Xã hội

Hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp

Lê Bảo 19/12/2023 07:36

Việc bảo đảm cho người cao tuổi sống tốt cũng chính là thước đo sự trưởng thành của cộng đồng. Trong bối cảnh mặt bằng chăm sóc sức khỏe được cải thiện, tuổi thọ được nâng lên, vấn đề việc làm phù hợp cho người cao tuổi cần sớm được nhìn nhận với cách tiếp cận tích cực từ chính sách lao động và việc làm.

anh-cv.jpg
Giải quyết việc làm cho người cao tuổi vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa góp phần giảm thiếu hụt nguồn nhân lực quốc gia.Ảnh: Quang Vinh.

Gần 70 tuổi nhưng bà Lê Thị Lợi (ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vẫn phải cặm cụi trồng rau, cấy lúa để mưu sinh. Bà có 5 người con tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Tuy nhiên cuộc sống gia đình các con bà không khá giả nên hàng tháng cũng chỉ chu cấp cho bố mẹ đồ ăn, thực phẩm và một chút tiền tiêu vặt.

anh-1-trang-7.jpg
Nhiều người cao tuổi vẫn làm việc để bảo đảm thu nhập và tránh lệ thuộc vào con cháu. Ảnh: Phương Thanh.

Phần lớn người cao tuổi không có lương hưu

Dù đã ở tuổi cần được an dưỡng tuổi già nhưng còn sức và không muốn sống quá phụ thuộc vào con cháu, hàng ngày bà Lợi vẫn cùng chồng đi trồng rau và nuôi gà, lợn để tăng gia. “Làm nông giờ không vất vả như ngày xưa vì đã có máy móc hỗ trợ nhưng tuổi già làm nông cũng vất vả, giờ có chút sức khỏe không làm lúc ốm đau biết trông vào đâu. Không thể phụ thuộc vào hết con cái được” - bà Lợi giãi bày.

Tình cảnh như bà Lợi khá phổ biến hiện nay đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng quê nghèo. Đề cập đến thực trạng cuộc sống, việc làm của người cao tuổi (NCT) ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, NCT chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức (81,4%) và trong ngành nông, lâm, thủy sản (90%). Chất lượng việc làm của NCT còn thấp, 58,8% lao động cao tuổi là lao động giản đơn. Thu nhập của NCT làm công hưởng lương chỉ bằng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường.

Báo cáo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cũng cho thấy, ước tính số lượng đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp ở nước ta hiện có hơn 25% dân số. Trong đó, có khoảng 12 triệu NCT; 7,06 triệu người khuyết tật; 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần…cần trợ giúp xã hội hàng năm.

Thực tế phần lớn NCT là đối tượng lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương, trong khi tỷ lệ lao động làm công ăn lương thấp, họ tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương. Trong khi hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận NCT. Hiện mới có khoảng 39% NCT được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình...

anh-2-trang-7.jpg
Người cao tuổi tỉnh Quảng Trị tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Thanh Hà.

Thiết lập chính sách việc làm đặc thù

Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phan Văn Hùng khẳng định, mặc dù thể lực NCT có thể suy giảm, nhưng trí tuệ, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh rất phong phú.

“Qua tổng kết phong trào NCT làm kinh tế giỏi tháng 11/2023 cho thấy cả nước đang có 7 triệu NCT đang sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 455 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi, 321 nghìn NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Như vậy, NCT đã và đang tích cực tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho cộng đồng” - ông Hùng dẫn chứng.

Ông Hùng cho rằng, không riêng với NCT mà với lao động trẻ cũng có những thành công và rủi ro song hành tuy nhiên ở NCT sẽ có những khó khăn và rào cản nhất định. Chính vì vậy, rất cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để NCT khởi nghiệp và có việc làm tái tạo sức lao động đồng thời đảm bảo cuộc sống cho mình khi về già. Để những chính sách này thực thi và hiệu quả ông Hùng đề xuất cần phải được luật hóa bằng những quy định cụ thể.

Trước đó, nhằm hỗ trợ NCT trong việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT, giai đoạn 2021- 2030. Chương trình đưa ra mục tiêu cụ thể là: Giai đoạn 2022 - 2025, ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Giai đoạn 2026 - 2030: Ít nhất 70% NCT có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...

Theo đánh giá, bước đầu thực hiện Chương trình đã góp phần hỗ trợ giúp NCT khởi nghiệp, tái tạo cuộc sống đặc biệt thông qua Chương trình đã có nhiều NCT được vay vốn phát triển kinh tế. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều NCT được hưởng lợi từ Chương trình đặc biệt việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng.

Trước thực tế này, hiện Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, ở nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, Bộ đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho NCT, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi (để chuẩn bị bước sang giai đoạn cao tuổi); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…).

Theo PGS. TS Cao Văn Sâm - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, chuyên gia cao cấp về đào tạo, việc làm, chính sách hỗ trợ để NCT khởi nghiệp rất cần thiết đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ việc làm cần phải hướng vào đào tạo kỹ năng để NCT chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Sâm cho biết, ngoài Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương hay hiệp hội cũng đã có những đề án đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, hay thậm chí khởi nghiệp cho NCT. Tuy nhiên, việc áp dụng gặp khó ở cả 3 khâu: chính sách việc làm; hướng nghiệp, đào tạo, tuyển dụng, chuyển đổi nghề nghiệp; và vay vốn. Do vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ, tránh viễn cảnh Việt Nam có thể thiếu lao động trong 20 năm tới như một số dự báo.

Đồng quan điểm, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, để làm tốt việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho NCT trước mắt cần quan tâm đến việc bồi dưỡng kỹ năng phù hợp cho NCT; xây dựng cơ chế ưu đãi cho lao động NCT, doanh nghiệp tuyển dụng nhóm lao động này. Về lâu dài cần thiết kế các hệ thống đào tạo nghề, việc làm, học tập suốt đời mang tính mở, linh hoạt để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, trong đó có NCT.

“Từ kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, trước hết, cần nâng cao nhận thức của xã hội liên quan đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho người lao động cao tuổi. Tiếp đó là xây dựng hệ thống hỗ trợ mở, linh hoạt, sẵn sàng phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú, liên quan đến đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi” - ông Bình nhấn mạnh.

anh-theo-box.jpg

Theo ông Lê Quang Trung - nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), giải quyết việc làm cho người cao tuổi như “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa đảm bảo an sinh xã hội, giúp người già duy trì sức khỏe cả thể lực và trí lực, vừa góp phần giảm thiểu thiếu hụt nguồn nhân lực quốc gia. Để làm tốt chính sách lao động với đối tượng đặc thù này, Việt Nam cần xây dựng rất nhiều nền tảng bởi, hiện nay chúng ta vẫn thiếu thông tin kết nối cung - cầu lao động cho NCT, chưa có sàn giao dịch việc làm cho NCT…đặc biệt chúng ta vẫn chưa có các gói hỗ trợ riêng cho NCT. Hiện nay các chính sách hỗ trợ về việc làm vẫn là lồng ghép với các chương trình, quy định khác. Đặc biệt nhận thức về khởi nghiệp cho NCT trong xã hội vẫn chưa được nhận thức thấu đáo, nhiều người vẫn cho rằng, việc đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT là không cần thiết và khó khả thi. Đây cũng là rào cản khiến việc tìm kiếm việc làm của NCT vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp