Điều kiện vật chất phát triển lên, xã hội phát triển lên thì tín ngưỡng Phật giáo cũng phát triển lên, nhưng phải hài hòa.- Hòa thượng Thích Gia Quang
PV: Thú thực với thày, chúng ta đều biết chúng ta đang sống trong một giai đoạn phát triển xã hội rất phức tạp. Nhiều khó khăn…. Tất nhiên, điều kiện thuận lợi cũng có, nhưng vẫn đang tồn tại không ít thách thức đối với cả cuộc sống con người, đối với sự phát triển đời sống tinh thần của con người. Và cũng có vô số những điều phức tạp mới nảy sinh. Theo cách nhìn của thày, đạo Phật có thể làm gì trong giai đoạn hiện nay để giúp cho con người sống được tốt hơn và có thêm sức mạnh về tinh thần hơn, để ứng phó với tất cả những cái khó khăn, phức tạp trở ngại ở bên ngoài?
Hoà thượng Thích Gia Quang: Đúng là trong thời buổi ngày nay, đặc biệt là tình hình chung thế giới, rồi riêng với Việt Nam, có nhiều phức tạp, nhiều những khó khăn trong đời sống xã hội như chúng ta đã biết. Muốn giải quyết được những khó khăn phức tạp có thể gọi là những cái không được tốt đẹp đó trong xã hội thì con người cần phải biết học hỏi, biết thực hành theo những lời của Phật dạy. Tôi nói thí dụ về vấn đề tệ nạn xã hội chẳng hạn, thì đạo đức của Phật giáo phải nói là tuyệt vời, đưa con người ta đến lối sống lành mạnh, chân chính.
Thí dụ như là trong 5 giới của Đức Phật dạy: không có uống rượu, không có tà dâm, không nói dối, không sát sinh, không trộm cắp. Người theo Phật giáo là không có làm những việc đó. Nếu tất cả chúng ta đều không làm những điều đó thì sẽ giúp cho xã hội được an bình rất nhiều. Tôi chưa kể nói cả những chuyện chiến tranh và hòa bình, những thứ vĩ mô trên trái đất này đối với nhân loại thì đạo Phật dạy cũng rất rõ. Vì đạo Phật là đạo của hòa bình, của tình thương, không có xung đột, không có kỳ thị, rồi không có vì cái ngã hay là vì những cái gọi là vị kỷ. Đạo Phật kêu gọi, khích lệ lòng vị tha, ham muốn xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Và như vậy thì kể cả những việc lớn hiện nay mà nhân loại đang phải đối mặt như xung đột, chiến tranh, hay chạy đua vũ trang thì chính giáo lý nhà Phật, lời dạy của Phật cũng ngăn cản và có thể xóa đi tất cả nếu con người biết thực hiện, biết nghe theo...
Đúng như lời thày nói, nếu như con người biết thực hiện, biết nghe giáo lý ấy sẽ rất tốt. Nhưng thực tế là mọi sự tiêu cực đó vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí hoành hành từ nhiều nghìn năm nay. Cái thiện luôn được tôn vinh, nhưng cái ác cũng vẫn luôn song hành tồn tại. Và bởi thế có ý kiến cho rằng, đạo Phật cũng như không ít các tôn giáo khác có thể làm cho người tốt trở nên tốt hơn, nhưng không thể nào cải hóa được người xấu. Bởi nếu chỉ là sự khích lệ người ta tự tu tâm dưỡng tính, tự trau dồi mình và không có những biện pháp nào đó để kiểm tra, nói cách khác là không có hoạt động “hậu giáo dục”, nói một cách trần tục là như vậy, thì không thể nào giảm bớt được cái ác. Và cũng chính vì thế cho nên trong tình hình hiện nay, đạo Phật cũng vẫn chỉ tạo ra nguồn xung lực tốt cho những người tốt nhưng vẫn không góp được nhiều phần để mà giúp cho xã hội giảm bớt cái xấu, những cái tiêu cực đi. Thày nghĩ thế nào về đánh giá đó?
