Triển lãm 32 bức tranh sơn mài Hoa về trong đêm của họa sĩ Trần Quốc Long vừa kết thúc tại TP HCM. Giữa chốn đô hội, phồn hoa, mỗi bức tranh của anh đầy tràn sự trong trẻo, thơ mộc, mộc mạc, giản dị, tĩnh tại của hương sắc con người giữa thiên nhiên. Họa sĩ Trần Quốc Long trò chuyện với tôi khi anh đã trở về Đà Lạt.
Họa sĩ Trần Quốc Long.
Tuổi thơ của tôi lớn lên trên hòn đảo Nghi Sơn, nơi quanh năm sóng gió. Từ nhỏ, tôi đã quen với tiếng sóng tựa như những giai điệu, lúc dịu êm lúc dữ dội theo cách quen thuộc, cùng bầu trời rộng lớn và dài bất tận. Trên bờ có những hòn đá lớn được sóng bào mòn, tạo nên bãi đá dài bao quanh đảo. Tuổi thơ tôi rất gắn bó với những hòn đá ấy, chúng như những khuôn mặt, với vô vàn hình thù ăn sâu vào ký ức.
Lớn lên, khi người dân trên đảo bắt đầu có cái tivi đen trắng, tôi thường ngồi chọn xem chương trình về nghệ thuật tạo hình. Nhờ thế, tôi biết, ở Hà Nội xa xôi có một ngôi trường đào tạo nghệ thuật tạo hình lớn nhất Việt Nam, trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Từ đó, ước mơ trở thành họa sĩ trong tôi ngày một cháy bỏng.
Tác phẩm của họa sĩ Trần Quốc Long.
Khi tôi học trung học phổ thông cũng là lúc các sinh viên trường Mỹ thuật về quê tôi thực tế, đó là cái duyên đầu tiên để tôi tiếp xúc với những con người theo học nghệ thuật. Nhờ thế, ước mơ của tôi lớn dần và trở nên cháy bỏng. Bố mẹ tôi lại không đồng ý để tôi theo đuổi con đường của mình, vì thế, tôi trốn khỏi nhà, đi Hà Nội, để tìm đến ngôi trường mà tôi mong ước. Qua nhiều năm tháng phấn đấu và nuôi dưỡng lòng say mê, tôi trở thành sinh viên và được theo học tại trường.
Vì sao anh lại rời Hà Nội để đến vẽ tại Đà Lạt?
- Sau 18 năm sinh sống, lao động và học tập tại các TP HCM, Thanh Hóa và Thái Bình, lâu dài nhất là ở Thủ đô Hà Nội, tôi nhận ra một điều: những năm tháng dài đó chỉ là những chặng đường sinh sống, lao động, thu thập kiến thức, trải nghiệm… Đã đến lúc mình phải đem những kiến thức học tập được, tìm nơi chốn yên tĩnh nhất để sáng tạo.
Đến sinh sống tại Đà Lạt cũng là một cơ duyên khác của tôi, do tôi tới đây du lịch và yêu một cô gái Đà Lạt. Khi sống ở đây, tôi nhận ra mảnh đất này thật phù hợp với sự rung động cá nhân của tôi, từ không khí, sự thơ mộng, các điều kiện cho sự sáng tạo. Vì vậy tôi đã chọn ở lại.
Sống và sáng tác ở Đà Lạt với anh diễn ra như thế nào?
- Những ngày sinh sống ở Đà Lạt, tôi học tập được nhiều thứ. Tôi có tình yêu, dù sau đó một năm tôi và bạn gái chia tay nhau. Tại đây, tôi gặp được nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành. Anh Thành dạy tôi nhiều thứ, như việc sống và hành thiền, biết tự làm nhà, biết tích trữ hạt giống và các loại hoa. Ở Đà Lạt, tôi luôn bận rộn với việc vừa làm nhà, vừa vẽ, vừa trồng rau và hoa… và tôi khá hài lòng với cuộc sống này.
Sự trao đổi, mua bán nghệ thuật ở đây khá chậm, nhưng không sao, tôi vẫn vẽ, vẫn lao động nghệ thuật hăng say cũng như không nghĩ nhiều. Chỉ biết mỗi ngày được làm điều mình thích, đó là hạnh phúc. Sự tích cực trong tinh thần giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, làm tôi thêm vững tin với con đường nghệ thuật mà tôi đang theo đuổi.
Dường như anh thích một mình và tránh đám đông?
- Điều này hoàn toàn chính xác. 18 năm lang thang, tìm kiếm, học tập, sáng tạo nghệ thuật, tôi đã gặp quá nhiều thăng trầm ở chốn đô thị phù hoa. Tôi cũng gặp nhiều sự vô lý. Con người sống theo cái “ảo”,chạy theo cám dỗ ham muốn vật chất mà họ quên đi thứ quý giá nhất mà cũng cần thiết nhất, đó là sự sống trong không khí, đất, nước, lửa, gió. Môi trường bị ô nhiễm hư hại nặng nề. Tôi chán nản với việc tiếp xúc với nhóm đông người. Vì thế, được sống một mình, ngắm hoa lá nảy lộc đâm chồi, nhìn nước cùng những con cá cảnh tôi nuôi, đối thoại với sáng tạo của mình… làm cho tôi thấy thoải mái và có nhiều năng lượng tốt.
