Tìm kiếm danh sách phim hoạt hình đang chiếu rạp, sẽ không thấy một bộ phim nào “made in Vietnam”. Đa phần là phim hoạt hình nhập ngoại đến từ hãng Walt Disney, DreamWorks, Warner Bros…. Điều ấy khiến khán giả không khỏi băn khoăn: Lâu nay phim hoạt hình Việt đang ở đâu?
Phim hoạt hình “Đại chiến Bạch Đằng” thu hút hàng triệu lượt người xem trên mạng.
Phim 3D đắt khách trên mạng
Đơn cử như một bộ phim “Zootopia” (Walt Disney) đã được khởi chiếu tại hệ thống rạp tại Việt Nam từ cách đây hơn 1 tháng, nhưng hiện vẫn là lựa chọn số một của nhiều khán giả nhí và các gia đình. Có nhiều lý giải về sự ăn khách của phim hoạt hình ngoại, trong đó có yếu tố về công nghệ như sự phong phú về định dạng 2D, 3D, 4DX giúp cho khán giả có nhiều sự lựa chọn.
Trong khi, mỗi năm lượng phim hoạt hình do Việt Nam sản xuất không hề nhỏ. Theo Cục Điện ảnh, trong năm 2015 Việt Nam sản xuất được 50 bộ phim hoạt hình với kinh phí khoảng 25.000 USD (tương đương hơn 500 triệu đồng/phim). Song dường như không có phim nào trong số những bộ phim hoạt hình ấy được chiếu rạp. Ngoại trừ những tuần lễ phim được tổ chức nhân các dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu… hoặc những đợt chiếu miễn phí nằm trong các kỳ LHP được tổ chức 2 năm một lần.
Tại hội thảo về sản xuất phim trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 19 vừa rồi, bà Lương Thị Minh Phương- Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chia sẻ, hiện phim hoạt hình nội thường có độ dài 10-15 phút, chưa có phim truyện hoạt hình nên rất khó để phát hành ở các rạp chiếu vì phim phải dài tối thiểu 60 phút mới có cơ hội ra rạp. Bên cạnh đó, nhà sản xuất và bộ phận phát hành đều mạnh ai nấy làm nên phim làm xong thường bị xếp kho. Trong khi nếu muốn phim được chiếu trên truyền hình phải mất tiền mua sóng hoặc tìm được nhà tài trợ… Nhưng có lẽ đó là câu chuyện của những bộ phim hoạt hình truyền thống.
Hiện Việt Nam cũng có những phim hoạt hình 3D thu hút khán giả. Nhưng không phải ở ngoài rạp, hay trên truyền hình mà là chia sẻ qua mạng, và có những bộ phim đã thu hút hàng triệu lượt xem như: “Dưới bóng cây” (Colory Animation) hơn 2,4 triệu lượt xem; “Bố của gà con”, “Sự tích hồ Ba Bể” (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), “Cô bé bán diêm” (True - D Animation) đều thu hút hơn 1 triệu lượt xem… Đặc biệt trong đó có những phim như “Cậu bé cờ lau” (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), “Càng to càng nhỏ” (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), “Đại chiến Bạch Đằng” (nhóm sinh viên ĐH quốc tế Hồng Bàng sản xuất), “Cua càng đại chiến”, “Dưới bóng cây” (nhóm Ani Cube sản xuất )... đã được cộng đồng mạng đánh giá là những bộ phim hoạt hình hay nhất Việt Nam.
Tại sao phim hoạt hình 3D lại không thể ra rạp? Cho dù các nhà quản lý và đại diện Hãng phim Hoạt hình có lý giải thế nào đi chăng nữa, thì thực tế nói trên đã cho thấy: Việt Nam hoàn toàn có thể làm được phim hoạt hình 3D phục vụ khán giả trong nước. Chỉ có điều lĩnh vực này lâu nay đang bị bỏ phí tiềm năng.