- Thoạt nhìn vào thì đánh giá đó có vẻ như rất đúng. Nhưng nếu nói về mặt sâu xa thì chính những lời răn dạy của Đức Phật đã là những cái để ngăn chặn những mầm mống rồi. Vì sao? Vì theo luật nhân quả, nếu như anh không tin luật nhân quả và anh không nghe theo lời Phật dạy, anh cứ làm những việc xấu thì đó là quyền của anh. Nhưng làm rồi thì từ “nhân” xấu đó, nó tất yếu sẽ đem đến những “quả” xấu và lúc đó anh phải chịu. Tôi cho rằng cái thuyết nhân quả đó là một sự răn đe, buộc chúng ta phải hiểu rằng, nếu chúng ta làm điều xấu thì chúng ta sẽ phải gánh hậu quả xấu.
Tức là đạo Phật cũng như nhiều tôn giáo khác, khi bước vào làm tín đồ của bất cứ tôn giáo nào, chúng ta cũng đều phải công nhận một số tiền đề nhất định. Và trong các tiền đề căn bản nhất trong việc tu theo đạo Phật đó là luật nhân quả. Và con người ta muốn trở nên tốt thì cần phải có tín ngưỡng, phải có những niềm tin mang tính tiền đề như niềm tin của các tín đồ đạo Phật, có đúng không ạ?
- Đúng thế…
Và một xã hội không có tín ngưỡng thì rất khó xây dựng nó theo những tiêu chí đạo đức, có đúng như vậy không ạ?
- Đúng như thế. Con người phải có niềm tin và niềm tin ấy trong đạo Phật chính là niềm tin vào nhân quả, vào nghiệp báo. Từ đó để anh tự điều chỉnh hành vi của anh.
Tín ngưỡng rất cần cho con người. Tôn giáo cũng cần cho con người để xây dựng một xã hội phát triển theo những tiêu chí đạo đức. Và như cũng ta đã chứng kiến, giai đoạn hiện nay thì kinh tế của chúng ta mới phát triển đôi chút, còn thực ra những khó khăn về kinh tế vẫn rất nặng, rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng có lẽ phải lâu lắm rồi ở Việt Nam mới rộ lên những phong trào, những hoạt động nhằm xây dựng mới những công trình mới ngày một to đẹp hơn cho người ta đến để tu tâm dưỡng tánh, để chiêm bái đạo Phật. Thày nghĩ thế nào về việc này, nó có mâu thuẫn không khi vật lực của chúng ta hiện nay chưa nhiều? Sự dồn tâm của chúng ta đã đành, nhưng dồn lực nhiều vào để phát triển những công trình tôn giáo nói chung và đặc biệt là trong Phật giáo nói riêng thì với vị trí của mình, thày nghĩ thế nào về việc này?
- Việc đó đúng như nhà báo nói là nó phải tùy theo điều kiện xã hội. Mặc dù là con người Việt Nam nói chung, đặc biệt là những người theo Phật giáo nói riêng thì có tâm đã là rất quý rồi. Nhưng cũng là việc rất tốt nếu chúng ta chăm lo cho điều kiện cơ sở vật chất của việc tu hành. Ví dụ xây dựng những ngôi chùa, hay xây dựng những ngôi thiền đường để cho mọi người đến chiêm bái, tĩnh tâm, học hỏi tu dưỡng đạo đức, học tập theo tấm gương của Đức Phật. Cái đó rất tốt và cũng phải tùy theo điều kiện cụ thể. Nếu như điều kiện mình chưa có thể đáp ứng được một cách rộng rãi đầy đủ, thì ít ra cũng cần có những nơi để truyền bá tư tưởng, giáo lý tốt đẹp của Phật giáo, hay là giáo lý tốt đẹp của các tôn giáo nói chung đến người dân. Tôi thấy cái đó là tốt và chúng tôi cũng khuyến khích rằng, nếu như có điều kiện thì nhà nước cũng nên quan tâm hơn nữa và cho phép mở rộng hơn nữa. Bởi đó vừa là phát triển kinh tế, vừa là đáp ứng cái tinh thần, phát triển tinh thần tốt đẹp lên, song song với nhau, như vậy nó sẽ hài hòa trong xã hội, vừa là tinh thần, vừa là đạo đức, vừa là vật chất.
