“Lụa của Hương” là tên triển lãm cá nhân của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hương. Triển lãm trưng bày 26 bức tranh, và bộ tranh ghép 4 bức trên chất liệu lụa và giấy Dó với trục quay bên trong sẽ diễn ra từ ngày 30/12/2019 đến 5/1/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, như một vạch nối mềm mại từ thời khắc chuyển năm cũ sang năm mới. Lụa là chất liệu gắn bó xuyên suốt trên hành trình sáng tạo của Nguyễn Thu Hương, và chủ đề về “sự dằn vặt tính nữ” cũng chiếm vai trò chủ đạo.
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương.
Khi còn nhỏ, chị đã nghĩ tới cuộc đời mình sẽ theo hội họa?
- Trong gia đình có bố là họa sĩ Nguyễn Sinh Kung, từ nhỏ tôi và anh trai hay ngồi làm mẫu cho bố vẽ.
Nghỉ hè bố hay đưa đến lớp học của bố và các cô chú ở trường Mỹ thuật Hà Nội (hiện là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Vì lớp bố vẽ mẫu nude nên tôi không được vào. Sân trường vắng vẻ, cây cối tươi tốt um tùm, nhiều bức tượng lớn, và tranh phù điêu… làm tôi hơi sợ sệt. Không thấy có bạn nhỏ nào như tôi ở đó cả. Khoảng một thời gian ngắn, tôi cứ lang thang và ngắm nghía như thế, và nghĩ đủ thứ chuyện về mỗi bức tranh và tượng.
Còn cơ quan mẹ tôi thì đông vui và nhiều trẻ con hơn, nghỉ hè chúng tôi hay phải theo bố mẹ đi làm vì ở nhà không có người trông.
Sau đó khi về lại nơi sinh sống là thành phố Thái Bình, tôi tham gia các sinh hoạt của Hội văn nghệ và Nhà văn hoá thiếu nhi, chủ yếu là vẽ.
Hầu như tất cả các cuộc thi của thiếu nhi tôi tham gia từ 6 đến13 tuổi đều có giải, giải cao nhất là giải ngoại hạng lúc 6 tuổi, huy chương bạc, khi đó cũng trả lời trên đài phát thanh, trên báo thiếu nhi… Tôi không thấy có tấm ảnh nào lưu lại, nhưng huy chương và các giấy khen thì được bố tôi cất giữ rất cẩn thận.
Khi nhỏ tôi không nghĩ mình sẽ theo hội họa, nhưng mỗi khi buồn (trẻ con cũng hay buồn lắm nhé), tôi luôn nghĩ đến khung cảnh và cảm giác một mình lang thang sân trường mỹ thuật.
Một số tác phẩm triển lãm “Lụa của Hương”.
Những tác phẩm đầu tiên của chị ra sao?
- Trong thời gian là sinh viên khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi có tham gia triển lãm sinh viên của trường và được một số giải thưởng như: giải của lớp học người nước ngoài, giải của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là những bức tranh sơn dầu, lụa do tôi sáng tác, không phải bài tập. Có thể gọi là tác phẩm đầu tiên.
Việc tìm kiếm phong cách vẽ của chị đã diễn ra qua các giai đoạn nào?
- Tôi cũng như tất cả sinh viên học hội họa, luôn muốn tìm lối đi riêng cho mình, có người từ khi học đã định hình được phong cách, có người khi ra trường. Còn tôi thì chậm chạp. Khi ra trường, tôi làm nhiều tranh đồ hoạ, thực chất là học vì tôi tốt nghiệp hội hoạ, cũng vẽ sơn dầu, sơn mài, lụa.... Cho đến khi tốt nghiệp Cao học năm 2012, tôi quyết định lại chọn chất liệu lụa vì tốt nghiệp đại học tôi cũng chọn chất liệu này. Vậy là hai kỳ tốt nghiệp tôi đều chọn lụa để vẽ. Từ đó đến nay tôi dùng lụa là chất liệu sáng tác chính.
