Thời điểm này là giai đoạn doanh nghiệp (DN) chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch của năm, nhưng số DN rời bỏ thị trường, tạm ngừng hoạt động vẫn chưa giảm.
Dẫn chứng điển hình về hoạt động kinh doanh khó khăn là Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC), chỉ còn 37 lao động (thời điểm cuối tháng 9) giảm gần 2.000 người so với đầu năm. Ban lãnh đạo của công ty cho biết trong quý 3, công ty không có đơn hàng, mọi doanh thu đều đến từ phần dịch vụ.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 81 nghìn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. 50,7 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,9%. 14,7 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,5%. Bình quân một tháng có 14,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó bất động sản có DN giải thể lớn nhất: 10 tháng cả nước có 1.067 DN bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Có nhiều nguyên nhân khiến DN rút lui khỏi thị trường, như: DN chưa được trang bị kỹ càng trước khi gia nhập thị trường; những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa chưa được giải quyết căn bản; năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp, môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản… Nhiều DN rất khó khăn cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong khi đó trái phiếu DN đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả.
Trong bối cảnh đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó là tập trung hỗ trợ một số ngành đang phục hồi, như du lịch, dịch vụ.
Trong khi đó, theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay cải cách thể chế kinh tế là vấn đề quan trọng. Có 4 thách thức trong cắt giảm chi phí tuân thủ như chi phí từ quy định hiện hành, chi phí quy định mới sẽ ban hành, chi phí từ chính sách toàn cầu, chính sách quyết liệt của các quốc gia trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
“Cải cách thể chế kinh tế ngày càng quan trọng và quan trọng hơn cả những biện pháp tài khóa và chính sách tiền tệ trong ngắn hạn” - ông Hiếu nêu rõ.
Vì vậy, ông Hiếu kiến nghị trong ngắn hạn, cần tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới để không làm gia tăng chi phí cho DN. Không ban hành quy định mới nếu chưa cấp bách.
Nếu buộc phải ban hành thì cần tính đến khó khăn hiện nay của DN để có lộ trình áp dụng hợp lý, thời gian cần thiết để DN chuẩn bị tuân thủ.