Chính trị

Hoàn thiện thể chế để không dám, không thể, không cần tham nhũng

H.Vũ 09/12/2023 08:22

Nhân ngày Quốc tế chống tham nhũng (9/12), ngày 8/12 Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo khoa học đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

anh-bai-tren(1).jpg
Toàn cảnh cuộc hội thảo.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, Chính phủ đã khẩn trương lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở, tích cực phối hợp với MTTQ Việt Nam nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, đa dạng hoá cách thức để lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước đề cao vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực.

“Những kết quả đạt được trong hơn 10 năm qua là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Điều này đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam” - ông Văn nói.

Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong PCTN, bà Carolyn Dubrovsky - Phó tham tán chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, các nước không thể một mình chống tham nhũng hiệu quả, mà cần có sự liên kết, mở rộng hợp tác với nhau để chống tham nhũng. Vừa qua Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Theo bà Carolyn Dubrovsky, tham nhũng là bệnh trầm kha của xã hội, làm xói mòn niềm tin của công chúng, và ảnh hưởng tới quá trình quản trị của mỗi quốc gia. Tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu. Nên năm 2021 Hoa Kỳ đã ban hành văn bản nhận diện tham nhũng là vấn đề ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, thể hiện sự nghiêm túc của Hoa Kỳ trong PCTN. Còn tại Việt Nam, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nêu rõ quyết tâm chính trị rất cao của Việt Nam trong công tác PCTN.

Ông Patrich Haverman - Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ quan điểm rằng, cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tính minh bạch trong PCTN. Thực hiện hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về PCTN (UNCAC). Hiện nay, tình trạng đưa hối lộ là vấn nạn của toàn thế giới. Các quốc gia đã tăng cường thể chế để theo dõi, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng dưới các góc độ khác nhau. “Việt Nam đã có những nỗ lực mạnh mẽ PCTN trong những năm qua, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong PCTN, qua đó nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài” - ông Patrich Haverman nói.

Ông Patrich Haverman cũng đánh giá cao vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN được thành lập năm 2013, và đến nay là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem lại những kết quả tích cực, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Việt Nam trong PCTN, xây dựng xã hội liêm chính để phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Cảnh Lam - Vụ trưởng Vụ 5, Ban Nội chính Trung ương nhìn nhận, hiện Việt Nam đang hoàn thiện thể chế để không thể, không dám, không muốn, và không cần tham nhũng. Đây là bước phát triển mới về tư duy của Việt Nam và có học tập kinh nghiệm quốc tế trong PCTN, tăng cướng sự lãnh đạo của của Đảng về công tác PCTN.

“Hiện nay công tác PCTN tại Việt Nam đang đi vào chiều sâu, bài bản, khoa học và toàn diện hơn, làm thay đổi nhận thức và hành vi của các cán bộ công chức. Đây là bước tiến lớn trong nhận thức, coi con người là nhân tố, động lực phát triển, coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Tăng cường tuyên truyền giáo dục và liêm chính về PCTN, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước để PCTN, tiêu cực như: kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; kiểm soát quyền lực trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; kiểm soát quyền lực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; kiểm soát quyền lực trong khối tư pháp, xét xử” - ông Lam nói và chỉ rõ, trong năm 2023 đã có 3 quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực đã được ban hành để đẩy mạnh PCTN, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Là người từng chủ trì xây dựng 3 Luật PCTN (luật năm 2005, luật năm 2012, luật năm 2018), ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, Việt Nam không cần thay đổi cách chống tham nhũng mà cần hoàn thiện và kiên trì tổ chức thực hiện các trụ cột thể chế về PCTN.

“Về tổng thể thì một xã hội công khai, minh bạch, nền công vụ liêm chính sẽ ngăn chặn tham nhũng, trong những năm qua tham nhũng đã giảm” - ông Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn thiện thể chế để không dám, không thể, không cần tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO