Hiểu lầm giữa thẩm định và kiểm định chất lượng đại học?

Bảo Thoa 05/12/2017 09:45

Mới đây, sau khi Bộ GD&ĐT công bố thông tin về tình trạng các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trong nước tham gia thẩm định và xác định các điều kiện đảm bảo chất lượng, các Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phản ứng về nội dung Báo cáo của Bộ GD&ĐT về việc 2 trường này “không hợp tác”.

Những tranh luận cũng đặt ra băn khoăn, liệu đây có phải là sự nhầm lẫn, hiểu lầm giữa thẩm định và kiểm định hay không?

Chất lượng đào tạo luôn là vấn đề cần phải được quan tâm.

Băn khoăn đơn vị kiểm định

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đến ngày 30-6-2017 đã có 208 cơ sở giáo dục ĐH được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017; 24 cơ sở giáo dục ĐH khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15/4/2017 nên được miễn thẩm định.

Cá biệt có 2 cơ sở giáo dục ĐH không hợp tác để thực hiện thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đó là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Bộ GD&ĐT cũng cho hay 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Quốc gia TP HCM đã tiến hành công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước.

Trước đó, từ ngày 27/3/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về việc triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH năm 2017.

Đến ngày 30/6/2017, công tác thẩm định và xác nhận đã hoàn thành theo đúng kế hoạch. Kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục đại học sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo.

Tuy nhiên, trước kết quả thẩm định chất lượng ĐH nói trên, 2 trường ĐH có tên trong danh sách “không hợp tác” đã phản ứng.

GS Đinh Văn Tiến- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định, không hề có chuyện trường từ chối hay “không hợp tác” để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Theo ông Tiến, nhà trường tiến hành thẩm định chất lượng qua 2 bước theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trước tiên là thẩm định trong nội bộ, sau đó sẽ tiến hành mời thẩm định từ các cơ quan bên ngoài.

Dự kiến tháng 3-2018 sẽ xong, trường sẽ mời Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội thẩm định, thậm chí có thể mời thêm các tổ chức nước ngoài nữa.

Lý giải tại sao trường không chọn đơn vị kiểm định theo sắp xếp của Bộ GD&ĐT, ông Tiến cho hay: Bộ chỉ định Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Đà Nẵng kiểm định, nhưng theo quy định thì trường có quyền lựa chọn một đơn vị uy tín và trường đã chọn Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội để công việc thuận lợi hơn.

Trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội là trung tâm lớn, có uy tín và cách đây 10 năm cũng từng thẩm định trường.

Còn đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của Bộ là tước quyền tự chủ của trường.

Hiện nhà trường đang thực hiện kiểm định bởi HCERES - một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu và kiểm định AUN-QA, nên sẽ không thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Thẩm định chỉ để phục vụ yêu cầu tuyển sinh

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH có quyền tự do lựa chọn các đối tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng là bắt buộc để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Trước những ồn ào xung quanh câu chuyện thẩm định chất lượng vừa công bố, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời về thông tin Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng “không hợp tác” để thực hiện công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017.

Bộ GD&ĐT khẳng định 2 trường ĐH nói trên đã không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Dẫu thế, trước phản ứng của 2 cơ sở ĐH nói trên, dư luận cũng không khỏi băn khoăn.

Bởi trên thực tế lâu nay vẫn xảy ra những hoạt động chồng chéo. Đơn cử như phản ánh của ĐH Tôn Đức Thắng về việc chỉ trong vòng 1, 2 tuần có các đơn vị gồm Thanh tra Bộ và Trung tâm Kiểm định vào trường làm việc về cùng một vấn đề liên quan đến thẩm định chất lượng giáo dục.

Hay cũng vẫn còn đó những băn khoăn về việc các trường ĐH được chỉ định hay được lựa chọn đơn vị thẩm định chất lượng giáo dục?

Trong khi TS Lê Mỹ Phong- phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Bộ không chỉ định Trung tâm Kiểm định chất lượng- ĐH Đà Nẵng kiểm định Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà chỉ phân công Trung tâm này thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng…

Những băn khoăn ấy cũng cần được làm rõ hơn, để hoạt động đánh giá chất lượng của các trường thực sự đạt hiệu quả.

Còn một vấn đề quan trọng nữa là nếu phân biệt rạch ròi giữa các khái niệm thẩm định và kiểm định như cách lý giải hiện nay thì có thể hiểu: Thẩm định (bắt buộc) chỉ để phục vụ nhu cầu tuyển sinh hàng năm (trước mắt), còn Kiểm định (tự nguyện) là một quá trình đánh giá ngoài, nhằm khẳng định thương hiệu của trường.

Nếu như thẩm định như hiện nay, chỉ để kiểm tra phục vụ nhu cầu tuyển sinh của các trường thôi, e là chưa đủ.

Điều then chốt là thẩm định cũng nên bao gồm cả việc kiểm tra sản phẩm đầu ra là sinh viên ra trường có đảm bảo được chất lượng đào tạo hay không; tỉ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường thế nào…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu lầm giữa thẩm định và kiểm định chất lượng đại học?