Hãy làm phim cho cả người lớn
Mới đây nhất, tại TP.HCM, Viện Truyện tranh và hoạt hình (Comic Media Academy - CMA) đã có buổi hội thảo gặp gỡ các bạn trẻ đang theo đuổi và nuôi dưỡng ước mơ cho hoạt hình. Hội thảo có sự tham gia của đại diện những đơn vị sản xuất phim 3D hiện nay. Tại hội thảo, các khách mời đã có những chia sẻ thú vị và tổng quát về hoạt hình 3D ở Việt Nam so với thế giới và quy trình làm phim hoạt hình 3D, cũng như nơi đào tạo chuyên sâu về nghề vẽ hoạt hình 3D.
Đại diện những khách mời đều có chung quan điểm khi cho rằng phim hoạt hình Việt Nam chưa được đầu tư đủ để làm thành một phim sâu về nhiều tầng nghĩa. Tuy nhiên, những bộ phim hoạt hình 3D được xem nhiều trên mạng, như đã kể ở trên do các bạn trẻ có đam mê và niềm yêu thích đặc biệt với ngành nghề này như một đòn bẩy thúc đẩy cho nền hoạt hình Việt Nam bước tiếp một bậc so với hoạt hình thế giới.
Anh Đoàn Trần Anh Tuấn - thành viên nhóm thực hiện phim hoạt hình 3D “Dưới bóng cây” từng gây “bão” trên mạng xã hội chia sẻ: Việt Nam chúng ta không thiếu những nhân tài trong lĩnh vực hoạt hình 2D, 3D. Nhưng những người có khả năng làm lại chưa thực sự dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Tức là từ bỏ công việc để chuyên tâm theo đuổi ước mơ của mình. Chúng ta chưa có thị trường hoạt hình cạnh tranh với nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho những người trẻ sau này.
Có thể xem những nỗ lực phát hành phim trên mạng xã hội chính là một cách làm sáng tạo của những bạn trẻ yêu phim hoạt hình. Hay mới đây tại TP. HCM, POPS Worldwide - một đơn vị kinh doanh nội dung số cũng vừa cho ra mắt nội dung giải trí quốc tế trên POPS Kids- kênh giải trí online hàng đầu dành cho thiếu nhi hiện nay. POPS Worldwide đã bắt tay với Turner đơn vị sản xuất và sở hữu kho nội dung phim hoạt hình quốc tế nổi tiếng phát trên kênh truyền hình Boomerang để Việt hoá và phát hành trên POPS Kids. Nhà phân phối này kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giải trí trên nền tảng kỹ thuật số đang rất lớn cũng như giúp các em có thể cập nhật với xu hướng giải trí quốc tế.
Trong xu thế cạnh tranh về công nghệ giải trí, cạnh tranh với phim ngoại trên sân nhà, làm cách nào để có thể đưa phim 3D thuần Việt ra rạp? Bà Thùy Vân- đại diện nhà phát hành phim CGV cho hay: Việc đưa các phim hoạt hình Việt ra rạp chắc chắn chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. Theo bà để có doanh thu hàng chục tỉ đồng từ những phim hoạt hình nhập ngoại hiện nay, những bộ phim đầu tiên do CGV nhập về cũng không có nhiều khán giả. Vì thế để phim hoạt hình Việt Nam có đủ sức cạnh tranh, phim Việt phải xây dựng niềm tin cho khán giả nội bằng những bộ phim có chất lượng, có chiều sâu.
Ở góc độ của khán giả nhiều người cùng nhận thấy rằng, không phải ngẫu nhiên phim hoạt hình Việt bị đánh giá là thiếu chiều sâu. Âu cũng bởi lâu nay trong quan niệm làm phim, người ta vẫn nghĩ là hoạt hình chỉ dành cho trẻ em. Trong khi trên thế giới họ có rất nhiều những bộ phim thu hút cả người lớn và trẻ em đến rạp… Hãy thử một lần đến rạp chiếu ở Việt Nam sẽ thấy, lượng người lớn thích thú xem phim hoạt hình thường xuyên chiếm quá nửa.