Sinh năm 1981 tại Tuyên Quang, rời miền núi Tây Bắc từ năm 16 tuổi, Nguyễn Thế Hùng đã mang theo hồn cốt quê hương mình trong từng sáng tác. Khi còn là sinh viên, Nguyễn Thế Hùng đã liên tục tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, từ trình diễn sắp đặt, đến triển lãm cá nhân tranh trong và ngoài nước. Là nghệ sĩ với sức sáng tạo bền bỉ thêm sự cần mẫn chăm chỉ, các tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng, sau triển lãm, thường được bán hết.
Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Đại Đoàn Kết Chủ nhật trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thế Hùng, khi anh trở về Việt Nam sau triển lãm cá nhân “Một miền đất khác”, giới thiệu những sáng tác mới nhất của Hùng tại Mỹ.
PV: Khi đang còn là sinh viên, khi các bạn đồng nghiệp đồng lứa rời giá vẽ để đi theo các trào lưu thử nghiệm trong đó có sắp đặt và trình diễn, anh cũng tham gia? Vì sao vậy?
Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: Trào lưu nghệ thuật đương đại cùng các thử nghiệm nghệ thuật đầu những năm 2000 bùng nổ quả thực đã tác động mạnh đến tôi. Cùng với một số bạn bè và họa sĩ, tôi tham gia rất nhiều thử nghiệm tại Nhà Sàn từ năm sau triển lãm “Xanh Đỏ Vàng” tại Viện Goethe Hà Nội. Có thể nói, lần đầu ra mắt công chúng của tôi là những tác phẩm sắp đặt và trình diễn.
Thực tế khủng hoảng kinh tế từ năm 2009 làm cho xu hướng nghệ thuật mới, khi không còn tiền từ các quỹ văn hóa nước ngoài tài trợ, đã dần ngưng trệ, khi đó, anh nghĩ gì?
- Phải thú thực là bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ cuộc khủng hoảng ấy. Trong một quãng thời gian dài, những tác phẩm của tôi không bán được, như phần đông họa sĩ cùng thời, chúng tôi nghèo rớt mùng tơi. Không bán được tranh, nghĩa là không có tiền để tiếp tục công việc, tôi đã phải nhờ đến tất cả những sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình, tuy nhiên, không lúc nào tôi ngừng tin rằng rồi mọi việc sẽ ổn. Tôi nghĩ rằng, cuộc khủng hoảng ấy giống như một cái sàng, mà qua đó, chỉ những họa sĩ làm việc nghiêm túc và có thực lực mới nổi lên trên, còn những thứ khác, sẽ lọt xuống dưới, lẫn vào nhau và biến mất. Đó là một thách thức, cũng là một cơ hội để họa sĩ khẳng định bản thân mình. Tôi tin là mình đang dần làm được điều đó (cười).
Giữa làn sóng cách tân trẻ ấy, vẫn thấy Hùng cần mẫn bên giá vẽ. Với anh, thử nghiệm chỉ là một phương cách diễn đạt khác con người nội tâm bên trong, còn anh không rời xa giá vẽ?
- Có nhiều phương thức biểu đạt tinh thần và làm nghệ thuật khác nhau. Sắp đặt, trình diễn chỉ là một phần trong những thứ ấy. Sau mấy năm sinh viên chuyên chú vào sắp đặt và trình diễn, bị cuốn hút bởi nghệ thuật ý niệm, tôi đã rất say mê, và bây giờ cũng vẫn vậy. Tuy nhiên, sau một biến cố lớn của bản thân, năm 2007 người thầy, họa sĩ Mai Anh Châu - một người thân, người có ảnh hưởng lớn đến con người và suy nghĩ của tôi qua đời, tôi dừng lại, gần như không làm gì trong một khoảng thời gian dài. Tôi gần như lui về ở ẩn tại một căn nhà gỗ với một mảnh vườn nhỏ ở ven Hà Nội. Tôi đọc sách, suy nghĩ và vạch ra con đường hiện tại của mình. Tôi quay lại với giá vẽ khi bản thân đã sẵn sàng. Mới đầu, tôi cũng gặp một chút khó khăn để bắt nhịp lại, vẫn những chất liệu tôi yêu thích như giấy dó, màu nước, cắt dán, rồi đến acrylic, tổng hợp và hiện tại là sơn mài trên vải. Tôi đi từ những thử nghiệm này đến những thử nghiệm khác, và hành trình ấy cũng rất thú vị, cho tôi nhiều trải nghiệm và bài học.
Nhiều nghệ sĩ trẻ đã rơi vào khủng hoảng con đường cần đi, phần lớn do không học hành quy củ về mỹ thuật trong trường nên tác phẩm sáng tạo thị giác thực sự không thuyết phục được người mua, trong khi đó không còn có thể thực hiện các dự án thử nghiệm. Còn anh, nhớ lại những năm tháng đó, anh thấy sao?
- Tôi nghĩ mình thật may mắn khi có những người thầy, đàn anh đi trước để trò chuyện và tâm sự, qua đó tôi hình thành được con đường cho chính mình. Nhớ lại giai đoạn tập trung vào sắp đặt và trình diễn, tôi vẫn còn nguyên cảm giác háo hức và say mê hừng hực, tuy nhiên, quả thật rất khó khăn để tiếp cận đến khán giả và hơn cả là bán chúng. Chỉ một số rất ít các tác phẩm trình diễn và sắp đặt của Việt Nam được mua. Trong triển lãm cá nhân gần đây tại Hà Nội, tôi cũng làm một sắp đặt phát triển ý tưởng từ những sắp đặt trước đấy tôi đã làm khoảng 10 năm. Tôi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, rất nhiều thời gian cùng sự trợ giúp của bạn bè để làm nó bằng ống nước, bật lửa và những câu ca dao, tục ngữ. Bạn biết không, số ống nước mà tôi đã sử dụng đủ để quấn hết một vòng Hồ Gươm đấy!
