Chẳng còn bao lâu nữa lại bắt đầu một năm học mới. Trong khi nhiều gia đình đã phải tính toán đến số tiền cho con nhập học thì thông tin hàng loạt trường đại học tăng học phí đã gây choáng váng. Tại thời điểm này, trường có mức học phí cao nhất có lẽ là Đại học quốc tế Hồng Bàng: Năm học 2023-2024, học phí ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt (chương trình dạy bằng tiếng Anh) có mức 220 triệu đồng/năm; chương trình tiếng Việt 180 triệu đồng/năm.
Đại diện trường Hồng Bàng cho biết, sở dĩ mức phí cao do trường phải đầu tư lớn vào chương trình, đội ngũ giảng dạy, trang thiết bị và các dịch vụ chăm sóc đi kèm.
Với những trường đại học (ĐH) đã công bố mức học phí mới năm học 2023-2024, hầu hết đều tăng. Ở nhóm trường công lập, Trường ĐH Y Dược TPHCM dự kiến học phí ngành cao nhất là Răng Hàm Mặt với mức thu 77 triệu đồng/sinh viên/năm học (10 tháng); ngành Y khoa có mức thu cao thứ 2 với 74,8 triệu đồng/năm; ngành Dược học 55 triệu đồng/năm. Còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến học phí ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt là 55,2 triệu đồng/năm (chương trình tiếng Việt). Ngành Y khoa tại các trường ngoài công lập, như Trường ĐH Tân Tạo học phí là 150 triệu đồng/năm. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khoảng hơn 130 triệu đồng/năm...
Tổng hợp chưa đầy đủ tới hết tháng 5, các trường ĐH đều tăng học phí từ 10-20%. Không ít trường ĐH tăng học phí gấp 2-3 lần so với hiện tại. Mức trần học phí năm học 2023-2024 của ĐH công lập (chưa tự chủ) khoảng 13-28 triệu đồng/năm học, tăng 13-50%. Các trường tự chủ, học phí tối đa dự kiến gấp 2,5 lần. Có những ngành ở một số trường, học phí lên tới 70-80 triệu đồng/năm học...
Con em vào ĐH là ước muốn của hầu hết các gia đình. Nhiều gia đình còn coi đó là lối thoát duy nhất. Nhiều năm, mức học phí thấp đã giúp được không biết bao nhiêu sinh viên con nhà nghèo có điều kiện theo học ĐH. Vậy nên, khi học phí tăng, tăng mạnh, thì cũng có nghĩa là đã chặn nhiều em con nhà nghèo ngoài cổng trường ĐH.
Xã hội lâu này vẫn bàn tán chuyện một sinh viên ĐH mỗi tháng cần bao nhiêu tiền để tiêu. Tất nhiên, con số này không thể chung cho tất cả sinh viên, nhưng dẫu sao thì cũng có một “mẫu số chung” nhất định. Cuộc sống sinh viên với nhiều thứ cần phải chi trả, từ tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền đi lại cho đến tiền học tập... chưa nói đến học phí. Đa số sinh viên vẫn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, nên gánh nặng lại dồn lên vai cha mẹ.
Vậy, theo thời giá, một sinh viên ĐH hiện nay tối thiểu phải chi tiêu bao nhiêu tiền?
Có thể tính như sau: Tiền nhà trọ (nếu ở ghép từ 4 đến 8 người/phòng, tính luôn cả điện nước) vào khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tiền ăn: không thể ít hơn là 60.000 đồng/ngày; một tháng khoảng 1,8 triệu đồng. Tiền đi lại, sách vở: 500 ngàn đồng. Chỉ những khoản cơ bản ấy thôi cũng sẽ là 3,3 triệu đồng/tháng.
Đó là số tiền không thể ít hơn. Cộng với học phí trường “rẻ” nhất cũng thêm vài ba triệu/tháng, thì các gia đình “nuôi” được một sinh viên ăn học từ 4 đến 6 năm sẽ phải tốn số tiền lớn. Đó là với trường thu học phí thấp, còn với trường thu học phí cao, ví dụ 100 triệu đồng/năm học (10 tháng) thì mỗi tháng gia đình sẽ phải chi tổng cộng 13,5 triệu đồng.
Với một gia đình lao động bình thường (thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng), chi phí ấy rất khó có thể lo được.
Vẫn biết rằng các trường ĐH cũng phải đầu tư lớn, nhiều khi phải xoay đủ kiểu để tồn tại, nhưng không thể không lo ngại khi mức học phí thu ngày một cao, vượt quá khả năng đóng góp của con nhà nghèo. Cha mẹ thương con, lo cho tương lai của con thì phải thắt lưng buộc bụng, đi vay đi mượn, tiết giảm đến mức tối đa mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày. Mà mối lo ấy nào phải dăm bữa nửa tháng, nó kéo dài từ năm này sang năm khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, không kể hệ thống trường quốc tế, trường tư, thì hệ thống trường công dù có tự chủ đi chăng nữa thì mức học phí cũng phải thấp. Và cũng không được mượn danh tự chủ để nâng học phí lên cao. Học phí thấp của hệ thống trường công cũng chính là sự ưu việt của chế độ, để con em gia đình lao động có thể học lên. Không ai chọn được cha mẹ, sinh ra trong một gia đình nghèo các em đã phải chấp nhận xuất phát điểm thấp. Nếu không thể được học lên thì nền tảng để các em vào đời sẽ lại càng thua bạn kém bè.
Cách đây 1 năm, khi có dự định tăng học phí ở nhiều bậc học, TS Nguyễn Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho rằng không ổn. Ông Khuyến nói học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân và muốn tăng phải dần dần, nếu không học sinh sẽ bỏ học, khi đó rất nguy hại, phi nhân văn.
Hiện kinh tế gặp nhiều khó khăn sau 3 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, đời sống người dân bị ảnh hưởng lớn thì việc tăng học phí, trong đó có bậc ĐH là vấn đề rất đáng suy nghĩ.