Vâng, vậy là chúng ta khuyến khích sự phát triển xây dựng các công trình tôn giáo, nhưng trong bất cứ điều kiện nào cần phải biết “liệu cơm gắp mắm”, không bao giờ quá dồn tất cả vật lực vào các công trình ấy, nếu khi đời sống vật chất của chúng ta chưa đạt được mức độ thỏa đáng. Có hai quan điểm thế này: Phật giáo Việt Nam luôn là Phật giáo của dân gian, của người dân bình thường nhiều hơn là của tầng lớp trên. Chính vì thế mà nó có sự phát triển rất lành mạnh, và trong suốt lịch sử của chúng ta, phần lớn với đặc điểm lịch sử, địa lý, chính trị thì những ngôi chùa Việt Nam phần lớn là giản dị, khiêm nhường. Đó là truyền thống rất cần được tôn trọng. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng, một khi đất nước phát triển, một khi điều kiện của những tín đồ trong đời sống thế tục được cải thiện không ngừng, thì cũng nên nới rộng cái nhìn về những công trình tôn giáo và điều kiện sinh hoạt, điều kiện tu hành của những người truyền bá đạo Phật cho dân chúng. Thày nghĩ thế nào, nếu bây giờ bắt những người tu hành phải kham khổ, kiệm nhường như thời trước thì đó là một yêu cầu không nên có? Tất nhiên trong mọi sự đều phải có mức độ, và điều kiện người tu hành cần có mức độ trong việc hưởng thụ đời sống của mình, nhưng mà vẫn nên coi trọng cải thiện đời sống tu hành. Thày nghĩ như thế nào về hai quan điểm trên?
- Tôi nghĩ chuyện cải thiện đời sống tu hành cũng như nâng cấp công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh, đặc biệt là với Phật giáo thì đó là điều tốt, nhưng nó phải hài hòa với hoàn cảnh chung của xã hội. Và cũng như Đức Phật đã dạy bài kinh đầu tiên cho các đệ tử của ngài là: “Hãy sống một cách trung đạo”, nghĩa là không thái quá, không xa hoa và cũng không kham khổ quá. Đối với các công trình văn hóa Phật giáo của Việt Nam, hay đời sống của các vị tu sĩ Phật giáo cũng vậy, mình làm sao phải hài hòa với xã hội. Còn điều kiện vật chất phát triển lên, xã hội phát triển lên thì tín ngưỡng Phật giáo cũng phát triển lên, nhưng phải hài hòa. Tất nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng, nên cần phải thoáng hơn, làm chùa to lên, rồi cái gì cũng hoành tráng lên. Nhưng quan điểm của tôi là phải hài hòa.
Tôi nhớ nhà thơ Nga Andrei Voznesensky từng viết đại ý rằng, khi đất nước còn khó khăn gian khổ mà lãnh đạo lại đi trưng diện tất cả kim cương và nếp sống xa hoa ra thì đó là hành vi thiếu đạo đức. Nhìn từ góc độ đó và tiếp theo ý của thày vừa nói, thì dù xã hội phát triển như thế nào thì người tu hành cũng nên sống trong những điều kiện ít ra là không quá mức sống trung bình của xã hội ấy. Không ai bắt người tu hành phải kham khổ cả, nhưng một khi đã là người tu hành thì không nên trưng diện sự xa hoa, mặc dù có thể có nhiều điều kiện để làm việc ấy. Và dù có những nguồn thu chính đáng rất lớn thì cũng không nên sống quá xa hoa…
- Như vậy nhà báo đã giải thích rõ ý của tôi rồi đấy. Đúng là như thế!
