Theo ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội), xu hướng học nghề hiện nay đã thay đổi rõ rệt không chỉ từ phía học sinh mà cả từ phía phụ huynh.
Đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại buổi tọa đàm: Xu hướng đào tạo nghề -góc nhìn đa chiều do Báo Kinh tế và đô thị tổ chức chiều ngày 19/8.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức thông tin, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Quyết định số 2239/QĐ-TTg, đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó: 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 5 - 10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.
Có mặt tại buổi tọa đàm, em Vũ Thu Hường sinh viên K15 lớp cơ điện tử, khoa cơ khí, trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho biết, với số điểm 39,5 em có rất nhiều cơ hội vào học tại các trường THPT công lập tại Thạch Thất, Hà Nội tuy nhiên Hường đã chọn học trường Cao đẳng nghề.
Chia sẻ lý do chọn học nghề, Vũ Thu Hường thẳng thắn chia sẻ, hiện nay xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi, theo đó thay vì ưu tiên bằng cấp thì yếu tố kỹ năng mềm, năng suất đặt lên hàng đầu khi tuyển dụng. Chính vì vậy, em chọn học nghề để rút ngắn khoảng cách đi học nhưng vẫn có được công việc và mức thu nhập mà mình kỳ vọng.
Để minh chứng cho sự lựa chọn của mình, Vũ Thu Hường cho biết, trong gia đình nhà Hường đã có nhiều người thân lựa chọn và có việc làm ổn định với mức lương khá lý tưởng sau khi học nghề (15 triệu đồng/tháng - pv).
Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Phan Quyết Long - Giám đốc Công ty TNHH xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long cũng cho biết, nhân tố quan trọng khi doanh nghiệp tuyển chọn nguồn nhân lực là tiêu chí kĩ năng mềm và khả năng thực hành vận hành cho nhà máy như vấn đề cải tiến, cơ chế bảo hiểm… Trong đó, kỹ năng mềm rất cần thiết, chính vì vậy, trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp thường tìm đến các trường đào tạo nghề để đặt hàng nguồn nhân lực.
Chia sẻ về xu hướng học nghề hiện nay, ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội) cho biết, xu hướng học nghề hiện nay đã thay đổi rõ rệt không chỉ từ phía học sinh mà nhiều phụ huynh đã định hướng, chọn học nghề cho con khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên dù đã có nhiều thay đổi nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn.
Lý do có nhiều song nguyên nhân chính khiến học nghề vẫn chưa được nhìn nhận đúng mực do hiện nay số trường đào tạo nghề có quy mô lớn, đào tạo ngành nghề mới đáp ứng xu thế vẫn còn khiêm tốn. Do đó, để thu hút học nghề các trường phải đổi mới phương thức đào tạo, đầu tư trang thiết bị đào tạo những ngành nghề mới nổi…