Vào dịp Valentine - Lễ Tình nhân 2023, ca sĩ Phạm Thu Hà – giọng ca được mệnh danh “hoạ mi bán cổ điển” công bố dự án âm nhạc đặc biệt của cô - Live Studio Session.
Đúng như tên gọi, Live Studio Session là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam thực hiện với công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp tại Việt Nam (nếu trước đây các ca sĩ Việt phải qua Mỹ để thực hiện đĩa than thì nay Phạm Thu Hà tiên phong thực hiện đĩa than tại Việt Nam với ê-kíp toàn người Việt), bao gồm 20 ca khúc nổi tiếng của những tên tuổi lớn như: Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đức Trí, Đỗ Bảo, Bảo Chấn, Quốc Bảo, Việt Anh, Phùng Tiến Minh, Trường Sa, Châu Đăng Khoa…
“Đó là những ca khúc mà tôi yêu thích từ lâu, đã dùng nó để chiêm nghiệm về đời sống tình cảm của mình, với đủ thăng trầm, hạnh phúc và buồn tủi... Tôi dùng âm nhạc để kể câu chuyện của mình, hay nói cách khác là mang những tâm sự của mình “cư trú” trong âm nhạc” – Phạm Thu Hà thổ lộ.
Live Studio Session được chia làm 4 phần. Nếu như phần I bao gồm những ca khúc trữ tình, lãng mạn quen thuộc: Phố Mùa Đông (Bảo Chấn); Biết Mãi Là Bao Lâu (Đỗ Bảo); Đời Có Bao Nhiêu Ngày Vui (Châu Đăng Khoa); Xin Lỗi (Hồ Tiến Đạt); phần II lại là màn kết hợp mới mẻ của Phạm Thu Hà với hai giọng ca trẻ Nguyễn Đình Tuấn Dũng; Phạm Anh Duy qua 2 ca khúc “Như Chưa Bắt Đầu” (Đức Trí), “Không còn mùa Thu” (Việt Anh).
Còn phần 3 dành riêng cho các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, vị nhạc sĩ mà Phạm Thu Hà vô cùng mến mộ qua các ca khúc: “Ru tình”, “Hoa vàng mấy độ”, “Tiến thoái lưỡng nan”... Phần 4 đưa khán giả trở về một không gian đậm chất cổ điển, ở đó Phạm Thu Hà phát huy tối đa thế mạnh và sức sáng tạo của mình qua loạt ca khúc đậm chất trữ tình.
Nhiều năm qua, Phạm Thu Hà kiên định theo đuổi con đường cổ điển giao thoa (classic crossover), mang âm nhạc cổ điển hòa quyện với các thể loại khác nhau nhằm tới gần công chúng. Dự án lần này một lần nữa khẳng định nỗ lực của cô, khi thể hiện rõ sự Pop hoá phong cách hát cổ điển, tạo nên cái chất rất riêng cho mỗi ca khúc, mà không khiến chúng trở nên khiên cưỡng, xa lạ.
Phạm Thu Hà chia sẻ: “Tôi luôn muốn khẳng định nghệ sĩ cổ điển không hề khó gần, hát cố điển không khó nghe như mọi người vẫn mặc định. Mong muốn lớn nhất của ê-kíp là để sản phẩm lần này tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, giúp họ cảm nhận được trọn vẹn cái đẹp của âm nhạc cổ điển”.
Luôn khao khát vượt qua giới hạn bản thân, Phạm Thu Hà cho thấy bản lĩnh của mình khi là nghệ sĩ đầu tiên “dám” thực hiện công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp, với sự tham gia cùng lúc của 4 bộ phận: Âm thanh - hình ảnh - dàn nhạc và người nghệ sĩ. Ê-kíp sáng tạo bao gồm những cái tên quen thuộc, từng cộng tác với Phạm Thu Hà trong một số chương trình lớn: Đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa, đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn, dàn nhạc Namjazznight Chamber Orchestra. Họ tự tin vào khả năng chuyên môn của bản thân, tự tin vào năng lực của đồng nghiệp để đồng hành trong dự án này.