Chị đã bao giờ phải bỏ bức tranh đang vẽ dang dở chưa?
- Trong hai kỳ tốt nghiệp này tôi đã phải bỏ bức tranh vẽ hỏng, và vẽ đi vẽ lại, có lúc nản quá tôi xin chuyển chất liệu, nhưng không được vì lý do: Lụa ít người đăng ký quá (cười). Cho đến nay tranh lụa vẫn là số ít các họa sĩ lựa chọn để làm chất liệu chính trong sáng tác. Đó cũng là lý do vì sao tôi đến với chất liệu lụa, vì ít người chọn.
Việc sử dụng lụa trên nền giấy Dó đã đem lại cảm hứng cho chị ra sao?
- Tôi vẽ mầu nước trên lụa, sau đó biểu lên giấy Dó.
Lụa tôi vẽ là chất liệu lụa tơ tằm 100% của Việt Nam! Nó thấm mầu rất tốt.
Tôi mua lụa ở làng Quan Phố, Duy Tiên, Hà Nam, được dệt thủ công từ những người thợ lâu năm.
Trong con kén, lớp ngoài cùng gọi là sồi, lớp giữa là lớp tơ nõn là chuẩn lụa dệt để vẽ.
Lớp trong cùng là áo em rút to như sợi sồi để dệt đũi.
Lụa vàng là từ tơ con kén vàng, chỉ chăn nuôi được vào mùa hè, mùa lạnh hay bị chết.
Tôi thích vẽ trên chất liệu tơ tằm của miền Bắc, ngoài Bắc lạnh, chăn nuôi tằm không thuận lợi như trong Nam, mùa thu lá dâu rụng, không có đủ lá nuôi tằm... nên chúng tự chết, giá thành không hề rẻ, nhưng tôi vẫn chọn chất liệu lụa 100% tơ tằm.
Mới đây ở Việt Nam có tơ sen và tôi sẽ thử trên chất liệu này.
Tranh lụa trên giấy Dó rất khó cho các thao tác kỹ thuật?
- Giấy Dó chỉ sau khi đã vẽ tranh trên nền lụa xong, muốn cho tranh phẳng phiu, không bị xô các thớ lụa và thắm màu, tôi dán lên lưng tranh lụa một lớp giấy gọi là Biểu lụa. Có thể dùng giấy báo hoặc loại giấy khác nhưng tôi hay chọn giấy Dó.
Một bức tranh lụa của chị có các bước tiến hành cụ thể ra sao?
- Khi có ý định vẽ một bức tranh lụa, tôi thường phác thảo chì hoặc mầu trước, sau đó chuẩn bị dụng cụ như: lụa căng trên chassi (khung gỗ mềm), khung lụa này cần đảm bảo mặt gỗ phía giáp với mặt lụa cần bào nghiêng vát 45 độ để tránh khi lụa gặp nước, chùng xuống không bị dính vào mặt khung. Làm ướt miếng lụa để căng cho đều. Sau đó để khô, can hình phác thảo lên bề mặt bằng bút chì. Không thể tẩy xoá như trên giấy nên bắt buộc phải làm kỹ phác thảo và phóng to theo kích thước tranh. Tôi thường đặt lên giá vẽ, thay vì để nằm hoặc nghiêng dốc về phía người vẽ, lót dưới lụa tờ giấy trắng sạch để nhìn hình, mầu cho dễ. Khi vẽ, mầu thấm vào các thớ lụa, mảng mầu đã đen là không thể trắng được nữa. Nên vẽ tranh lụa cần có sự an tĩnh yên bình sâu xa trong tâm cảm. Một nét vẽ buông ra là không thể sửa chữa. Sau những lần làm đi làm lại bài tốt nghiệp vì sai, hỏng, tôi chưa bao giờ lặp lại, nếu có sai tôi chủ động cho đúng, và đủ kinh nghiệm để điều khiển nước trên mặt lụa.
Tâm thế và cảm xúc của chị trước mỗi bức tranh?
