Câu chuyện nữ sinh lớp 11 khoe hình xăm trên mạng đang gây sự chú ý của nhiều phụ huynh và học sinh.
Có thông tin cho rằng em này đã bị nhà trường xử lý buộc thôi học, rồi phải chuyển trường…Nhưng ngày 13/5, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã báo cáo Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai về vụ việc báo chí phản ánh một học sinh của trường vi phạm nội quy và cho rằng nhà trường đã buộc thôi học với học sinh này.
Cụ thể, trong báo cáo gửi Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai, nhà trường có nhận được phản ánh một học sinh xăm hình (tên), do đó đã mời học sinh lên làm việc. Học sinh sau khi viết giải trình đã xin rút hồ sơ đi học nơi khác để không làm ảnh hưởng đến nhà trường. Tuy nhiên, thời điểm này nhà trường chưa đưa ra bất cứ hình thức xử lý nào. Khi học sinh xin rút hồ sơ, nhà trường yêu cầu học sinh phải có xác nhận của phụ huynh học sinh mới được chấp nhận.
Tuổi trẻ vốn nông nổi và muốn được tự khẳng định mình. Trong bản tưởng trình, nữ sinh lớp 11 cũng đã trình bày: Do em suy nghĩ bồng bột, nghe theo bạn bè rủ rê nên em đã “khắc tên” của em lên người vào năm 2019. Em hối hận về việc này và em mong nhà trường xem xét cho em rút hồ sơ để không làm ảnh hưởng danh tiếng của trường.
Nếu là phụ huynh, các vị sẽ xử xự ra sao trong trường hợp này? Tôi đã về hỏi cô con gái đang học THPT của mình: Con có thích xăm hình không? Nghĩ một lúc rồi bạn ấy trả lời: Con có, nhưng hình xăm nhỏ thôi, ở nơi cổ tay, hoặc phía sau gáy. Tất nhiên là không nên khoe khoang hoặc để lộ, chỉ cần mấy đứa bạn thân biết là đủ. Đám bạn con cũng thích xăm lắm, nhưng chưa đứa nào dám…
Ra là thế, có nghĩa hình xăm cũng là một trò vui đầy hấp dẫn với tụi trẻ mới lớn. Tôi còn nhớ, cách đây chừng 10 năm đi dự đám cưới con một chị đồng nghiệp cùng cơ quan. Hôm ấy cô dâu mặc váy cưới vai trần, để lộ ra một hình xăm con chim yến nhỏ. Mọi người thì thào hỏi nhau: Sao bảo cháu ngoan hiền lắm mà lại xăm mình ư? Một đồng nghiệp khác giải thích: Cô này xăm hình từ lâu lắm rồi, nhưng luôn mặc áo cao cổ, che kín nên không ai biết đấy thôi. Nhiều người cùng bàn ra tán vào, nhưng tựu chung lại số đông đều thống nhất rằng, việc người trẻ xăm hình không quá lộ liễu, phô trương, hoặc thể hiện cá tính của họ thì có thể chấp nhận được.
Đứng ở góc độ nội quy, quy định của nhà trường nói riêng, của ngành giáo dục nói chung, việc phạm quy là điều đáng chê trách. Nhưng cũng cần xem xét trong tương quan với ý thức, với lực học của những học sinh thuộc diện này. Cụ thể là nữ học sinh xăm mình nói trên. Nếu phụ huynh và học sinh đều có thái độ cầu thị, sửa sai nghiêm túc cũng không nên quá cứng nhắc trong cách xử lý, kỷ luật học sinh. Việc xử lý quá cứng nhắc, không phải lúc nào cũng cho kết quả như mong muốn. Nhất là với các em đang độ tuổi thay đổi về cả tâm sinh lý.
Hơn nữa hình thức xử lý học sinh cấp THCS, THPT cũng đã được điều chỉnh tại Điều lệ trường THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/11/2020. Cụ thể, từ 1/11/2020, học sinh vi phạm sẽ chỉ bị xử lý kỷ luật bằng 3 hình thức tùy theo mức độ: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.