“Thông thường, việc thu âm và ghi hình trực tiếp chỉ xảy ra cho 1 hoặc 2 ca khúc, thay vì cả một chương trình dài hơi như Live Studio Session. Việc 4 bộ phận cùng kết hợp trong cùng khoảnh khắc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối của gần 100 con người, bởi chỉ cần máy quay di chuyển hơi mạnh, hay khán giả cựa quậy một chút, nghệ sĩ đã phải thu lại” - Phạm Thu Hà chia sẻ.
Dàn nhạc tham gia chương trình bao gồm những nghệ sĩ nhạc cụ xuất sắc nhất tại Việt Nam, những người từng học tập và làm việc với Phạm Thu Hà tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia: nghệ sĩ violon Nguyễn Ngọc Hoan, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ percussion Phan Cường… “Chúng tôi từng sống cùng trong ký túc xá, trải qua những ngày tháng tuổi trẻ cùng nhau, với cùng một khao khát chinh phục đỉnh cao âm nhạc. Bởi sự thấu hiểu ấy, chúng tôi dễ dàng làm việc và kết hợp với nhau hơn, dễ dàng cộng hưởng cảm xúc để thăng hoa trong chương trình biểu diễn” - Phạm Thu Hà chia sẻ.
Đảm nhận vai trò đạo diễn âm nhạc là Nguyễn Tuấn Nam, anh từng là sinh viên duy nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), cũng là người đứng sau hàng loạt chương trình âm nhạc chất lượng. Tuấn Nam khẳng định, Live Studio Session là một thử thách mà không phải bất kỳ ê-kíp nào cũng có thể chinh phục.
“Dàn nhạc tại Live Studio Session như một dàn nhạc giao hưởng thu nhỏ. Khác với những dự án thông thường chỉ tôn vinh ca sĩ, Phạm Thu Hà mong muốn cho công chúng thấy vẻ đẹp của dòng nhạc giao hưởng, sự lao động nghệ thuật của những nhạc công tham dự chương trình. Chúng tôi không thực hiện một chương trình biểu diễn xong rồi sẽ trôi vào quên lãng, mà được ghi âm, quay hình và lưu giữ lại bằng đĩa than. Chỉ cần một người đi trước hay đi sau là sẽ hỏng. Cũng bởi thế, dàn nhạc, nhà quay phim, kỹ sư âm thanh, kỹ sư hình ảnh đều tập trung cao độ vào công việc. Tôi tin, những khán giả xem Live Studio Sesson sẽ cảm nhận được dự khác biệt - khi các nghệ sĩ truyền tải được hơi thở của âm nhạc một cách chân thực nhất” - Đạo diễn Tuấn Nam chia sẻ.
Từng làm việc cùng Phạm Thu Hà trong liveshow “Con đường âm nhạc” của VTV3, đạo diễn đánh giá cao bản lĩnh chuyên môn cũng như thái độ làm việc của hoạ mi dòng nhạc cổ điển: “Tôi đã luôn yêu thích giọng hát của Thu Hà, nhưng tại dự án này, Hà vẫn khiến tôi phải bất ngờ, đặc biệt khi cô ấy thể hiện những ca khúc nhạc trẻ. Tại đó, Hà vẫn giữ được tính chất giọng hát cổ điển của mình, trong sáng, nội lực mà không làm mất đi tính chất và cái hồn của ca khúc. Chúng vừa xúc cảm, vừa sang trọng và lôi cuốn”.
Phạm Thu Hà tên khai sinh là Phạm Thị Thu Hà. Cô là nghệ sĩ thanh nhạc biểu diễn chuyên nghiệp, được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô từng giành giải thưởng Âm nhạc Cống hiến và được mệnh danh là "họa mi bán cổ điển" với phong cách trình diễn sang trọng, tinh tế.