- Mỗi bức tranh là cảm xúc riêng cá nhân khi bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả những gì xung quanh như nhìn thấy, gặp, chứng kiến. Không nhất thiết là của mình mà người khác hoặc người mình không quen biết, nếu để lại ấn tượng hoặc làm tôi luôn nghĩ đến, tôi sẽ vẽ lại theo cách của tôi.
Còn sau khi kết thúc tác phẩm?
- Có thể nó vẫn giữ được hoặc thay đổi so với lúc đầu nhưng xâu chuỗi thì vẫn là ý của tôi, vì mỗi sự việc có thể tôi - bạn nghĩ theo các cách khác nhau.
Vì sao chị lựa chọn thể hiện thiên tính nữ, những câu chuyện về tâm lý, cảm xúc thông qua hình thể về phụ nữ xuyên suốt quá trình sáng tác của mình?
- Hình ảnh thiên tính nữ chỉ là hình ảnh chung nhưng lại xuyên suốt với đủ các lứa tuổi, mà tôi chiêm nghiệm được trong cuộc sống. Với tôi, quan sát hiện thực ngoài kia bằng đôi mắt mở to, vì muốn hiểu thấu bản chất sự vật hiện tượng, muốn tìm xem đâu là ranh giới đúng sai, hay dở, đẹp xấu ... Nhưng, mọi hình ảnh cứ trôi qua vùn vụt không chờ đợi, tâm trí tôi chỉ kịp lưu lại một phần rất nhỏ hiện thực. Và rồi, cảm xúc chủ quan cùng với óc tưởng tượng, đã biến chút nhỏ nhoi kia thành một kiểu “hiện thực” khác. Như một đoàn tàu đã đi qua, mọi hình ảnh, màu sắc, hình dáng, và âm thanh được lưu trong ký ức sẽ không còn là nó nữa... Hội hoạ của tôi ghi lại điều này.
Sáng tác cho trước hết vì mong muốn bản thân, chị có quan tâm đến việc đưa tác phẩm ra thị trường?
- Tôi có quan tâm đến điều này. Với tôi, công chúng thưởng thức có ý nghĩa lớn và như là động lực. Ví dụ cách đây nhiều năm có chị Việt kiều xem tranh tôi trong triển lãm nhóm, đã lấy số điện thoại và hai năm sau về Việt Nam, chị gọi điện gặp tôi, chị nói “không thể quên được bức tranh ấy, và chị đã kiếm đủ tiền để lấy hai bức về treo”. Cuộc nói chuyện kéo dài vì chị nói tiếng Việt không lưu loát lắm, nhưng tôi cảm nhận chị cũng có nỗi niềm riêng, và tranh tôi đã đồng cảm điều ấy! Sau đó bạn của chị cũng mua tranh tôi. Vẫn là những người chị nghị lực, giỏi giang trong xã hội, nên tôi rất tự hào.
Cuộc sống thường ngày của một nữ họa sĩ như chị đang diễn ra thế nào?
- Tôi có gia đình, một chồng và hai con, cả hai vợ chồng là họa sĩ, con cái cũng yêu vẽ.
Mong muốn của chị qua triển lãm lần này thì sao?
- Lụa là chất liệu tạo hình đặc trưng của phương Đông.
Tranh lụa với tính chất mềm mại, trong trẻo và thơ mộng lại có tuổi thọ khá cổ kính. Lụa, với tư cách là “chất liệu tạo hình” chỉ xuất hiện tại Việt Nam từ 1925.
Từ đó đến nay, gần một thế kỷ phát triển. Muốn tranh lụa gần gũi với mọi người hơn, và chất liệu lụa của Việt Nam được nhiều người nước ngoài biết đến, qua các nghành nghề như, hội họa, thời trang, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất....
Tôi chọn 26 tác phẩm sáng tác trong những năm gần đây để trưng bày triển lãm cá nhân lần này, kích thước lớn nhất 85.120cm, 60.80cm, nhỏ nhất 50.40cm và bộ tranh ghép 4 bức 70.40cm. Và tôi vẫn chọn lụa là chất liệu chính trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn chị!