Treo cổ, ném đá tới chết, tiêm thuốc độc... là những hình thức tử hình còn được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới hiện nay.
Theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, ít nhất 1.634 tù nhân đã bị hành quyết tại 25 quốc gia vào năm 2015. Đây có con số cao nhất trong vòng 25 năm qua, kể từ 1989. Hầu hết vụ xử tử đều được thi hành ở các nước như Trung Quốc, Iran, Pakistan, Arab Saudi. Mỹ hiện là quốc gia duy nhất ở phương Tây còn thực hiện án tử hình. Ảnh: Getty.
Treo cổ là phương pháp phổ biến nhất được thực hiện ở các nước như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Iran... Năm 2013, trong khi hầu hết quốc gia ra sức bỏ hình thức này, thì Iran vẫn cương quyết treo cổ 369 phạm nhân. Những tội có thể dẫn đến tử hình như: giết người, hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, kê gian, buôn bán ma tuý, khủng bố, phản quốc... Ảnh: Aljazeera America.
Quốc đảo Singapore thi hành án tử bằng cách treo cổ phạm nhân tại nhà tù Changi vào rạng sáng ngày thứ sáu. Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định án tử hình chỉ được thi hành bằng biện pháp treo cổ. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, 85% người dân nước này ủng hộ việc bảo lưu hình phạt tử hình, dù bị Liên Hợp Quốc lên án mạnh. Ảnh: Getty.
Xử bắn được áp dụng từ thời chiến. Đến nay, nó vẫn được sử dụng tại nhiều quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Triều Tiên, Yemen. Những người hành quyết sẽ dàn hàng, bắn cùng lúc vào ngực tử tù. Nếu tù nhân chưa chết, chỉ huy sẽ bắn phát đạn cuối cùng vào đầu tù nhân. Tử tù thường được bịt mắt hoặc đội mũ trùm đầu. Tháng 7/2016, Indonesia xử bắn 4 tội phạm buôn bán ma tuý, trong đó bao gồm 2 người nước ngoài. Ảnh: Raw Story.
Arab Saudi hiện là nước duy nhất trên thế giới áp dụng bản án chặt đầu. Phạm nhân và người thi hành án đều mặc đồ trắng. Arab công khai quá trình hành quyết này tại các nơi công cộng như quảng trường, hoặc nơi đông người gần nhà tù. Trong những năm gần đây, nước này gia tăng việc chặt đầu nạn nhân. Đến tháng 5/2015, tổng số phạm nhân bị xử tử theo hình thức này tại riêng Arab là 78 người. Ảnh: Executed today.
Dù trong thời hiện đại nhưng nhiều quốc gia vẫn còn thi hành hình thức tử hình bằng cách ném đá như thời Trung cổ. Đây là hình phạt dã man gây nhiều tranh cãi và được coi là xâm phạm quyền con người. Luật pháp của nhiều nước đạo hồi như Iran, Pakistan, Afghanistan công nhận ném đá là hình thức tử hình hợp pháp. Ảnh: Fox News.
Tháng 8/2014, một thai phụ Pakistan bị ném đá đến chết vì tự ý kết hôn. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra ngay gần tòa án trung tâm thành phố Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab (Pakistan) mà không có bất kì ai cứu giúp hay can thiệp. “Tôi giết chính con gái mình vì nó đã xúc phạm đến danh dự gia đình, tôi không hối tiếc về điều đó”, cha của nạn nhân (trong ảnh) khẳng định. Ảnh: CBC.
Tại Mỹ, tiêm thuốc độc là hình thức tử hình nhân đạo nhất và chủ yếu. Tử tù sẽ được tiêm một liều thuốc độc tổng hợp, thường gồm 3 loại: gây mê, tê liệt cơ bắp và dây thần kinh, làm tim ngừng đập. Đầu tiên được áp dụng tại Mỹ, tiêm thuốc độc dần trở thành phương pháp thi hành án tử ở Trung Quốc, Thái Lan, Guatemala và Việt Nam. Ảnh: Blider Box.
Ghế điện trở thành biểu tượng cho hình phạt tử hình ở Mỹ. Người bị kết án được buộc vào chiếc ghế gỗ đặc biệt. Dòng điện xoay chiều đi qua cơ thể phạm nhân gây tổn thương, tử vong các cơ quan nội tạng, trong đó có não. Tù nhân phải chịu 2 cú sốc lớn. Cú sốc đầu tiên gây bất tỉnh, chết não. Cú thứ 2 tác động mạnh đến các cơ quan nội tạng. Ngày nay, một số tiểu bang ở Mỹ vẫn áp dụng hình thức này theo yêu cầu của nạn nhân. Ảnh: Redletterchristian s.
Phòng hơi ngạt là thiết bị tử hình, bao gồm buồng kín trong đó khí độc hoặc khí ngạt được bơm vào. Các khí độc thường được sử dụng nhất là hydrogen cyanide; carbon dioxide và carbon monoxide. Phòng hơi ngạt được sử dụng như một phương pháp tử hình cho các tù nhân bị kết án ở Hoa Kỳ bắt đầu vào những năm 1920. Ảnh: Gephardt Daily .
Nếu muốn ra lệnh ân xá hoặc hoãn hành quyết, thống đốc bang phải ra lệnh kịp thời, trước khi khí độc tỏa ra khắp phòng. Đôi khi, chỉ cần chậm vài giây, họ có thể cướp đi tính mạng của phạm nhân. Ảnh: Dp-stuff.