Giáo dục

Học đại học 'liên kết'

Thu Hương 18/12/2023 07:13

Ở Việt Nam hiện nay, một số trường đại học đã ký thỏa thuận hợp tác, trao đổi học viên, sinh viên và công nhận tín chỉ, chương trình đào tạo của nhau.

anh-bai-chinh.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm từ cây chuối hột. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người học được trải nghiệm những môi trường học tập khác nhau mà còn thúc đẩy giảng viên, nhà trường phải liên tục thay đổi, cập nhật tri thức mới.

Những bước đi đầu tiên

Đầu tháng 12 vừa qua, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TPHCM ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo thông qua trao đổi giảng viên giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ và tham gia hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ; xây dựng hoặc chia sẻ chương trình đào tạo đại học và sau đại học tiến đến công nhận tín chỉ lẫn nhau. Hai bên đồng tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, trao đổi sinh viên. Hai bên cũng thống nhất phối hợp xây dựng các nhóm nghiên cứu liên trường, tiến đến hợp tác xây dựng các nhóm nghiên cứu.

Trước đó, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng ký thỏa thuận cho phép sinh viên được trao đổi học tập, nghiên cứu trong khối 3 trường. Các trường sẽ tổ chức các khóa trao đổi theo hình thức dài hạn hoặc ngắn hạn. Với khóa dài hạn (một học kỳ tương ứng khoảng 20 tuần), sinh viên được đăng ký tối đa 15 tín chỉ. Với các khóa ngắn hạn (học kỳ hè tương ứng từ 6 đến 8 tuần), sinh viên có thể đăng ký học tập từ 1 - 2 học phần. Ngoài thời gian lên lớp, sinh viên có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên trường tiếp nhận.

Thời gian qua nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện việc trao đổi sinh viên giữa trường trong nước với trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường trong nước với nhau chưa nhiều. Mặc dù đã có biên bản thỏa thuận giữa các trường song từ văn bản đến thực tiễn là một quá trình.

Sinh viên khóa 47, 48 của Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) vừa được nhà trường thông báo có thể đăng ký tham gia học tập trao đổi chính thức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) trong học kỳ đầu 2024. Sinh viên UEH có thể học tập tại NEU ở Hà Nội từ giữa tháng 12/2023 đến cuối tháng 4/2024, thi kết thúc học phần vào giữa tháng 5/2024. Học phần đăng ký học tập trao đổi phải thuộc danh mục công nhận tương đương giữa UEH và NEU, có trong chương trình đào tạo chính khóa của sinh viên. Học kỳ này, người học được đăng ký 27 học phần.

Như vậy, những học viên từ năm thứ 2, thứ 3 trở đi có thể tham gia chương trình học tập trao đổi này theo biên bản thỏa thuận hợp tác giữa 10 trường đại học khối ngành kinh tế về hoạt động đào tạo, trao đổi sinh viên và đảm bảo chất lượng đã ký hồi tháng 10/2022. Ngoài 2 trường trên, 8 trường khác tham gia thỏa thuận này gồm: Trường Đại học Ngoại thương, Thương mại, Kinh tế - Đại học Huế, Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển.

Thúc đẩy phát triển

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường đã có sự chuẩn bị kỹ càng để đón nhận các sinh viên từ trường khác tới trao đổi. Cụ thể, về chương trình đào tạo, 10 trường đại học đã có những sự điều chỉnh để tương thích với nhau. Nếu sinh viên học trao đổi trong 1 học kỳ (khoảng 3 - 4 môn), các môn này sẽ đều có sự tương đồng với môn sẽ học tại trường tiếp nhận.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để thực hiện thỏa thuận hợp tác trao đổi sinh viên, mỗi trường cần tiến hành rà soát lại toàn bộ kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp với kế hoạch đào tạo của các trường khác. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của trường bạn tham gia hợp tác, bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất lẫn điều kiện học tập.

Đối với sinh viên, nếu đăng ký tham gia học trao đổi với giữa các trường trong cùng một thành phố sẽ có những thuận lợi hơn về môi trường sống, nền văn hóa. Ngược lại, nếu các em có nguyện vọng đăng ký học xa, chẳng hạn từ trường có trụ sở ở TPHCM ra Hà Nội, Đà Nẵng, Huế… thì rõ ràng cần sự chuẩn bị cả về tài chính, nơi ăn chốn ở, các điều kiện đảm bảo khác để đạt kết quả tốt nhất khi học tập ở môi trường mới.

Theo PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đây sẽ là những trải nghiệm quý giá với sinh viên khi được học tập ở những môi trường học thuật khác nhau với thế mạnh về kiến thức, chuyên môn của mỗi trường. Đồng thời, việc thay đổi môi trường sống sẽ là những tích lũy quý giá cho tương lai của mỗi người trẻ bởi xu hướng hội nhập toàn cầu, người trẻ có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu khi có cơ hội.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhìn nhận việc các trường công nhận tín chỉ đào tạo của nhau, sự ra đời của giáo dục đại học sẻ chia là tất yếu để tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học mới sửa đổi. Nó phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng số tạo ra những công nghệ mới trong giảng dạy, cho phép các em học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Thành tựu của công nghệ thông tin giúp các trường chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và công nhận tín chỉ sinh viên tích lũy dễ dàng. Vì vậy, việc chia sẻ nền tảng học liệu, cơ sở vật chất cùng đội ngũ giữa các trường sẽ lợi nhiều hơn mất...

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) cho biết, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, Bộ GDĐT đang cùng các trường đại học xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung cho các trường. 7 nhóm ngành đào tạo sẽ do 7 cơ sở đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường liên quan tham gia xây dựng và sử dụng chung trên hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể công nhận tín chỉ các khóa học trực tuyến trên hệ thống (sinh viên của trường này có thể học khóa học của trường khác nếu được công nhận tín chỉ). Điều này giúp dễ dàng hội nhập quốc tế trong đào tạo trên nền tảng đào tạo trực tuyến. Bộ cũng đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học đại học 'liên kết'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO