Giàng A Tu, 39 tuổi, ở Bản Hồ, Sa Pa cho biết kể từ khi đưa thông tin homestay lên các trang đặt phòng nghỉ, gia đình anh có thêm những vị khách nước ngoài đặt phòng từ khi họ còn chưa đặt chân đến Việt Nam.
Ann Sullivan, du khách đến từ Australia, nói đây là lần đầu tiên cô đến Việt Nam, đã tới TPHCM và Hà Nội. Cô gái 27 tuổi nói luôn tìm kiếm nơi nghỉ địa phương theo phương châm “gần gũi với đời sống người bản địa nhất”.
Và Ann đã vào các trang đặt phòng qua mạng rồi quyết định đặt homestay nhà A Tu thay vì các khách sạn tiêu chuẩn ở thị xã Sa Pa, cho dù Bản Hồ cách trung tâm thị xã 30 km. Ngay tại Bản Hồ cũng có nhiều khách sạn, homestay theo phong cách châu Âu, trang thiết bị hiện đại. “Nhưng tôi chọn nhà A Tu để được trải nghiệm đời sống của người Mông bản địa”, Ann nói. Cô cho biết đã đặt phòng nghỉ nhà A Tu từ lúc còn chưa đặt chân đến Việt Nam.
Tiếp thị du lịch qua mạng đang được xem là chuyện thời sự “xu hướng” ở Sa Pa nói riêng và du lịch Lào Cai nói chung.
Theo Sở Du lịch Lào Cai, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các ngành kinh tế, các cơ quan chuyên ngành tỉnh này đã có những bước đi nhằm chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với mục đích nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, tạo thuận lời cho du khách tiếp cận, lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch theo nhu cầu.
Một trong những bước đi đó là xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có để doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm.
Để cụ thể hóa việc này, tỉnh Lào Cai phối hợp với một số tập đoàn, công ty công nghệ, viễn thông xây dựng “hệ sinh thái” du lịch thông minh. Bước đầu, hệ sinh thái này bao gồm cổng thông tin du lịch thông minh; kho ứng dụng du lịch (app) và phần mềm quản lý lưu trú. Ba sản phầm này hình thành nền tảng bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của ngành du lịch Lào Cai.
Hiện tại, trên Cổng thông tin du lịch Lào Cai và app Du lịch Lào Cai trên điện thoại thông minh, người truy cập có thể tham khảo thông tin về du lịch Lào Cai, truy cập bản đồ số du lịch để tra cứu cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành và đặt tour… Cổng thông tin du lịch cũng tích hợp tính năng chuyển đổi ngôn ngữ tự động để khách du lịch nước ngoài truy cập và khai thác thông tin.
Người truy cập có thể tham khảo trực quan thông tin một số tour, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn thông qua hình ảnh 3D, ảnh 360 độ trực tiếp trên cổng trước khi lựa chọn tour... Khách du lịch có thể tự đặt phòng, đặt vé, đặt dịch vụ ăn uống, đi lại… tự thanh toán, check-in và check-out thông qua nền tảng công nghệ. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Cổng du lịch thông minh thu hút khoảng 5.000 lượt cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Bên cạnh việc đầu tư nguồn ngân sách cho chuyển đổi số của ngành du lịch, tỉnh Lào Cai huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn triển khai marketing số, phát triển sản phẩm du lịch mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử.
Đến thời điểm hiện tại, Lào Cai là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về thu hút đầu tư, lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động du lịch. Năm 2023, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt trên 7 triệu lượt, tăng 56,4% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 22.244 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (14.940 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, mục tiêu chuyển đổi số của du lịch Lào Cai đến năm 2025 là tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh du lịch) ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh; tiếp cận và tham gia các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch có thể gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế.