Nhà nước đã có quy định về việc khai báo tạm trú, tạm vắng khi gia đình chuyển đến nơi ở khác địa chỉ ghi trên sổ hộ khẩu nên mỗi gia đình cần nghiêm chỉnh chấp hành. Khi đó, gia đình được cấp sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú để con đăng ký học tại trường được phân tuyến tuyển sinh.
Mỗi mùa tuyển sinh, vấn đề xin học cho con ở đâu luôn là một bài toán đau đầu với nhiều bậc phụ huynh. Càng ở các địa bàn thành phố lớn thì sức nóng của việc học trái tuyến càng lớn. Trong khi ngành giáo dục đề ra nhiều phương án để hạn chế tối đa, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này thì các bậc phụ huynh cũng đua nhau nghĩ ra đủ chiêu trò để “lách luật”.
Trước hết, cần phải hiểu thế nào là học đúng tuyến, thế nào là trái tuyến?
Theo Thông tư 41/2010/TT-BGDDT và Điều lệ trường tiểu học, đăng ký học đúng tuyến là trong trường hợp HS đăng kí học ở trường phải có sổ hộ khẩu tại nơi có trường học muốn đăng ký. Nếu không có sổ hộ khẩu tại nơi có trường muốn đăng ký học thì HS phải có bố hoặc mẹ có sổ hộ khẩu trong khu vực có trường học muốn đăng ký theo diện KT2. HS muốn đăng ký học vào trường mà không đáp ứng được yêu cầu nêu trên thì việc đăng ký học sẽ là đăng ký học trái tuyến.
Từ đây, có thể thấy ngoài một số trường hợp riêng lẻ thì đa số việc chọn trường học trái tuyến sẽ khiến con đường đến trường của HS mỗi ngày sẽ phải dài thêm so với việc con học đúng theo tuyến tuyển sinh được quy định. Lý do thì có trăm ngàn nhưng tựu trung lại là vì bố mẹ muốn lựa chọn trường học theo góc nhìn của mình là có môi trường giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng tốt cho con hơn là trường gần nhà. Thứ hai, việc phải di chuyển đến nơi khác để sinh sống mà không có sổ hộ khẩu dẫn đến việc các cháu khi đăng ký học sẽ không được đăng ký đúng tuyến trường học theo quy định.
Đối với lý do thứ hai, nhà nước đã có quy định về việc khai báo tạm trú, tạm vắng khi gia đình chuyển đến nơi ở khác địa chỉ ghi trên sổ hộ khẩu nên mỗi gia đình cần nghiêm chỉnh chấp hành. Khi đó, gia đình được cấp sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú để con đăng ký học tại trường được phân tuyến tuyển sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông, Hà Nội, học sinh có hộ khẩu tạm trú nếu đúng là thực ăn thực ở đúng ở đó, nhà trường sẽ đi điều tra và nếu đúng thì sẽ tạo điều kiện cho học sinh. Đặc biệt với những trường bị quá tải, không thể nhận thêm học sinh được nữa thì sẽ thực hiện việc giới thiệu cho trường lân cận và gần nhà học sinh nhất có thể để thuận lợi cho việc học tập của học sinh sau này.
Đối với lý do thứ nhất, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng xét về mặt tâm lý, việc các bậc phụ huynh có mong muốn chọn môi trường học tập tốt nhất cho con mình là đúng và cũng là tâm lý phổ biến. Tuy nhiên, xét về mặt quản lý, việc nhiều học sinh “đổ xô” vào một số trường đã tạo nhiều áp lực cho các trường, gây khó khăn cho khâu tuyển sinh và thiếu chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất. Không những thế còn ảnh hưởng trực tiếp đến HS khiến xã hội có cái nhìn không tốt về bức tranh giáo dục.
Vì vậy, hàng năm ngành giáo dục luôn đặt ra yêu cầu đối với các trường về việc hạn chế tuyển sinh trái tuyến nhằm tránh tình trạng trường quá nhiều học sinh, trường không đủ học sinh gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.