Vâng. Tuy nhiên, tôi lại nhận thấy rằng, ở thời điểm hiện nay, với tình hình cụ thể hiện nay, liệu chúng ta đã phải lo lắng về việc có những người tu hành không làm theo những tiêu chí mà chúng ta vừa nói? Hay là những hiện tượng như thế, được đề cập cả trên những phương tiện truyền thông, mới chỉ là những vụ việc nhỏ lẻ và hoàn toàn chúng ta có thể xử lý được, ứng phó được? Có thực là những việc như thế chưa trở thành trào lưu khiến chúng ta không phải lo ngại, hay các thày đã bắt đầu lo ngại về việc đó?
- Thực ra chúng tôi đã thấy lo ngại rồi đấy, là vì gần đây có một số hiện tượng, khi ngay cả các nhà tu hành như chúng tôi thôi cũng đã có những cái hơi thái quá một chút. Và cái đó làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Phật giáo nói chung, cũng như của người tu sĩ theo Phật giáo nói riêng.
Đại đa số các bậc tu hành đều tốt, nhưng có một số hiện tượng…
- Vâng! Và như người ta đã nói, người đi tu phải “xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần”, giả sử mình có điều kiện đi chăng nữa thì cũng phải nên suy nghĩ rằng, mình là người xuất gia, tu hành nên phải khiêm tốn, khiêm nhường thì vẫn là hay hơn.
Tức là người tu hành mặc dù có thể thừa điều kiện sống như người thường, nhưng vẫn không sống như người thường, vẫn biết tự hạn chế mình thì đó mới là ý nghĩa của việc tu hành? Phải giác ngộ được điều đó thì mới nên bước vào con đường tu?
- Chính xác!
Sống như người thường cũng không có gì xấu cả, nhưng khi mình đã chấp nhận nghiệp tu thì phải biết hạn chế mình.
- Đúng rồi! Mình không biết hạn chế thì người ngoài người ta sẽ cười. Người ta cho rằng anh tu như thế chưa phải là tu, cho nên phải giữ gìn.
Trong đạo Phật hiện nay có rất nhiều những hệ phái khác nhau, ở mỗi hệ phái lại có quy tắc hành xử khác nhau đối với các bậc tu hành, thí dụ như Nam Tông hay Bắc Tông… Quan điểm của lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam về sự khác nhau như thế nào, và dung hòa như thế nào những sự khác nhau đó?
- Thực ra có những hệ phái khác nhau, nhưng gọi là khác nhau chỉ về màu sắc, một số sinh hoạt trong đời thường thôi, chứ giáo lý lại là một, là nhất quán.
Chính điều đó làm nên sự đa dạng của việc tu hành, và làm cho xã hội phong phú hơn, chứ nó không loại trừ nhau. Và không gây mâu thuẫn, không loại trừ nhau?
- Đúng rồi! Đúng rồi! Đó là những thứ rất hay của đạo Phật, và đặc biệt ở Việt Nam chúng ta. Việt Nam có mấy hệ phái của đạo Phật nữa, cho nên nó rất hay.
Lại có ý kiến cho rằng, đạo Phật là một trong những tôn giáo ưa chuộng hòa bình nhất, và dễ làm nhân tố đoàn kết nhất. Đạo Phật vừa là hướng vào nội tâm con người, nhưng rất cởi mở với cả các giáo lý khác và các luồng tư tưởng khác mình. Đạo Phật chưa bao giờ bài xích tất cả những gì khác mình. Nhìn từ góc độ đó, dưới mái nhà chung của Măt trận Tổ quốc Việt Nam thì đạo Phật đã làm được gì và có thể làm được gì hơn nữa để chúng ta cùng xây dựng một cuộc sống để đồng hành với tất cả tư tưởng, những tín ngưỡng khác cùng xây dựng đất nước, cùng bồi đắp cho những phẩm hạnh tốt của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam?
