Đó là ý kiến của nhiều giáo viên khi trao đối với phóng viên báo Đại Đoàn kết. Trước đó, Sở GDĐT Hải Phòng đã quyết định dừng việc dạy online với lớp 1, 2 vì không hiệu quả.
Ưu tiên cho học sinh lớp 1
Theo ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội, với các học sinh khối lớp 1, có thể không cần phải cứng nhắc học trực tuyến từ 7h mà có thể chọn khung giờ linh động và phù hợp nhất. Trong quá trình học, vẫn phải bố trí các hoạt động thư giãn, thể dục để trẻ hứng thú. Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường ưu tiên chọn khung giờ tốt nhất để dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1. Ngoài ra, phối hợp với phụ huynh học sinh để hỗ trợ nhiều nhất cho việc học tập ở nhà của các em; thường xuyên có biện pháp kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy học...
Trên thực tế, nhiều trường cũng bố trí khung giờ học của các khối lớp khác nhau. Chẳng hạn, từ khối 2 đến khối 5 do các con đã quen với việc học online ở năm học trước nên sẽ bố trí buổi sáng học từ 8h30 - 10h30, giữa giờ nghỉ 10 phút; buổi chiều từ 14h30 - 15h50. Riêng khối 1, nhiều trường sắp xếp cho các con học vào chiều tối để phụ huynh có thể hỗ trợ do mới làm quen với việc học trực tuyến. Nhờ kinh nghiệm của năm học trước, các giáo viên cũng giảng dạy thuận lợi hơn.
Cô Nguyên Hồng Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội cho biết số lượng học sinh học online của nhà trường hàng ngày tương đối đầy đủ. Ban Giám hiệu nhà trường hàng ngày có vào thăm các lớp thấy các con học rất nghiêm túc.
“Riêng với học sinh lớp 1 chúng tôi rất quan tâm. Giáo viên nhà trường nhận xét các con vẫn tiếp thu được dù không bằng học trực tiếp. Các thầy cô có thể chỉ ngay cho các con chỗ nào đang gặp khó khăn còn học online thì các con phải tự lập nhiều hơn cũng như cần sự hỗ trợ thêm từ gia đình” - cô Thúy chia sẻ.
Cô Thúy cho biết trường mình đang dạy học sinh trên nền tảng Microsoft Teams nên khá ổn định, ít khi bị out ra. Trong khi quan sát nhiều trường sử dụng ứng dụng zoon thì học sinh đôi khi bị out ra. Việc gián đoạn học tập sẽ khiến các con quên mất kiến thức, khi quay trở lại có thể các con khó hiểu bài tiếp theo. Đó là lý do khách quan. Còn chủ quan, mỗi bạn có sự tập trung khác nhau, mức độ nhận thức khác nhau nên cũng có bạn hiểu hết bài giảng của cô, có bạn hiểu bập bõm… Chưa kể không phải gia đình nào cũng có môi trường yên tĩnh để các con tập trung học. Đó là những lý do bất khả kháng nên chúng ta buộc phải chấp nhận và tìm cách khắc phục để việc học online đạt hiệu quả ở mức cao nhất.
“Học được ít còn hơn không được gì”
Đây là quan điểm của cô giáo Thu Hằng (Trường Tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Học online, giáo viên vất vả hơn rất nhiều vì việc chấm bài, chữa bài không thực hiện ngay trên lớp được mà phải chữa sau khi các con làm bài tập, phụ huynh gửi ảnh bài chụp cho cô. Còn nếu chỉ giao bài mà “buông” không chữa bài tập hoặc để phụ huynh tự chữa thì không hiệu quả.
“Mặc dù học online có những khó khăn nhất định về phía học sinh và giáo viên nhưng quan điểm của tôi là thà học online còn hơn không học. Học được ít còn hơn không học được gì. Vì vậy, tôi cho rằng vẫn nên duy trì, tùy theo mức độ lứa tuổi” - cô Hằng chia sẻ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đồng tình với việc học online ngoài việc truyền thụ kiến thức mới cho học sinh, ôn tập kiến thức cũ thì còn có tác dụng tạo thành nền nếp thói quen cho học sinh. Đúng giờ đó con có ý thức ngồi vào bàn học. Và học online cũng đem lại cho các con sự trải nghiệm khác nhau. Nếu dừng thì không phải phụ huynh nào cũng có thể kèm cặp con. Kiến thức sau một thời gian không học thì bị quên, trẻ con không học liên tục sẽ không còn tâm thế, đến lúc quay trở lại việc học thì phải xây dựng tâm thế lại từ đầu.
Chia sẻ quan điểm này, cô Hồng Thúy cho biết trước Tết vừa rồi, nhà trường không dạy online mà chỉ giao bài tập cho học sinh. Nhưng cũng đồng thời chữa bài hàng ngày, giáo viên vẫn theo sát các con nên mới đạt hiệu quả. Có thể không học bài mới nhưng cũng ôn tập để các con không quên kiến thức. Làm bài tập online thì học sinh làm trắc nghiệm trên máy, máy tự chấm được ngay, còn tự luận thì làm rồi up lên internet và máy tính sẽ lưu lại thành một hệ thống để sau này kiểm tra lại được.
Hiện nay mỗi địa phương, thậm chí mỗi một trường có một chiến lược riêng trong việc học tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhưng rất cần có những quy định cụ thể để sau này khi đi học trở lại có sự thống nhất giữa các trường trong cùng địa phương và giữa các địa phương trong toàn quốc. Chẳng hạn, nếu không dạy online, không học bài mới thì có thể chậm chương trình thì khi học lại, các con sẽ bị học dồn, học đuổi thì sẽ khó khăn cho cả thầy và trò. Có thể cân nhắc phương án như năm học trước, sau khi trở lại học trực tiếp, có trường tăng buổi lên, học bù vào thứ 7 để khỏi chậm chương trình. Hoặc chủ động tinh giản chương trình phù hợp với kế hoạch năm học…
Nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình với việc học online, cho rằng ngoài việc truyền thụ kiến thức mới cho học sinh, ôn tập kiến thứ cũ thì còn có tác dụng tạo thành nền nếp thói quen cho học sinh: Đúng giờ thì ngồi vào bàn học. Kiến thức sau một thời gian không học thì bị quên, trẻ con không học liên tục sẽ không còn tâm thế, đến lúc quay trở lại việc học thì phải xây dựng tâm thế lại từ đầu. Với giáo viên, nhiều người cho rằng có theo sát thì học sinh mới học hiệu quả. Có thể không học bài mới nhưng cũng ôn tập để học trò không quên kiến thức.