Sức khỏe

Ho gà gia tăng do khoảng trống miễn dịch

An Thái 13/06/2024 09:31

Ghi nhận ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy, bệnh ho gà đang có xu hướng gia tăng.

bai-chinh(1).jpg
Điều trị cho bệnh nhi mắc ho gà. Ảnh: Thanh Bình.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 trường hợp mắc ho gà, tăng 2 ca mắc so với tuần trước đó. Các ca mắc ho gà phân bố tại 11 quận, huyện; các địa bàn có số ca mắc cao như: Hoài Đức (4 ca); Hoàng Mai (3 ca); Thạch Thất (2 ca), Thanh Trì (2 ca)...

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, các ca bệnh ho gà hiện được ghi nhận rải rác, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine có thành phần ho gà. Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, không có miễn dịch đầy đủ thì dễ tạo ra những khoảng trống miễn dịch, từ đó có thể trở thành những ổ dịch trong cộng đồng.

Ở khu vực phía Nam, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, dại... cũng rất cao. Tại Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2024, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính từ đầu năm tới nay, toàn phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp nghi ngờ sởi. Riêng TPHCM ghi nhận 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi. Đáng chú ý, nhiều tỉnh miền Tây ghi nhận ca mắc sởi trong cộng đồng rất cao. Hiện nay, các bệnh có vaccine phòng bệnh tại TPHCM cũng như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng cao.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM lý giải, các bệnh truyền nhiễm đang tăng cao do “khoảng trống miễn dịch”. Từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ em không được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch, vậy nên độ bao phủ vaccine thấp.

Theo BS Bùi Thu Phương - Khoa Nhi – Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, cho tới nay, bệnh ho gà vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất các các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỉ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển.

Do đó, cần điều trị sớm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc ho gà. Mục tiêu điều trị là hạn chế biến chứng, hạn chế cơn ho, theo dõi mức độ nặng của cơn ho và hỗ trợ người bệnh khi cần, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi để bệnh nhân hồi phục không di chứng.

Đề phòng bệnh, theo BS Phương, trẻ nhập viện cần được thực hiện các biện pháp dự phòng chuẩn, các biện pháp dự phòng lây qua đường hô hấp được khuyến cáo ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh. Nên cách ly trẻ 3 - 4 tuần để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, giảm các kích thích cho trẻ và tránh các mối lo lắng bị lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra cần dự phòng sau phơi nhiễm bằng kháng sinh cho những người trong gia đình tiếp xúc gần với trẻ và những người chăm sóc trẻ ở bất kỳ tuổi nào, tiền sử tiêm phòng và có triệu chứng hay không. Thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3,4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.

Để phòng bệnh ho gà, Bộ Y tế khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời, để phòng bệnh lây lan, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Người dân cần giữ nơi ở, lớp học được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc ho gà hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ho gà gia tăng do khoảng trống miễn dịch