Ngày 25/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Theo đó, Nghị quyết quy định: Người được yêu cầu giải trình là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định: Người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.
Nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình đến từ: Đề xuất vấn đề được giải trình của thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu quốc hội (ĐBQH); thông tin từ hoạt động dân nguyện của Quốc hội, từ kết quả giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; thông tin tổng hợp từ hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH; thông tin tổng hợp phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội, báo cáo nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoa học hoặc từ các nguồn khác.
Lâu nay, bên cạnh hoạt động chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Bởi sau giải trình là những giải pháp được tư lệnh các ngành đặt ra và cam kết thực hiện. Và quan trọng là nó bám sát trước đòi hỏi của yêu cầu cuộc sống. Đơn cử, khi các vụ bạo hành xâm hại trẻ em xảy ra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức giải trình về “nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới”; hay như Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông. Qua đó góp phần tháo gỡ những vướng mắc bất cập triển khai trên thực tế.
Liên quan đến việc người được yêu cầu tham gia giải trình là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong quá trình chất vấn, hay giải trình có nhiều vấn đề vướng đến vai trò trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Bởi các vấn đề không chỉ thông suốt trên bộ, ngành mà còn được triển khai thực hiện ở dưới địa phương. “Tôi tham gia Quốc hội nhiều năm, từng chứng kiến nhiều trường hợp khi chất vấn hay giải trình, nhiều bộ trưởng đổ trách nhiệm cho địa phương. Nhiều khi trách nhiệm chưa chắc đã thuộc về họ nhưng họ không được tham gia phiên giải trình nên thông tin chỉ diễn ra một chiều, và địa phương không thể giải trình được vấn đề có liên quan. Điều đó còn khiến không làm rõ được vấn đề vướng mắc, làm rõ được vấn đề trách nhiệm” - ông Cuông cho hay.
Ông Cuông cũng cho rằng, với yêu cầu này thì có thể đi đến cùng sự việc và làm rõ trách nhiệm chứ không chỉ nêu lên vấn đề, tránh trường hợp trên “đổ cho dưới”, còn dưới thì “không được giải trình làm rõ”. Cuối cùng không biết trách nhiệm thuộc về ai? Do đó quy định như trong Nghị quyết mới ban hành là rất cần thiết, đi vào chiều sâu, gắn với việc làm rõ trách nhiệm, tránh đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác. Đã đến lúc cần đi đến cùng sự việc và làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng có liên quan nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, vấn đề trên tuân thủ theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Quốc hội thực hiện giám sát đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, còn các Ủy ban có trách nhiệm giám sát đối với các lĩnh vực mà mình phụ trách. Bộ máy có từ trên xuống dưới, từ trung ương là các bộ, ngành xuống địa phương là các tỉnh, thành phố. Nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM liên quan đến nhiều vấn đề “đụng chạm” tới cả nước thì Chủ tịch UBND phải giải trình, làm rõ các vấn đề có liên quan để làm rõ trách nhiệm.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) cũng cho rằng, cần có hướng mở trong hoạt động giám sát, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. “Ví dụ Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tổ chức giải trình về vấn đề giáo dục tại các tỉnh miền núi phía Bắc hay các tỉnh phía Tây Nam, ngoài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thành viên Chính phủ giải trình thì các tỉnh miền núi phía Bắc và phía Tây Nam là đối tượng chịu tác động của chính sách, nên Chủ tịch UBND các tỉnh đó phải tham gia giải trình để cung cấp thông tin, làm rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện” - ông Tiến nêu rõ.