Đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu đáng kể “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) cũng như cả nền kinh tế. Vì vậy DN kiến nghị tiếp tục kéo dài chính sách giảm, giãn thuế nhằm hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi, tái sản xuất.
Xem xét chính sách giảm, giãn thuế
Ông Lê Bá Linh, chủ một công ty chuyên về thực phẩm phía Nam, cho biết DN xuất khẩu của ông phải đối diện với khó khăn vì giá nguyên phụ liệu cho sản xuất tăng 15% - 40% so với thời điểm trước dịch Covid-19 và phí dịch vụ logistics tăng lên rất nhiều. Đây là vấn đề chính khiến các DN khá thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới. Theo vị chủ DN này, dù bị lỗ nhưng nhiều DN vẫn phải nộp thuế đối với các lĩnh vực có kết quả kinh doanh có lãi. “Điều mà DN mong mỏi là được cho phép bù trừ lãi và lỗ từ các hoạt động kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế để đảm bảo công bằng trong hoạt động chung của DN”, ông Linh đề xuất.
Ngoài ra, ông Linh cũng kiến nghị nên giãn thời hạn nộp thuế và giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, tiếp tục giảm 30% trong năm 2021, 2022 và giảm 25% năm 2023 cho tất cả DN nhỏ và vừa. Thời hạn nộp thuế cần được giãn tối thiểu 12 tháng từ khi hết dịch và hoãn thuế cho đến khi DN hồi phục và có khả năng để nộp. “Một số khoản cũng cần được tính là chi phí và được trừ khi xác định thuế TNDN như: Chi phí được chi trả để hỗ trợ nhân sự phòng, chống Covid-19, chi phí duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid-19, chi phí phát sinh khi bị ngừng hoạt động”, ông Linh nói.
Những kiến nghị trên cũng là mong muốn chung của nhiều DN đang bước vào giai đoạn phục hồi. Đặc biệt là với thuế TNDN, ông Trần Văn Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Khánh mong muốn, cần tiếp tục xem lại chính sách giảm thuế TNDN vì đa phần các DN vẫn còn đang gặp khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản là do gánh nặng chi phí. Theo đó, cần kéo dài chính sách giảm, giãn thuế và mở rộng đối tượng được hưởng mức giảm thuế TNDN hoặc mở rộng thêm lĩnh vực được giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT).
Với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bà Bùi Thị Mai, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thái Vinh đề xuất, sớm điều chỉnh biểu thuế tại Luật Thuế TNCN. Trước mắt, trong năm 2021, 2022 và 2023 miễn thuế TNCN với nhóm cá nhân có thu nhập chịu thuế ở bậc thấp dưới 15 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, nên giảm 50% thuế TNCN phải nộp cho cả năm 2021, 2022 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Kích thích tiêu dùng nội địa
Nhiều DN cũng cho rằng, để kinh tế phục hồi, rất cần giảm thuế, trong đó thuế TNCN nên giảm mạnh để những người làm công ăn lương đỡ gánh nặng thuế và tác động tích cực đến sản xuất. Khi được giảm thuế họ sẽ có thêm nguồn tài chính để mua hàng hóa, tiêu dùng, thậm chí đi ăn nhà hàng, du lịch…Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phải thấy việc kéo dài các chính sách giảm, giãn thuế là công cụ để bảo vệ người dân và DN sau những tác động từ khủng hoảng Covid-19 và kích thích tiêu dùng nội địa, cũng như tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu.
Đơn cử như việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% (áp dụng từ ngày 1/2/2022 cho đến hết năm nay) theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, được đánh giá sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Nhất là người tiêu dùng, vốn bị ảnh hưởng về thu thập, việc làm do tác động bởi dịch bệnh, nhờ chính sách này sẽ tiết kiệm được 2% chi tiêu. Về phía DN có điều kiện không phải tăng giá khi sức ép về chi phí tăng cao.
Mặc dù chính sách giảm thuế VAT như trên tác động giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 vào khoảng 49.400 tỷ đồng nhưng lại góp phần giúp DN và hộ kinh doanh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, mức giảm thuế VAT lại không áp dụng cho tất cả mặt hàng khiến một số DN, hộ kinh doanh đang gặp lúng túng.
Theo giới chuyên gia, việc hỗ trợ giảm thuế VAT cho DN là hợp lý bởi đây là loại thuế có diện điều tiết rộng. Với thuế này DN không cần phải có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập DN và phát sinh ngay khi cung cấp hàng hóa dịch vụ. Như với các dịch vụ lưu trú khách sạn, du lịch, ăn uống…sau giai đoạn bĩ cực bởi đại dịch, đang bước vào giai đoạn phục hồi thì việc giảm thuế VAT là cú hích rất cần thiết.
Mặt khác, các nhà quản lý thuế cần xem xét hoàn ngay thuế VAT đầu vào cho DN xuất khẩu sau khi nhận đủ hồ sơ. Bởi lẽ, như phản ánh gần đây của những DN trong ngành dệt may, khi họ mua nguyên phụ liệu trong nước để tự lên mẫu, làm hàng xuất khẩu thì phải đóng tạm ứng thuế nhập khẩu tại chỗ với thuế suất 12%.
Sau đó, khi DN xuất hàng ra khỏi Việt Nam mới được làm thủ tục hoàn lại số thuế nói trên. Có DN mỗi tháng xuất khẩu khoảng 15 container với tổng trị giá nguyên phụ liệu hơn 70 tỉ đồng thì phải tạm đóng thuế nhập khẩu tại chỗ hơn 8 tỉ đồng. Trong khi đó, để chờ được hoàn lại tiền thì nhanh nhất là 4 tháng và lâu nhất có khi đến 2 năm. Chính điều này được cho là không khuyến khích DN may tự làm hàng xuất khẩu mà chỉ đi gia công, nhất là với các DN nhỏ với nguồn vốn không lớn thì càng khó hơn.