đối với mỗi sản phẩm đặc trưng của DN mình. DN chủ động nắm bắt thông tin về thị trường EU với các xu hướng, thị hiếu cũng như cơ chế nhập khẩu hàng hóa, trong đó quan tâm đến các yêu cầu chất lượng tránh để hàng hóa bị trả về vì không đáp ứng tiêu chuẩn…”, bà Thu Trang nêu quan điểm.
Dù những kết quả đạt được từ EVFTA trong hai năm qua là khá ấn tượng, song theo phản ánh của nhiều DN, quá trình thực thi EVFTA cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế... gây nên những rào cản để DN có thể hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng từ Hiệp định. Nhất là trong bối cảnh nhiều chủng loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa sau đại dịch.
Trong khi EU lại là thị trường luôn có đòi hỏi cao về các quy chuẩn chất lượng, cũng như nhiều rào cản khắt khe về thương mại, chú trọng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động, môi trường và quy định truy xuất nguồn gốc… làm hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều ngành hàng và DN Việt Nam.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để thực thi có hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của chính các DN, rất cần sự đồng hành của nhà quản lý với những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN chớp thời cơ từ EVFTA.