Giá trị của bất cứ chính sách hỗ trợ nào cũng đều nằm ở mục đích và thời điểm mà nó ra đời. Nếu một chính sách hỗ trợ không kịp thời đến với người được thụ hưởng sẽ giảm ý nghĩa thực tế mà gói hỗ trợ muốn hướng đến, đó là đúng và trúng thời điểm. Câu chuyện của việc chi trả gói hỗ trợ lần hai dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 là một ví dụ.
Trước hết phải khẳng định, việc Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ lần hai là một quyết định vì dân, thể hiện cho tính ưu việt của chế độ.
Nhưng việc bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách luôn là một bài toán khó. Vì quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều tình huống sẽ kéo theo độ trễ của việc giải ngân gói hỗ trợ. Kinh nghiệm từ việc chi trả gói hỗ trợ đợt 1 cho thấy, việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành nhưng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế vì gặp vướng mắc trong các tiêu chí.
Để gói hỗ trợ thật sự có hiệu quả đúng như mục đích và ý nghĩa mà Đảng và Nhà nước đưa ra, thiết nghĩ, các tiêu chí, điều kiện cần sát với thực tế để người lao động và doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ, giải quyết bài toán đang vướng mắc ở gói hỗ trợ đợt một.
Như vậy yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là cần phải tiếp tục tập trung cao độ để triển khai thực hiện gói hỗ trợ này, bên cạnh việc chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục những trùng lặp của quá trình rà soát đối tượng thì cần bảo đảm sự tham gia, giám sát trực tiếp của người dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.