Trong quan sát của tôi, anh đã nhanh chóng tách ra, đi độc lập trên con đường hội họa riêng, đó là lý do mà anh vẫn tiếp tục vẽ, không bị ảnh hưởng bởi xu thế bên ngoài?
- Có lẽ là bởi vì tôi không biết về cái được gọi là xu thế. Tôi sáng tác như cách một người nông dân làm việc. Tôi quan tâm đến thời tiết, đến thiên nhiên, đến kinh nghiệm của cha ông, đến những giá trị truyền thống cốt lõi. Khi vẽ, tôi đi vào cõi thiền của chính mình, nơi mà như bạn có thể thấy qua những sáng tác của tôi, tràn ngập màu sắc và thanh âm của sự sống được sinh sôi, được lớn lên, được chết đi để rồi lại tái sinh tiếp diễn.
Các tác phẩm mới nhất của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Từ vẽ tranh giấy dó đến nay, các chuyển biến kĩ thuật của anh hơn 10 năm qua đang tiến theo bước nào?
- Chỉ có thể nói là tôi đào sâu và khai phá dần những chất liệu với các kỹ thuật thể hiện khác nhau. Mỗi một loại chất liệu đều có những đặc tính không giống nhau và cần có những kỹ thuật thể hiện riêng biệt. Không dễ dàng để nắm bắt một chất liệu và thể hiện nó, tôi cũng đã trả giá không ít trong quá trình ấy. Nhưng bạn biết đấy, đó chính là điểm thú vị của thực hành nghệ thuật. Những lúc khám phá ra cách làm mà mình chưa biết đến, quả thực với tôi, nó giống như Eureka của Archimedes khi khám phá ra định luật để giải bài toán cho nhà vua vậy. Tất nhiên là những khám phá của tôi không hề vĩ đại như thế, mà chỉ là tôi đã tìm ra được một điều mà mình chưa biết thôi, và cũng không có màn lao ra khỏi bồn tắm và chạy ra giữa phố đâu nhé (cười). Nhưng điều thú vị với tôi là mỗi ngày tôi lại tìm thấy thêm những khám phá nho nhỏ ấy, từ những thực hành của mình. Tôi có cảm giác như những tác phẩm của tôi cũng lớn lên cùng tôi trong thế giới nghệ thuật của mình vậy.
Anh sáng tác trong hoàn cảnh nào? Không gian nào làm anh thấy cảm hứng sáng tạo cao nhất?
- Tôi có một xưởng vẽ nhỏ với một khu vườn có nhiều cây cối. Tôi thường bắt đầu và kết thúc một ngày với công việc làm vườn. Tưới cây, chăm sóc cây cối, lắng nghe thiên nhiên và hòa mình vào thiên nhiên khiến tôi luôn luôn cảm thấy thoải mái và sẵn sàng làm việc. Tôi cũng thường có những chuyến dã ngoại nho nhỏ để gần hơn với thiên nhiên, thư giãn, thả lỏng chính mình và bơm đầy năng lượng để tiếp tục làm việc.
Vì sao anh thích sự tỉ mỉ trong tranh, nhất là những chấm bi tròn làm nền bên trong?
- Nếu công việc của một người nông dân là gieo hạt trên đồng ruộng thì công việc của tôi là gieo những hạt giống của hy vọng, tình yêu và niềm hạnh phúc lên những bức tranh của mình. Đó là ý nghĩa của những chấm tròn trên tranh của tôi, chúng là những hạt giống mà tôi muốn gieo lên cho những vùng đất của mình.
Cách đặt tên tranh của anh có ảnh hưởng từ tư tưởng Osho? Anh chia sẻ sao về điều này?
- Tôi thích đọc sách và Osho là một tác giả mà tôi yêu mến. Có lẽ vì thế mà tư tưởng và triết lý của ông thấm dần vào trong suy nghĩ của tôi rồi hình thành nên những dấu ấn trong các tác phẩm của tôi.
Còn qua các bức tranh anh đang muốn truyền tải những tư tưởng gì?
- Cuộc sống hiện đại quá xô bồ và gấp gáp, chúng ta vội vàng và quay cuồng, mải miết chạy theo nhịp sống điên cuồng ấy. Tôi muốn gửi gắm một nốt lặng, một thoáng dừng lại, một chút thư giãn để cho tâm hồn nghỉ ngơi, để nhìn lại, nhìn quanh, để thấy rằng quanh chúng ta những gì đang bị bỏ quên, để yêu thương và hạnh phúc.
Anh có thể chia sẻ triển lãm cá nhân ở Mỹ vừa qua? Công chúng Mỹ đã đón nhận tác phẩm của anh ra sao? Anh cũng có thời gian để chiêm nghiệm tác phẩm của nghệ sĩ thế giới ra sao?
- Phòng tranh Salomon đã trưng bày 23 tác phẩm của tôi từ ngày 4/4 đến ngày 26/4/2019. Tôi thực sự bất ngờ vì triển lãm có đông khách tham dự đến thế. Một phòng rộng chật kín những người tôi không hề quen biết, họ là những khán giả, họa sĩ, nhà phê bình không chỉ sống ở New York đã đến thăm triển lãm của tôi. Sự quan tâm và những câu hỏi họ dành cho tôi thực sự khiến tôi cảm động. Họ xem tranh rất kỹ, đặt cho tôi rất nhiều những câu hỏi và trao đổi với tôi rất nhiều trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.
Xin cảm ơn anh!