Vì sao anh lại chọn sơn mài để thể hiện tư tưởng của mình?
- Sau nhiều năm theo học, nghiên cứu và tìm tòi, tôi thấy tôi và sơn mài dường như “hiểu” nhau. Khi vẽ sơn mài, tôi thấy chạm được vào cảm xúc sâu xa trong mình. Tôi sung sướng, vui mừng khi tạo ra được kỹ thuật mới cũng như “chữa được bệnh” của sơn mài. Sơn mài cho tôi được giãi bày thỏa thích, được “phá cách”, được chồng đến 20 hoặc 30 lớp kim loại và màu mà không sợ bị phô, bị cộm, bị dày… Ngoài ra, khi tôi là sinh viên, các thầy giáo cũng nhận định tôi rất hợp với sơn mài, tạo chất và màu trong sáng.
Để tìm cho mình phong cách riêng, anh đã trải qua những gì?
- Trước khi trở thành sinh viên mỹ thuật thì tôi đã vẽ nhiều và từ rất sớm. Tôi có thời gian được gặp gỡ và sống cùng nhiều họa sĩ tài năng nên tôi không ngừng học hỏi từ họ. Tôi đã trải qua nhiều phong cách vẽ, nhiều trường phái nghiên cứu và sáng tạo, nhiều thể loại và chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa, ký họa... Tôi phát hiện ra, chỉ khi vẽ những gì mình thích, mình nghĩ, những trải nghiệm và cảm xúc của chính mình, sẽ tạo lên cái lạ riêng.
Anh chọn lối đi riêng, với những bức tranh về phụ nữ mang tính chất biểu hiện và siêu thực?
- Xưa đến giờ, tôi vẽ nhiều chân dung. Trường phái tôi theo đuổi là biểu hiện hành động. Còn siêu thực thì tôi không chủ động vẽ, nhưng trong tranh của tôi đã có sẵn yếu tố siêu thực. Phụ nữ trong tranh của tôi chỉ là biểu hiện cho tâm trạng của chính tôi mà thôi.
Phụ nữ trong tranh anh là sự dị hình cùng những gào thét khắc khoải?
- Đó chính là tâm trạng của tôi, luôn cô đơn, gào thét, khắc khoải, vận lộn với những cảm xúc chồng chéo nhau, không thể lý giải. Với tôi, vẽ là tìm câu trả lời cho các nghi vấn của bản thân. Tôi vui khi thấy cảm xúc đó trong thời khắc đó là như thế.
Một bức tranh không phải bắt mắt để bán dễ dàng, mà là chính cảm xúc suy tưởng trong anh?
- Đúng rồi, tôi luôn nghĩ và làm vậy. Tôi thấy phải nghĩ đến việc tranh như thế nào thì có thể bán được là rất khó với tôi. Tôi vẽ không phải để chiều lòng ai hoặc dễ dàng bán. Tôi vẽ nên cảm xúc của riêng tôi. Vì thế, ai thấy thích, thấy chính họ trong đó để có thể đồng cảm được thì họ mua. Tôi không quan tâm lắm đến vấn đề bán tranh, vì khi hoàn thành một tác phẩm, tôi thấy trọn vẹn với công việc của mình rồi. Mỗi bức tranh mang nguồn năng lượng riêng, số phận riêng của nó…
Trong những công đoạn làm tranh sơn mài, điều gì khó nhất đối với anh?
- Điều tôi lo lắng nhất là điều kiện tự nhiên, thời tiết. Độ ẩm không tới, tranh có thể bị khô và tôi không vẽ thêm được lớp mới. Vì thế, tôi tự tạo ra một phòng ủ đủ tiêu chuẩn. Công đoạn nữa là mài. Tôi phải mài kỹ lưỡng, cẩn trọng. Nếu không, tôi phải trả giá cho những lớp màu kế tiếp, tranh sẽ không sâu như tôi muốn.
Màu sắc anh sử dụng trong tranh khá lạ, anh có thể chia sẻ về điều này?
- Với tôi, sơn mài là vẽ kim loại chứ không phải vẽ màu. Thực tế là tôi dùng màu để nhuộm trên kim loại. Màu xanh trong tranh tôi khá đặc biệt. Tôi tìm ra được màu nào, thì màu đó đều lấp lánh, vàng son. Tôi vẽ 80% là sơn then, tranh rất trầm.
Ý tưởng sáng tạo tiếp theo của anh?
- Tôi tiếp tục gắn bó với sơn mài. Bộ tranh tới, tôi sẽ vẽ biển cùng những giấc mơ của tôi. Ý tưởng gì đến với tôi, là cảm xúc của chính tôi, tôi sẽ vẽ nó. Tôi là người làm thuê cho Thượng đế.
Xin cảm ơn anh!
* Họa sĩ Trần Quốc Long sinh năm 1981 tại Thanh Hóa
Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội
Hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Lạt
Triển lãm cá nhân:
- 3.600 ngày (2014, Hà Nội)
- Hoa về trong đêm (2018, TPHCM)
Tham gia nhiều triển lãm nhóm khác.