- Đối với Phật giáo, trong dân gian người Việt Nam đã có câu “Mỗi người mỗi nước mỗi non/ Đến cửa nhà Phật như con một nhà”. Đó là thể hiện sự đoàn kết, hữu nghị, chung tay xây dựng cuộc sống. Mặt trận Tổ quốc cũng có nghĩa là đoàn kết. Thế nên hai cái đó gặp nhau là tất yếu, là duyên. Giáo hội Phật giáo là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Rõ ràng là Phật giáo đóng một vai trò rất quan trọng, không những là quan trọng với lĩnh vực tôn giáo, hay là đối với lĩnh vực về tổ chức cơ cấu xã hội, mà nó cũng rất quan trọng đối với giáo lý của nhà Phật. Và mình có thể gọi là điều lệ của Mặt trận, tôn chỉ mục đích của Mặt trận, cũng như tôn chỉ của Phật giáo là đạo của tình thương, đạo của hòa bình, đạo đem lại giải thoát, an lạc cho chúng sinh. Mặt trận cũng là nơi muốn đem lại sự đoàn kết, cùng nhau góp sức để cho cuộc sống này được tốt lên. Cái đó là sự gặp nhau. Chỉ có điều là mình phối hợp với nhau, giữa Mặt trận và Phật giáo để làm được những gì tốt đẹp để xây dựng xã hội Việt Nam nói chung tốt lên thì chúng ta cùng làm.
Thày có thể nói về thày một chút?
- Tôi sinh ra ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thực ra nói về nhân duyên đến với đạo Phật thì từ lúc bé mình đã biết đạo Phật là gì đâu. Thế nhưng, không may mẹ tôi lại mất sớm, từ năm tôi mới 3 tuổi, nên tôi theo bà nội là chính. Trong gia đình có ông chú ruột đi tu, bà nội tôi lại hay ra chùa với con trai, thế nên tôi cứ hay theo bà ra chùa. Thế rồi quen chùa, ở chùa rồi đi tu từ năm lên 7 tuổi, chứ lúc đó tôi cũng chưa hiểu đạo Phật là gì. Rồi lớn lên được đi học, lúc đó tôi học ở trường Phật pháp ở chùa Cả, Nam Định. Đến năm 1977, trên Trung ương Giáo hội, lúc ấy là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam mở khóa học cho trường Phật Pháp Trung ương. Lúc đó là Hòa thượng Thích Tâm An, Hòa thượng Thích Trí Độ giảng dạy và làm hiệu trưởng. Năm 1981, thống nhất Phật giáo Việt Nam, trường Phật pháp Trung ương chuyển thành trường Cao cấp Phật học Việt Nam, tôi lại học thêm cho đến năm 1985 rồi mới kết thúc. Như vậy là khóa học kéo dài từ năm 1977-1985, sau đó tôi tốt nghiệp và Giáo hội giữ lại công tác tại Hội đồng Trung ương Giáo hội Việt Nam cho đến nay.
Thày tiếp xúc với nhiều bậc cao tăng của chúng ta, trong đó thày ấn tượng với những ai nhất? Vì sao?
- Khi còn nhỏ ở Nam Định, chúng tôi được gần gũi và học hỏi Hòa thượng Thích Gia Thái ở chùa Cả Nam Định. Đó là bậc cao tăng rất uy thâm về Phật pháp. Thế rồi cũng được gần gũi một số vị như Hòa thượng Thích Tâm Thông, Hòa thượng Thích Thuận Đức ở Nam Định. Nhưng đặc biệt lên Hà Nội học, được gần gũi với Hòa thượng Thích Trí Độ, Hòa thượng Thích Tâm An, những người thày dạy đầu tiên. Thế rồi nữa, được học hòa thượng Thích Minh Châu, Thích Thiện Siêu. Hòa thượng Thích Minh Châu giỏi về Kinh tạng Pali, cụ Siêu thì giỏi về Kinh tạng Hán, các vị phải nói là những bậc long tượng rất quý. Và lúc đó tôi được Hòa thượng Thích Minh Châu rất ưu ái, cho làm thị giả và yêu cầu tôi vào trong Viện nghiên cứu Khoa học Việt Nam lúc đó ở TP. Hồ Chí Minh vào làm thư ký cho cụ, nhưng tôi làm được vài năm rồi lại ra Hà Nội. Đó là những bậc thầy rất cao quý.
Lý luận Phật giáo của Việt Nam căn bản tư tưởng tiếp thu từ rất nhiều nguồn khác nhau, có đúng không ạ?
