Cầu Phong Châu sau hơn 5 tháng đã bắt đầu thành hình sắp nối liền hai bờ huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao (Phú Thọ), dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025
Theo phương án được phê duyệt, dự án cầu Phong Châu mới - quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ được đầu tư theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp với tổng chiều dài gần 653m.
Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với bề rộng cầu 20,5m phù hợp với bề rộng nền đường, tổng mức đầu tư dự án hơn 635 tỷ đồng sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho hay, cầu Phong Châu được phát lệnh khởi công ngày 22/12/2024 nhưng thực tế đầu tháng 2/2025 mới bắt đầu thi công sau khi hoàn thiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh kể, thời điểm thi công cọc khoan nhồi ở hai trụ chính (22 cọc/trụ) của cầu mới nằm ở nơi "hiểm địa", địa hình lòng sông phức tạp, thắt hẹp nên lưu tốc dòng chảy lớn, dễ gây xói lở. Việc neo giữ hệ nổi trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn.
"Địa chất khu vực cũng khá phức tạp, thay vì có lớp bồi lắng, đá phong hóa, càng xuống sâu đá càng cứng, ở khu vực thi công cầu Phong Châu, lớp phủ mỏng, khoan qua đá lại là bùn, qua bùn mới đến đá. Chưa kể, lòng sông lại cong thúc vào bờ phía Tam Nông, đòi hỏi biện pháp thi công phải được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng.
Đặc biệt, trước thách thức của địa chất, cọc khoan nhồi đưa đến công trường có chiều dài trung bình 55 - 60m, đường kính 2m. Việc thi công cực khó. Nếu sự cố xảy ra thời gian xử lý có thể mất đến 2 tháng. Sau những quyết định "cân não" đơn vị dùng ống vách để ổn định thành cọc, những người có kinh nghiệm để đánh giá, nhận diện rủi ro, kiểm soát thi công từng cọc một để đưa ra giải pháp phù hợp", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Chạy đua tiến độ
Để đẩy nhanh tiến độ, các lãnh đạo cùng kỹ sư của dự án cầu Phong Châu đã vận dụng các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật (trong phạm vi cho phép), để tháo gỡ từng "nút thắt".
Cụ thể: Thông thường, thời gian thi công khối K0 mất đến 35 ngày, thực tế ở dự án chỉ mất 22 ngày; Mỗi đốt đúc hẫng cân bằng thay vì cần 7 ngày, nhà thầu đã tính toán chỉ tốn 5 - 5,5 ngày; Hạng mục cọc khoan nhồi vốn được xác định hoàn thành đúng kế hoạch đã khó, thực tế vượt tiến độ gần nửa tháng. Mỗi hạng mục tiết kiệm một chút thời gian, tổng thời gian thi công cầu thực tế chỉ mất chưa đến 1 năm thay vì 1,5 - 2 năm như nhiều công trình tương tự.
"Với kết quả đạt được, thời gian hợp long cầu dự kiến diễn ra trước 9/9 thay vì 5/11. Chưa đầy 1 năm triển khai, hai bờ đã được nối thông và phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 10/2025, rút ngắn tiến độ 8 tháng. Kết quả ấy không chỉ phản ánh sự quyết tâm của nhà thầu trong thực hiện một công trình cấp bách được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng giao phó mà còn là sự sẻ chia, nỗ lực hàn gắn vết thương đối với chính quyền, người dân địa phương, đặc biệt là các gia đình có người thân không may thiệt mạng sau sự cố sập cầu Phong Châu cũ ở thời điểm 1 năm về trước", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói.
Bà Nguyễn Mai (54 tuổi, trú tại khu 4, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi khi cầu Phong Châu mới đã bắt đầu thành hình, trong năm nay người dân có thể thuận tiện việc di chuyển giữa các huyện với nhau".