Học nghề 9+: Lối mở vào đời - Bài 4: Sớm gỡ nút thắt liên thông

Thu Hương 06/06/2020 10:00

Vấn đề liên thông giữa các trình độ đào tạo lâu nay luôn được người học quan tâm. Đặc biệt là với những HS mong muốn hoặc đã đăng ký theo học mô hình 9+ khi tuổi đời vẫn còn rất trẻ. Nếu các em tốt nghiệp  THCS rẽ ngang sang học nghề, sau đó muốn học tiếp lên cao hơn sẽ tìm lối đi nào?

Học nghề 9+: Lối mở vào đời - Bài 4: Sớm gỡ nút thắt liên thông

Ảnh minh họa.

Vẫn khó đủ bề

Tốt nghiệp được tuyển dụng làm việc ngay, không mất thời gian thử việc với mức thu nhập ban đầu bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để hoàn thành được chương trình này đòi hỏi những nỗ lực từ người học.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, để vừa hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT vừa đảm bảo học nghề đối với hầu hết HS theo học mô hình 9+ không phải là việc dễ dàng.

Theo chia sẻ của một giáo viên thỉnh giảng môn Ngữ văn, Trường Trung cấp (TC) công nghệ Thăng Long: HS theo học mô hình 9+ của nhà trường hầu hết không thi vào được cấp 3, kiến thức văn hóa bị hổng nhiều. Giáo viên vừa phải ôn tập kiến thức cũ, vừa giảng dạy kiến thức mới nên mất khá nhiều thời gian so với dạy HS hệ THPT. Trong khi đó, do tuổi đời chỉ ở ngưỡng 15-16 tuổi nên để học nghề, nhiều em vẫn chưa có đủ những kỹ năng, sự hiểu biết cơ bản về ngành nghề mình đã chọn.

Cô Cao Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng (CĐ) Giao thông Vận tải Trung ương 2 (An Dương, Hải Phòng) cho biết, khả năng tiếp thu của HS mô hình 9+ so với sinh viên CĐ chậm hơn do thiếu nền tảng kiến thức nên đọc sơ đồ bản mạch, khí cụ điện… tương đối khó khăn. Một số kỹ năng phải đào tạo theo phương pháp cầm tay chỉ việc.

Như phân tích của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân, hiện nay HS học hết TC muốn liên thông lên CĐ phải hoàn thành khối lượng văn hóa khá nặng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều em học xong TC nhưng muốn liên thông lên CĐ thì phải học thêm 1 năm để lấy bằng văn hóa. Đây là một trong những “nút thắt” trong vấn đề liên thông, khiến việc phân luồng vẫn còn gặp khó khăn. Bởi hiện nay việc dạy kiến thức văn hóa không thuộc thẩm quyền của cơ sở GDNN. Các nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn để giảng dạy phần kiến thức văn hóa theo quy định của Bộ GDĐT và thi THPT theo kỳ thi chung để lấy bằng THPT.

Mặc dù nhiều trung tâm cho biết việc giảng dạy tập trung vào những kiến thức trọng tâm, để các em có thể nhận biết, thông hiểu và vận dụng được trong quá trình học nghề, đồng thời, đủ năng lực tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Song khó khăn khi phải vừa học vừa làm thực hành khá nhiều khiến HS có thể cảm thấy căng thẳng hơn.

Luật đã có, quan trọng là thực thi

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục.

Trong đó, Điều 10 quy định liên thông trong giáo dục là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong GDPT, GDNN và giáo dục ĐH.

Việc liên thông trong giáo dục phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích lũy ở các chương trình giáo dục trước đó.

Để giải quyết vấn đề liên thông, phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, Luật Giáo dục chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Cùng với đó, để đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa THPT khi học sinh THCS theo học trình độ CĐ, có thể đáp ứng chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Luật Giáo dục đã bổ sung quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 28 với nội dung: HS trong cơ sở GDNN được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Trong đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN.

Song song với đó, Luật GDNN cũng quy định khi HS tốt nghiệp trình độ TC muốn học liên thông lên CĐ phải đáp ứng được yêu cầu: Có bằng tốt nghiệp TC cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Đối tượng thứ hai là người có bằng tốt nghiệp TC nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GDĐT.

Như vậy, hành lang pháp lý để có thể liên thông giữa các cấp học, nhất là học từ THCS lên CĐ, ĐH đã có. Vấn đề là các hướng dẫn thực thi ra sao.

Nhiều trường đang triển khai mô hình 9+3 hoặc 9+4. Hiện có những hiểu nhầm về mô hình 9+ là có đầu vào THCS nhưng được học lên thẳng cao đẳng là không đúng mà trong quá trình học phải hoàn thành chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GDĐT. Về phía các cơ sở GDNN, cần chủ động thiết kế các chương trình phù hợp với từng đối tượng HS.

Chẳng hạn, như chia sẻ của lãnh đạo trường Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội: Để tạo điều kiện cho HS tốt nghiệp THCS vào học TC có thể học liên thông lên CĐ, trường đã xây dựng học theo từng mô đun. HS có thể căn cứ theo nhu cầu có thể học xong các mô đun trung cấp để đi làm hoặc có thể học tiếp lên CĐ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học nghề 9+: Lối mở vào đời - Bài 4: Sớm gỡ nút thắt liên thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO