Mở đầu từ buổi “hồng hoang”, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã theo bước đi của lịch sử mà biến đổi và phát triển. PGS.TS Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong một cuộc hội thảo vừa diễn ra, cho rằng một tín ngưỡng dân gian, phản ánh trung thực về bản sắc văn hóa dân tộc, đủ độ dẻo để tồn tại trước mọi sự va đập của xã hội.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm nảy sinh từ tư duy nông nghiệp.
Đã đến lúc chúng ta không thể nhìn tín ngưỡng này chỉ dưới góc độc “Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ vạn linh”, bởi đó chỉ là một phần của tục thờ Mẫu. Nhiều người thường cho rằng, tục thờ Mẫu khởi sinh từ thời nguyên thủy, trước khi người Việt tiếp cận với nền kinh tế trồng trọt. Tín ngưỡng thờ Mẫu theo dòng chảy của lịch sử mà thích ứng/thay đổi một cách mềm dẻo với mọi biến động xã hội trên con đường phát triển, để tồn tại tới tận ngày nay. Đây là một tín ngưỡng dân gian, có đủ năng lực để làm đối trọng với tất cả các tôn giáo du nhập từ bên ngoài, nhằm góp phần bảo tồn một cách tích cực bản sắc văn hóa dân tộc. Song, nhiều người với tư duy “ăn xổi” chỉ đặt vấn đề vào phần nổi của nó trong thực tại. Tuy có chú ý tới các Bà Đông Cuông, Âu Cơ, Man Nương, Tứ Pháp, Tiên Dung, Tây Sa, Tứ Phủ, Liễu Hạnh..., nhưng chưa đặt các Thánh Mẫu này vào trong một hệ thống thuộc bước đi chung của tục thờ, nhìn các Bà Mẹ thiêng liêng (trước hệ Mẫu Tứ phủ) như chỉ là những điểm sáng tín ngưỡng lóe lên trên con đường phát triển chung của dân tộc.
Chúng tôi muốn mở cuộc hành hương từ các bước khởi đầu, có nghĩa tìm về cội nguồn ở thời nguyên thủy (chỉ trên địa bàn đất Việt hiện nay). Thuở ấy, người Việt chưa ra khỏi rừng, chủ yếu họ ở thượng nguồn sông Hồng. Trong không gian của buổi hồng hoang, họ còn chìm trong nền kinh tế nguyên thủy chủ yếu với việc hái lượm và săn bắt/bắn (sự phân công lao động cơ bản là nữ hái lượm, nam săn bắt). Đương nhiên, vai trò của nữ là chính yếu vì đảm bảo cho cuộc sống thường nhật, cộng với các điều kiện tương ứng khác, thì yếu tố nữ (âm) tất chiếm thế “thượng phong”. Trong khi đó, việc săn bắt của nam giới lúc được lúc không, kém chắc chắn, vì thế vai trò của họ khó có thể là chính yếu trong gia đình nguyên thủy.
Mặt khác, lúc đó người Việt còn sống rất gần gũi với tự nhiên, và bằng tư duy liên tưởng mênh mông ngang tầm trời đất, họ đã chìm vào thời gian chiêm bao, đó là một điều kiện để họ sáng tạo ra một đấng thần linh gần gũi với cuộc sống thường nhật, đó là vị thần thiêng liêng, như đứng đầu các thần của đương thời, là một bà mẹ thế gian, tạo ra muôn loài.
Theo nhiều người già ở địa phương liên quan, nơi đất thiêng thờ Bà dần dần được hội vào Đông Cuông ở Yên Bái. Năm 1988, tôi được theo GS Trần Quốc Vượng đến vùng đất này để tìm về cội nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu. Khi những nhà công đức đi cùng đang lúi húi thắp hương trước đống gạch đổ nát hoang tàn, thì giáo sư Vượng đã đi khảo sát khảo cổ học quanh khu vực đó. Ông đã như bắt gặp được dấu tích của nền văn hóa đồ đá Sơn Vi.
Còn tôi quan sát về cảnh quan của khu đền. Đây là một thung nhỏ nằm giữa những ngọn núi lô xô như những cung bậc của một bản trường ca vũ trụ, kể về những bước đầu của cuộc khai thiên lập địa. Ở nơi ấy, có con sông Hồng chảy qua giữa thung lũng, với những huyền tích vi diệu trôi theo dòng lịch sử... Bên kia sông là đền Ông và một số đền khác, như muốn tạo nên một thế cân bằng trong tâm tưởng của những người thời sau. Một nén tâm hương xin gửi tới kiếp đời đã qua, và, gửi tới những người con của bà mẹ khởi nguyên này một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Rằng, có mối quan hệ gì không giữa dấu tích của văn hóa Sơn Vi với bà mẹ Rừng này?
Suy cho cùng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là sản phẩm nảy sinh từ tư duy nông nghiệp trong quá trình khai phá vùng châu thổ thấp. Tuy có Tứ phủ Thánh Mẫu, nhưng thông thường người Việt đưa lên Thánh điện chỉ có Tam tòa. Tạm thời, chúng tôi cho rằng: Người Việt đã phân các Thánh Mẫu thành hai hệ liên quan tới sự sống và chết. Với nông nghiệp thì sinh khí từ Trời cùng Đất và Nước là nguồn cơ bản tạo nên sự sống ở thế gian này, vì thế, ba Thánh Mẫu liên quan được gọi là Tam tòa và đặt ở vị trí thâm nghiêm nhất, gần sát tường hậu trong hậu cung, làm nền tảng cho mọi thần linh liên quan khác...
Tóm lại, thông qua những kết quả có được của công việc nghiên cứu, chúng tôi ngờ rằng tục thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt đã có 2 giai đoạn Buổi đầu chỉ thờ Tứ phủ Thánh Mẫu cùng các tôn ông tương ứng. Giai đoạn thứ hai gắn với sự phát triển của nền kinh tế thương mại (coi như khởi đầu ở cuối thế kỷ XV và nhất là ở thế kỷ XVI - thời Mạc). Có thể giai đoạn này đã xuất hiện bà Mẹ Xứ Sở thứ ba trên con đường tiến ra miền duyên hải của người Việt với đỉnh văn hóa là vùng đất từ Khoái Châu về Hưng Yên... Đó là bà Tiên Dung, đại diện cho tầng lớp trên và các bộ tộc nông nghiệp. Có lẽ lúc đó (thế kỷ XV - XVI), rừng trong cơ cấu của một làng cổ truyền vẫn còn nhiều, nên sau đó còn có bà Tây Sa, để cả hai Bà cùng kết duyên với Chử Đồng Tử (đại diện cho tộc người chài lưới).
Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu đã mang đậm yếu tố dân gian là lòng tin vô bờ bến của các tín đồ, là một đối trọng cơ bản với các tôn giáo du nhập từ bên ngoài, nó đủ độ mềm dẻo để thích ứng với mọi hoàn cảnh biến đổi và phát triển của lịch sử xã hội, nó tồn tại bởi đã thấm sâu vào lòng người.