- Đúng.
Chúng ta là nơi giao thoa của rất nhiều luồng tư tưởng Phật giáo của châu Á. Theo thày, chúng ta hiện nay đã có hệ thống tư tưởng mang đậm màu sắc Việt Nam, của Việt Nam chưa? Và đó là gì, thày có thể giải thích ngắn gọn được không ạ?
- Thực ra, tư tưởng Phật giáo là chung cho tất cả. Ở Việt Nam. Phật giáo được truyền đến và người dân được tiếp thu giáo lý ấy cũng như tư tưởng ấy. Nhưng nếu nói tới tư tưởng Phật giáo mang màu sắc riêng của Việt Nam chúng ta như nhà báo hỏi, thì đó là tư tưởng của Trần Nhân Tông- vị Vua và cũng là vị Phật của Việt Nam. Ngài thấm nhuần tư tưởng của Đức Phật Thích Ca, rồi ngài đi sâu hơn nữa, cụ thể hơn nữa vào điều kiện của đất nước Việt Nam này, cho nên nó mang một tinh thần nhập thế hành động cũng rất là đậm đà màu sắc Việt Nam. Tôi cho rằng có chút tư tưởng đó hơi khác hơn thôi, còn tất cả đều là chung của đạo Phật.
Người ta nói trong thực hành Phật giáo của Việt Nam bị nhuốm đậm đà màu sắc dân gian, và trong đó có cái hay nhưng cũng có hệ lụy nào đó. Theo thày, cái hay gì cần phát huy, và hệ lụy gì cần loại trừ trong điều kiện hiện nay, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực?
- Thực ra thì đạo Phật của Việt Nam mang màu sắc của dân gian cũng nhiều nhưng mà Phật giáo cũng phù hợp với dân gian rất nhiều. Tôi nói thí dụ như đạo Phật rất coi trọng chữ Hiếu, và người dân Việt Nam cũng rất coi trọng chữ Hiếu. Cái đó tôi thấy rất tích cực.
Như thế là đạo Phật giúp người dân Việt Nam củng cố tinh thần coi trọng chữ Hiếu, chứ không phải vì có đạo Phật mà chúng ta mới hiếu lễ, đúng không ạ?
- Đúng! Đúng như thế rồi! Nhưng mà mình cần phát huy và nhất là trong xã hội ngày nay, những cái gì đó về cái nhân, đức, hiếu, nghĩa thì Phật giáo cũng có, rồi trong dân tộc của mình cũng có, hai cái quyện với nhau và mình cần phát huy. Thế còn những cái tiêu cực, hạn chế thì chỉ có do là mình chưa hiểu hết đạo Phật nói chung. Nên trong khi mình đi lễ Phật, mình cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của lễ Phật nên đôi khi mình đi lễ mang tính dân gian với nhiều nghi thức rườm rà, hơi lệch lạc. Đó là những hạn chế nên tránh thôi, cái đó cần sự học hỏi, tuyên truyền, tự nhận thức của mỗi người.
Đó là mối đe dọa. Theo tôi nghĩ là thế. Thưa thày, người Việt vẫn có câu “chùa là bùa làng”, cho nên chúng ta dù biết rằng có thể có những ảnh hưởng, hay xu hướng, trào lưu mang tính hơi tiêu cực như vậy, chúng ta vẫn khuyến khích chùa đi sâu hơn nữa vào đời sống dân gian và đời sống của người dân bình thường, có đúng không ạ? Bất chấp là nó có thể gây hại, nhưng cái gì nảy sinh thì chúng ta sẽ ngăn chặn, đấu tranh xóa bỏ. Nhưng cái điều đó không ngăn cản nhà chùa phải đi sâu hơn nữa, rộng hơn nữa vào đời sống nhân dân?
- Mà phải như vậy, người dân đi vào nhà chùa học hỏi, và nhà chùa giáo hóa thì người ta mới bớt đi được cái tiêu cực, chứ ngăn cản luôn thì không nên!
Rất cảm ơn thày!