Dịch Covid-19 kéo dài với những diễn biến phức tạp tác động mạnh tới đời sống kinh tế - xã hội. Cả doanh nghiệp và người lao động rất cần được tiếp sức để vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, bật dậy mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính), việc tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là rất cần thiết.
PV: Thưa ông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020 chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên theo đánh giá thì việc triển khai rất chậm. Cá nhân ông nhìn nhận thế nào về việc này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong các gói hỗ trợ, có cái rất tốt, nhưng có những gói lại chưa thực tế. Phải hiểu rõ rằng đây là chính sách hỗ trợ trong lúc khó khăn, đột xuất do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên các chính sách diễn ra trong một khoảng thời hạn ngắn, tùy nhóm đối tượng, và hỗ trợ một số cái, chứ không phải hỗ trợ tất cả.
Thực tế đây chính là các khoản chi của ngân sách nhà nước, liên quan đến vấn đề chi tiêu công. Vì thế đòi hỏi phải đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, nguyên tắc, yêu cầu, và các điều kiện. Việc yêu cầu phải có các thủ tục, điều kiện để đảm bảo cho việc hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả.
Tôi nói ví dụ trong gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng thì đối tượng được hỗ trợ khá rộng. Từ các hộ kinh doanh, người nghèo, gia đình chính sách thu nhập bấp bênh, người lao động có công việc không ổn định, hợp đồng ngắn hạn. Cho nên các chủ thể đối tượng phải có đầy đủ các thủ tục giấy tờ để chứng minh. Do yêu cầu nhiều giấy tờ, thủ tục nên mới có việc các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng hỗ trợ là như vậy.
Vậy thủ tục hành chính có phải là rào cản, thưa ông?
- Việc thiết kế chính sách phải đúng chủ thể, thời gian, địa điểm. Chúng ta có thể đơn giản hóa một số thủ tục song chắc chắn vẫn phải đảm bảo các cơ sở giấy tờ để thanh toán, và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Tôi nói ví dụ trong hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng do bị khoanh vùng thì phải có xác nhận của chính quyền cơ sở là gia đình anh bị ảnh hưởng bởi dịch.
Vì có thể anh có hộ khẩu ở vùng bị phong tỏa song thời điểm đó anh đang công tác ở nơi khác, không bị ảnh hưởng thì không thể được hưởng hỗ trợ. Cho nên anh phải chứng minh bị ảnh hưởng bởi dịch và nằm trong diện hỗ trợ thì mới được hỗ trợ. Tài chính là phải rõ ràng, cụ thể vì sau này còn liên quan đến kiểm toán đi kiểm tra lại. Đúng là thực tế có gói hỗ trợ chúng ta hỗ trợ được rất ít, nhưng cũng phải hiểu rằng, liên quan tiền ngân sách Nhà nước thì không thể nào mù mờ. Khi không đủ thủ tục, không ai dám giải quyết, hỗ trợ cho anh là như vậy.
Trong bối cảnh đợt dịch lần thứ tư này, một số ý kiến cho rằng cần tập trung “cứu” doanh nghiệp, vì doanh nghiệp sống thì nền kinh tế sẽ sống. Ý kiến của ông?
- Tôi cho rằng trong lúc này cần “cứu” cả hai. Đó là doanh nghiệp (DN) và người lao động. DN là động lực để tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta đang có rất nhiều chủ thể yếu thế trong nền kinh tế quốc dân. Ví như người bán vé số, bán hàng rong. Vì giãn cách xã hội, không được buôn bán ở vỉa hè thì họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta không hỗ trợ, họ sẽ sống như thế nào? Trong hỗ trợ phải làm sao vừa đòi hỏi của thực tế mà vừa có tính nhân văn, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, theo tôi, đối với người nghèo, người yếu thế rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các các tổ chức xã hội, các “mạnh thường quân”. Năm 2020 đã có nhiều “mạnh thường quân” ra tay cứu giúp. Từ tiền cho đến cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng. Và trong lần dịch thứ tư này cũng thế.
Theo ông, DN cần nhất điều gì để duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh?
- Nhiều DN đánh giá cao gói hỗ trợ trong thời gian qua về việc giãn, hoãn thuế, hay tiền thuê đất. Theo tôi đây là các chính sách có ý nghĩa. Vì tiền đang trong tay DN, khi chưa phải đóng, họ chủ động dùng tiền đó đi trả lương công nhân, trả và mua nguyên vật liệu để đầu tư sản xuất. Như vậy nó có hiệu quả và đáp ứng ngay nhu cầu của DN. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ miễn, giảm các phí và lệ phí cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là cái tiết giảm chi phí cho DN, đỡ các khoản chi.
DN rất cần được hỗ trợ vốn. Ông có nghĩ, điều đó cần được quan tâm hơn trong chính sách hỗ trợ lần này?
- Cần lưu ý rằng vay mượn của ngân hàng là “có điều kiện” và có “tiêu chuẩn”. Các ngân hàng không thể nào vượt qua tiêu chuẩn vì nó dễ ảnh hưởng đến nợ xấu, tác động lớn đến nền kinh tế. Do đó các ngân hàng có thể giảm lãi suất nhưng kiên quyết không hạ điều kiện cho vay là như vậy. Nếu không, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ “phình” lên. Do đó dù có Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước nhưng các ngân hàng chủ yếu vẫn chỉ cho tái cấu trúc lại, khoanh nợ, giãn nợ.
Rõ ràng các gói chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn thuế; tiền thuê đất; giảm chi phí, lệ phí của các DN phải nộp hay phần giảm, giãn thời hạn đóng tiền Bảo hiểm xã hội đang là những cái có thể tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì thế theo tôi lần này trong hỗ trợ chúng ta có thể thiết kế thêm những gói giãn, hoãn, và các ngân hàng có thể xem xét cho vay với lãi suất thấp hơn; tái cấu trúc các khoản nợ để các DN không quá căng thẳng, lo lắng về vốn.
Thực ra DN vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn vay của ngân hàng. Việc giảm tỷ lệ lãi suất cho vay là quan trọng trong điều kiện hiện nay. Đặc biệt việc tái cấu trúc, không chuyển nhóm nợ cũng là cái rất quan trọng, bởi nếu không DN sẽ không được vay tiếp nữa. Cho nên chúng ta phải kết hợp nhiều biện pháp như tài chính, tiền tệ, tín dụng...
Trân trọng cảm ơn ông!