Có thể nói đây là sự tồn tại của thị trường tranh giả Việt Nam từ hàng chục năm nay. Một câu chuyện không có lời giải và nhà nước đứng ngoài cuộc. Vấn nạn tranh giả đã trở thành quốc nạn, là nỗi đau của giới hoạ sĩ Việt Nam.
Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn.
17 bức tranh vừa được công bố của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố HCM vừa qua một lần nữa khẳng định thị trường tranh giả vẫn đang trôi nổi trong ngoài nước và ngoài tầm kiểm soát của những người chuyên trách, điều này mang lại sự tổn hại đến hình ảnh đẹp đẽ của các danh hoạ Việt Nam cũng như đã xoá hoàn toàn khuôn mặt của mỹ thuật Đổi mới. Điều này thực sự là thử thách trong thế kỷ mới, đứng trước vận hội đổi mới của mỹ thuật đương đại, đặc biệt là thế hệ sau mang trọng trách xoay thập kỷ bản lề.
Thị trường tranh giả Việt Nam thực sự như là không gian vô hình nhấn chìm cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Chúng ta phải khẩn trương vào cuộc để truy đuổi đến cùng, tận gốc những địa chỉ làm tranh giả còn tồn tại an toàn hàng chục năm nay.
Rõ ràng khi thực hiện những bức tranh giả, làm sao anh chép lại ngôn ngữ tạo hình của các bậc danh hoạ chưa nói tới sử dụng chất liệu như sơn mài, sơn dầu, bột màu trên giấy.
Chúng ta cần phải dọn sạch thị trường tranh giả Việt Nam, xây dựng lại từ đầu thị trường tranh nội địa sạch sẽ và chuyên nghiệp.
Các nhà sưu tập thế hệ mới, các đại gia cần vào cuộc để hình thành nên những bộ sưu tập mới của các hoạ sĩ đương thời Việt Nam. Từ đó tôi tin với sự tiếp cận nhanh vào đời sống mỹ thuật đương đại, phát hiện ra những tác giả mới thì chắc chắn một câu chuyện mới, một thời đại thị trường mỹ thuật Việt Nam mới sẽ hình thành. Chắc chắn các gallery cũng phải chịu mọi trách nhiệm. Rõ ràng hiện nay từ các gallery, thị trường tranh nội địa có quá nhiều bất cập. Các hoạt động âm thầm sáng tạo của hoạ sĩ bị một không gian chống chếnh mà không biết bấu víu vào đâu để xác lập niềm tin từ chính người sáng tạo.
Tôi may mắn vô duyên với thị trường tranh, và tôi cũng cẩn trọng với mỗi sáng tạo của mình nên tranh tôi chưa thấy bị làm giả.
Nét bút, nét vẽ, cách sử dụng màu mang đặc điểm của chính phong cách cá nhân tôi là minh chứng cho bức tranh ấy là do tôi vẽ. Tranh của tôi cũng từng được bảo tàng tại Malaysia sưu tập, đó là sự nguyên vẹn từ tác giả đến tranh được lưu giữ.
Ngày trước khi trao tặng tranh hay bán tranh, chúng tôi thường không có giấy chứng nhận gì cả, bản thân ngôn ngữ hội hoạ hay chất liệu mình sử dụng đã là minh chứng khẳng định tác phẩm chân bản của cá nhân.
Sau một thời kỳ đẹp đẽ giữa gallery, hoạ sỹ và nhà phê bình có một sự khớp nhịp với nhau trong thời kỳ đầu của mỹ thuật Đổi mới. Rất tiếc đó là thời kỳ ngắn ngủi và gallery biến tướng thành hoạt động thương mại. Thị trường tranh giả bắt đầu xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước và kéo dài cho đến bây giờ, vẫn đầy những câu hỏi không thể trả lời. Ai là người làm nên những bức tranh giả vẫn còn là ẩn số.
Nhưng chúng ta vẫn cần trở lại câu chuyện về bản quyền. Ở thế kỷ 20, có nhà sưu tập Đức Minh, một nhà tư sản dân tộc tại Hà Nội. Ông xứng đáng là nhà sưu tập mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam với một tư chất văn hoá lớn để có thể cảm nhận được những nét bút của các bậc danh hoạ. Đến lúc này, theo tôi, chưa có một Đức Minh thứ hai. Sau này, xuất hiện nhiều nhà sưu tập biến tướng, tranh giả cũng từ đó mà tuồn ra.
Trong sự tuột dốc nhanh của văn hoá Việt Nam, trong sự tuột dốc nhanh của mỹ thuật Việt Nam đương đại càng là kẽ hở, càng là khoảng trống để những kẻ làm hàng giả xuất hiện và an toàn.
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là nơi lưu giữ, trưng bày những bức tranh của các tác giả Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở trên lầu, nhưng lại không phân biệt được 17 bức tranh giả để treo tại khu vực triển lãm là tai nạn. Chúng ta đã không tiến hành kiểm định ngay trước khi cấp phép cho trưng bày bộ sưu tập, nhất là những năm gần đây, tranh Việt dồn dập hồi hương. Đó là tin vui cho giới mỹ thuật trong nước và công chúng yêu nghệ thuật, nhưng thảm hại thay liền kề đó là những bức tranh không phải là tác phẩm chân bản cũng trở về.