Nét thanh lịch hoặc tài hoa, nho nhã của con người nơi đây hình như được đào luyện bởi những phẩm chất kể trên.
PV:Thưa, là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông nhận thấy đâu là phẩm chất nổi bật của người Hà Nội?
Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn: Điềm đạm, thận trọng, nhún nhường. Những phẩm chất này bắt nguồn từ xa xưa bởi vì nơi đây luôn có những biến động về cư dân. Hầu hết tinh hoa của đất nước đều góp mặt ở chốn kinh kì. Vua quan, nghệ sĩ, nhà khoa học từng có mặt khá nhiều trên đất này. Có người được đào luyện nhiều đời trong gia đình, cũng có người ý thức được rất nhanh khi đặt chân lên mảnh đất này. Sẽ rất hiếm khi ta gặp một người Hà Nội huênh hoang cao đàm khoát luận dạy dỗ chốn đông người. Cũng hiếm khi thấy một người Hà Nội tranh giành đua chen với ai đó. Họ sẽ làm tốt nhất công việc như mình có thể mà hiếm khi mang ra thi thố khuếch trương.
Thế còn nét thanh lịch hoặc cao hơn, là sự tài hoa, nho nhã mà người ta hay nhắc đến?
- Nét thanh lịch hoặc tài hoa, nho nhã của con người nơi đây hình như được đào luyện bởi những phẩm chất kể trên. Dĩ nhiên người Hà Nội không phải ai cũng tài hoa. Thậm chí còn hiếm so với nhiều nơi khác. Đại khái ta thấy trong các cuộc thi mang tính xã hội rộng lớn như hoa hậu, hát hò, thể thao, kỉ lục... người Hà Nội ít khi đăng quang trên bục cao nhất. Cái thanh lịch ở đây hình như phải được hiểu bằng hai cách. Cách thứ nhất là người tài sẽ nhún nhường không phô trương cái tài của mình. Cách thứ hai, rất có thể họ chẳng có tài gì cả nên buộc phải ứng xử có phần thanh lịch.
Cuối cùng thì người Hà Nội nói chung hướng đến sự bình thường. Anh tài kiệt xuất nhiều khi xuất hiện nhưng con cháu họ luôn trở thành người bình thường. Chẳng biết đó có phải mong muốn hay chỉ là diễn biến ngẫu nhiên của gia đình họ. Tất nhiên sự bình thường của những dòng họ gia thế vẫn luôn nuôi dưỡng được những phẩm chất hào hoa thanh lịch của cha ông.
Trong sách của mình, ông thường kể lại những câu chuyện về người Hà Nội xưa. Từ chuyện ăn phở, từ nết chơi hoa, cho tới lời chào hay những nếp nhà Hà Nội. Nhưng Đỗ Phấn, trong cái viết của mình, cũng thường có nhiều suy tư, trăn trở về Hà Nội hôm nay. Theo ông, người Hà Nội hôm nay đang nối dài truyền thống đáng tự hào của người Hà Nội xưa?
- Nếp xưa Hà Nội và ứng xử hôm nay có khá nhiều chuyện phải bàn. Thậm chí có thể là một đề tài tìm hiểu bất tận cho các nhà khoa học xã hội. Người viết về Hà Nội không thiếu. Có thể nói rằng hầu như ai cầm bút cũng đều viết về Hà Nội dù chỉ một thoáng đặt chân đến đây. Người mới đặt chân đến dĩ nhiên quan tâm những gì đang xảy ra mà họ có thể biết chắc bằng quan sát của mình. Người sinh sống lâu đời ở đây cũng dĩ nhiên không khỏi có những so sánh với quá khứ.
Nói rằng người Hà Nội hôm nay đang có ý thức nối dài truyền thống xưa cũng không hẳn đúng. Bởi vì cái truyền thống xưa với nhiều người chỉ là đọc được qua sách vở. Một mảnh ghép rất nhỏ của Hà Nội xưa mà không phải là tất cả. Truyền thống xưa cũng có nhiều cái đáng tự hào và nhiều cái không. Thí dụ như truyền thống lãnh đạm thờ ơ với nhiều sự việc xảy ra trên phố chẳng hề đáng tự hào chút nào.
Những người đang sống ở Hà Nội ngày nay liệu có làm gián đoạn điều gì, theo ông?
- Gián đoạn lớn nhất và đáng tiếc nhất của Hà Nội hơn nửa thế kỉ qua chính là nhịp độ sống đã bị vô tình hoặc cố ý đẩy lên cao. Nhịp độ sống của người Hà Nội hôm nay có vẻ như vội vã. Nó biểu hiện ở rất nhiều mặt của đời sống xã hội. Từ chuyện ăn uống hàng quán và gia đình đã bắt đầu xô bồ theo hướng công nghiệp hóa. Chẳng còn ai cầu kì ngồi giã vài con cua đồng nấu nồi canh mướp mồng tơi cho đúng cách nữa. Lựa chọn của họ là ra chợ mua cua xay sẵn, mua rau nhặt sẵn và mua mướp người ta đã gọt rồi… Ăn đã thế, mặc cũng vậy. Dù theo mode thời trang hay không thì quần áo cũng đều cho vào máy giặt. Rất hiếm người còn giặt tay bộ quần áo của mình. Ngoài đường đa số thấy người ta mặc những thứ đồ không cần đến cái bàn là. May mà thành phố này chị em còn chưa đến nỗi mặc bộ đồ ở nhà phóng xe máy vi vu trên đường như một vài nơi ta thấy phổ biến.
Xin cảm ơn ông!