Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Thanh Giang 18/07/2023 06:32

Hiện, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù. Trong đó, thành phố chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Nhiều doanh nghiệp trên đà phục hồi.

Nhiều khó khăn trước mắt

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) cho biết, cộng đồng DN đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thị trường, vốn, thủ tục hành chính...

Khảo sát của Huba, 51% DN giảm doanh thu; 62% DN lợi nhuận giảm, hàng hóa tồn kho tăng lên 41%. Trong khi đó 30% DN đánh giá kinh doanh trong quý tới sẽ tiếp tục giảm. Vì vậy, khả năng DN tiếp tục rời khỏi thị trường còn gia tăng.

Hiệp hội cộng đồng các DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) cũng đã công bố kết quả chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023. Cuộc khảo sát cho thấy, chỉ số niềm tin của DN châu Âu đối với thị trường Việt Nam giảm nhẹ 4,5 điểm, với số điểm hiện tại là 43,5. Ngoài ra, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) chỉ rõ, một bối cảnh đầy thách thức, số lượt phản hồi kém lạc quan về tình hình kinh doanh hiện tại tăng tới 10%.

Sự thận trọng ngày càng tăng được phản ánh rõ hơn qua tâm lý lo lắng trong quý sắp tới. Các DN đang tập trung vào việc tối ưu hóa doanh thu và đơn hàng. Ngoài ra, số lượng các công ty có kế hoạch quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư trong quý tới đã tăng thêm 7%. Dù vậy, việc lập kế hoạch cho lực lượng lao động vẫn ổn định, phản ánh cam kết duy trì sự ổn định trong bối cảnh hiện tại.

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Sự sụt giảm về xuất khẩu và các đơn hàng đã tác động lớn đến các DN châu Âu và cộng đồng DN nói chung.

S&P Global cũng đã công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, PMI trong tháng 6 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này dưới mức trung bình. Giảm đơn hàng phản ánh hoạt động sản xuất còn khó khăn, cần có giải pháp níu giữ DN nhằm hỗ trợ họ không phải đi đến quyết định rời bỏ thị trường.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cũng cho rằng, kinh tế thế giới vẫn khó khăn và đầy biến động. Thị trường tài chính, thị trường bất động sản chậm chuyển động tác động trực tiếp đến sản xuất cả nước nói chung và TP HCM nói riêng. Cụ thể, đơn hàng sản xuất giảm, hàng tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.

Hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Theo ông Gabor Fluit, để giải quyết những thách thức này, cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp thiết thực, đặc biệt là bằng cách đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Nỗ lực thực hiện sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho nền kinh tế trong dài hạn. Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng TP HCM cần nhanh chóng triển khai sớm chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Trong đó, cần ban hành danh mục các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng các chính sách hỗ trợ kích cầu. Hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường. Cần sớm có chính sách cụ thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Việc ban hành chính sách, văn bản tránh tạo thêm các thủ tục hoặc có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho DN.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn cần triển khai nhanh Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM góp phần khơi thông nguồn lực phát triển thành phố. Triển khai chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ hoạt động xuất khẩu bằng cách đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, tập trung rà soát giải quyết khó khăn về thủ tục hành chính, hoàn thuế, bất động sản; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công năm 2023.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, những tháng cuối năm thành phố cần nỗ lực vượt qua khó khăn, chuyển hóa quyết tâm thành giải pháp cụ thể. Thành phố đang lên kế hoạch hỗ trợ cho DN xuất khẩu chi phí hàng tồn kho, song song đó tăng kích cầu nội địa bằng việc tổ chức tháng khuyến mãi, từ 1 tháng lên 3 tháng. Bên cạnh đó, thành phố khởi động lại chương trình kích cầu. Lãnh đạo thành phố cũng rất lưu ý trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Kinh tế TP HCM trong quý II đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,87%, giúp GRDP nửa đầu năm ước tăng 3,55%; các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9%. 9 ngành dịch vụ của thành phố tăng 4,92%. Thu ngân sách ước thực hiện đạt hơn 227 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán, chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1%, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, tăng 62,7%, khách du lịch nội địa đến TP HCM đạt trên 16 triệu lượt, tăng 48%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO