Để tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về nội dung công tác dân tộc, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về nội dung công tác dân tộc”.
Đầu tư có trọng điểm để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. (Ảnh: Hoàng Long).
Các đại biểu dự Hội nghị đã thảo luận và góp ý trực tiếp vào 2 nội dung trong Dự thảo văn kiện là việc đánh giá tình hình về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phần phương hướng, nhiệm vụ nội dung công tác dân tộc trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
I. Về nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
1. Đa số các ý kiến nhất trí với nội dung của Dự thảo, khẳng định Dự thảo đã nêu tương đối đầy đủ và bao quát về tình hình phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nhiệm kỳ qua, tuy nhiên đề nghị cần đánh giá bổ sung rõ hơn, cụ thể hơn công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong phần tồn tại hạn chế cần thiết phải nhấn mạnh thêm những tồn tại hạn chế trong công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác vận động phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương, cơ sở chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.
2. Phần nguyên nhân của những hạn chế khuyết điểm: đồng tình như đánh giá tại Dự thảo văn kiện, ngoài các nguyên nhân đã nêu tại Dự thảo, đề nghị cần bổ sung thêm một nguyên nhân rất cơ bản đó là: “Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên chưa chú trọng đến công tác chỉ đạo triển khai và phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số”
II. Phần phương hướng, nhiệm vụ nội dung công tác dân tộc
- “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” .
1. Đa số các ý kiến nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc đã nêu trong Dự thảo. Ngoài các nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát….. đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì hiện nay, nhìn chung trình độ văn hóa, ý thức hiểu biết của đồng bào các dân tộc thiểu số còn tương đối thấp, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng, do vậy ngoài việc nâng cao trình độ văn hóa, cần phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức hiểu biết và chấp hành pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
2. Bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ đối với trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Do Luật Dân tộc qua các nhiệm kỳ đều đã đề cập song chưa được xây dựng ban hành; việc đầu tư cho vùng dân tộc miền núi vừa qua rất dàn trải có chỗ hiệu quả thấp nên cần tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Vì vậy nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phần phương hướng nhiệm vụ 2 câu sau “Hệ thống pháp luật về dân tộc” và “Tập trung đầu tư có trọng điểm”. Phần phương hướng nhiệm vụ đề nghị được bổ sung và viết lại như sau:
“Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân tộc và các cơ chế chính sách, tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung...”