Thời gian qua, nhiều chính sách liên quan đến việc giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được thực hiện khá hiệu quả, từ đó giúp hàng trăm nghìn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hơn 20 năm trước, ông Y Ni Ê Ban - bản Sút M’Dang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) được Nhà nước cấp hơn 1ha đất, trong đó có hơn 400m là đất ở, còn lại là đất sản xuất nông nghiệp. Có được tài sản trong tay, ông Y Ni Ê Ban đã tận dụng để vay vốn ngân hàng đầu tư trồng cà phê và mở rộng quy mô trồng thêm sầu riêng. Nhờ lao động cần cù cùng với nguồn vốn vay đầu tư để phát triển kinh tế, đến nay gia đình ông đã có một cơ ngơi khang trang và cuộc sống no đủ.
Ông Y Ni Ê Ban cho biết, để có cuộc sống như ngày hôm nay, bản thân ông phải học hỏi khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng ở nhiều địa phương khác nhau kết hợp với vay vốn ngân hàng. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 3 tấn cà phê. Ngoài ra còn có thêm nguồn thu nhập từ nhiều loại cây trồng khác.
Để giảm nghèo bền vững phải đảm bảo nguồn sinh kế ổn định, đặc biệt là các diện tích đất có thể canh tác, sản xuất. Luật Đất đai năm 2024 mới đây cũng đã quy định cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS thiếu đất, không có đất. Việc này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Đặng Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, khi đất đai được cấp, người dân dùng tài sản đó để tăng gia sản xuất hoặc vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, khi thực hiện việc này, chính quyền cơ sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền để bà con có ý thức hơn trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai để đảm bảo quyền lợi của mình.
Còn tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), hơn 140 tỷ đồng vốn sự nghiệp của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong 2 năm 2022, 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024 đã được tập trung giải ngân kịp thời. Với những hộ gia đình đồng bào DTTS và miền núi thiếu đất ở, đất sản xuất cũng được địa phương rà soát, tìm giải pháp thích hợp. Nhiều hộ đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện còn được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. Những con gà giống, lợn giống, bò giống đã được các cấp có thẩm quyền trao đến tận tay hộ nghèo. Bên cạnh đó, huyện Ba Tơ cũng nhận diện được một số điểm nghẽn của các dự án, tiểu dự án chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Từ đó, huyện đã chủ động đề xuất, chỉ đạo tháo gỡ tận cơ sở.
Theo ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2029 tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách cho đồng bào DTTS, nhất là việc giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giảm dần số xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đồng bào DTTS.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, giải quyết những nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS nói riêng và vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, như tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do… Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để đồng bào DTTS và miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững.