Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối hợp với lực lượng công an tích cực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”.
Sự ra đời của mô hình này như “cánh tay nối dài” của các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhằm báo động kịp thời, sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động người dân tham gia khi có cháy nổ.
Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy được thành lập bởi 5-15 hộ dân liền kề nhau, bao gồm hộ sinh sống và hộ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh. Mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và một dụng cụ phá dỡ như: xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...
Đồng thời lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng 1, lắp đặt 2 nút ấn báo cháy với một nút ấn trong nhà và một nút ấn ngoài nhà. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào, toàn bộ chuông đều kêu. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong các hộ gia đình đều được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng điện thoại “báo cháy 114” để thông báo khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; đồng thời được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các dụng cụ phòng cháy chữa cháy...
Tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), mô hình được thí điểm tại 5 hộ kinh doanh sơn, hóa chất thuộc Tổ dân phố số 4 phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai. Bên cạnh việc hướng dẫn sử dụng các công cụ phòng cháy chữa cháy, lực lượng chức năng đã diễn tập phương án chữa cháy cho người dân trong khu vực. Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, khi được chính quyền địa phương vận động tham gia “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, gia đình ông Nguyễn Văn Đạt lập tức đồng ý.
Ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Đây là mô hình hiệu quả, thiết thực đối với những khu vực có diện tích nhỏ, nhiều ngõ sâu, đông dân cư và có hoạt động buôn bán sầm uất như Hàng Hòm. Bên cạnh việc nhân rộng mô hình, chúng tôi mong muốn thường xuyên được tập huấn, diễn tập về công tác phòng cháy, chữa cháy để nâng cao kỹ năng cho bà con”.
Mới đây, khi UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cũng tổ chức lễ ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, người dân rất phấn khởi. Lợi ích thấy rõ của mô hình này là tất cả các hộ dân trong phường đều được chính quyền tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, từ đó nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ngọc Lâm cho biết, từ chỗ trước đây chẳng mấy ai quan tâm đến việc mua sắm, trang bị cho gia đình mình các dụng cụ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy thì nay gia đình nào cũng bảo nhau phải mua bình chữa cháy đặt ở tất cả các tầng nhà. Người được hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn lại hướng dẫn lại cho các thành viên trong gia đình, hàng xóm…
Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn mà người dân ý thức rõ những thiết bị, đồ dùng nào là vật dễ gây cháy, nổ và cách sử dụng sao cho an toàn; khi xảy ra cháy nổ thì cách xử lý ra sao; công tác cứu hộ cần phải thực hiện tuần tự các bước như thế nào…
Cũng qua tuyên truyền, các hộ dân không còn tình trạng gia cố, cải tạo ban công, sân nhà theo kiểu “chuồng cọp”; nhiều hộ còn chủ động dỡ bỏ bớt các vật cản để phòng ngừa khi có cháy, nổ xảy ra sẽ dễ dàng thoát nạn, cứu nạn.
Còn tại huyện Thường Tín là nơi có khu đô thị kiểu mới nằm xen các làng nghề nên các gia đình thường xây dựng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao.
Ông Lê Tuấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín cho biết, trước thực tế đó, huyện đã thành lập 95 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và 145 điểm chữa cháy công cộng, qua đó phát huy tính linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các gia đình, với phương châm phòng ngừa là chính; đồng thời, lắp đặt hệ thống camera quanh các khu vực điểm chữa cháy công cộng để hạn chế trộm cắp và cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Sắp tới, Công an huyện Thường Tín sẽ tiếp tục tham mưu cho các địa phương huy động đông đảo hơn nữa nhân dân tham gia vào Tổ liên gia và lắp đặt được nhiều điểm chữa cháy công cộng. Bên cạnh việc vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, huyện cũng có phương án huy động xã hội hóa, hỗ trợ đối với những hộ gia đình khó khăn để 100% hộ dân được trang bị bình chữa cháy, đáp ứng cao nhất yêu cầu “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy.
Việc thành lập các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy đã giúp các địa phương xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Có thể thấy, đây là một mô hình thiết thực, cần tiếp tục nhân rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.